Cách đây 81 năm tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh diễn ra những cuộc biểu tình lớn từ tháng 5/1930 – 7/1931 trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Phong trào cách mạng này là kinh nghiệm quý giúp Đảng ta hoàn thiện đường lối và chiến lược cách mạng, lãnh đạo toàn dân vùng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8 năm 1945. Tháng Tám mùa thu này, bầu trời Can Lộc trong xanh lạ kỳ. Dường như tâm điểm của những hoạt động kỷ niệm phong trào Xô Viết lừng danh năm nào ở tỉnh Hà Tĩnh đều hướng về thị trấn Nghèn. Lịch sử thật khéo léo khi chọn Ngã ba Nghèn là nơi khởi đầu của cao trào Xô Viết ở Hà Tĩnh thì ngày nay lại là trung tâm quần tụ các di tích trên một địa phương giàu truyền thống yêu nước. Điểm gặp nhau của Quốc lộ 1A và đường liên xã từ huyện Can Lộc qua Khánh Lộc về Đồng Lộc, Trung Lộc, Ngã ba Nghèn trước thuộc làng Trảo Nha, sau Cách mạng đổi tên là Đại Lộc, huyện Can Lộc, là nơi diễn ra những cuộc biểu tình lớn trong những năm 1930-1931. Dù còn nhiều khó khăn, còn bao vất vả quanh năm chống chọi với bão lũ, thiên tai, nhưng Hà Tĩnh luôn biết cách trân trọng và phát huy truyền thống lịch sử để ngày nay tại ngã ba Nghèn đã có một khu di tích xứng tầm, với cụm tượng đài oai hùng khắc tạc vóc dáng của những chiến sỹ cách mạng ngày ấy. Nhiều khách thập phương đến đây để cảm nhận được tinh thần cách mạng quật cường của nhân dân Hà Tĩnh thuở nào, nhưng với ông Ngô Đức Mách, cán bộ tiền khởi nghĩa ở thị trấn Nghèn, không khí sôi nổi về cao trào cách mạng vẫn nguyên vẹn trong ký ức. Năm nay 97 tuổi, đã 81 năm trôi qua từ khi diễn ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng với ông Ngô Đức Mách-một trong số ít nhân chứng của cao trào Xô Viết còn sống- mỗi lúc nhắc đến những ký ức lịch sử bỗng minh mẫn lạ thường. Ông cho biết: ngày đó Can Lộc có nhiều cuộc biểu tình ở phạm vi tổng và huyện với hàng ngàn người tham gia. Tháng 8/1930 quần chúng kéo về huyện đường hô vang các khẩu hiệu: Đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và Nam triều phong kiến…Trước khí thế mạnh mẽ của cuộc biểu tình, tri huyện Trần Mạnh Đàn phải ra tận cầu Nghèn ký vào bản yêu sách. Ông Ngô Đức Mách nhớ lại: “…Khí thế của phong trào những năm 1930 đó, sôi động lắm. Hai lần biểu tình của nhân dân, tri huyện Trần Mạnh Đàn phải ra chấp nhận yêu sách của những người biểu tình. Phong trào sôi nổi, cờ đỏ của ta bay khắp nơi…”. Cuộc biểu tình lớn thứ hai vào cuối năm 1930, nhân dân các vùng trong huyện có tới 5.000 người mang nhiều khẩu hiệu, cờ đỏ búa liềm rầm rập tiến đến huyện đường chống đàn áp khủng bố, đòi giảm sưu thuế. Bọn lính bắn vào đoàn biểu tình làm 42 người chết. Ngã ba Nghèn lại ghi nhận nhiều chiến tích và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nhiều chiến sỹ. Từ cao trào Xô Viết 1930- 1931 đến Cách mạng tháng Tám, những cái tên như Nghèn, Đỉnh Lự, bến đò Thượng Trụ đã trở thành nơi ghi dấu rất nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Ngã ba Nghèn, trung tâm huyện lỵ Can Lộc nay đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ nổi tiếng của Hà Tĩnh. Đó không chỉ là nơi ra đời của chi bộ Trảo Nha, 1 trong 4 chi bộ Đông Dương Cộng sản liên đoàn được thành lập đầu tiên trong tỉnh, không chỉ là nơi diễn ra những cuộc biểu tình lớn trong cao trào Xô viết mà còn là những cuộc mít tinh, biểu tình đầy khí phách của nhân dân trong Cách mạng tháng Tám. “…Phong trào 30-31 có tác động lớn đến việc cướp chính quyền sau này. Từ năm 30 có gián đoạn đi đến năm 1936. Năm 1936 củng cố được đảng bộ Quang Lộc, đến tháng 6/1945 thành lập đảng bộ huyện Can Lộc. Thị trấn Nghèn thành lâp đảng bộ đầu tiên của huyện Can Lộc…”-Ông Ngô Đức Mách nói. Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương Xô-viết, Can Lộc là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 16/8/1945. Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong Cách mạng Tháng Tám vào ngày 18/8/1945. Chuyện xưa, chuyện nay, câu chuyện của người cán bộ tiền khởi nghĩa Ngô Đức Mách thêm sống động hơn khi nhắc đến sự thay đổi của thị trấn Nghèn, của huyện Can Lộc những năm gần đây. Từng là một thị trấn trọng điểm của bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá tan hoang ngày nào, nay thị trấn Nghèn, cũng nhưng huyện Can Lộc đã thay da đổi thịt. Là huyện đi đầu trong thực hiện một số chương trình phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh và của cả nước. Can Lộc đã cơ bản xóa xong 3.000 nhà tranh tre, dột nát và ngói hóa nhà ở cho nhân dân ngay trong năm 2005. Trong thời gian qua, Can Lộc đã huy động 1.160 tỷ đồng để chỉnh trang bộ mặt thị trấn và vùng nông thôn, đầu tư hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bà Nguyễn Thị Nhàn, ở thị trấn Nghèn vui mừng: “Đời sống nhân dân có rất nhiều thay đổi. Hiện nay đường sá khang trang hơn, các công trình công cộng được đầu tư rất nhiều”. Không chỉ ở thị trấn Nghèn mà các vùng nông thôn Can Lộc cũng có nhiều khởi sắc. Với tinh thần Xô Viết, nhân dân Can Lộc đã đồng lòng hy sinh quyền lợi cá nhân, xóa bỏ những thửa ruộng manh mún, dồn điền, đổi thửa lần thứ hai thành công, từ 320.000 thửa xuống còn 62.000, tạo tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Nhờ đó người nông dân Can Lộc có điều kiện xây dựng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như ở Thiên Lộc, Khánh Lộc… cho thu nhập cao. Kinh tế nông thôn có chuyển biến tốt, đời sống nông dân ấm no, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh, số hộ làm ăn khá giả tăng rõ rệt. Hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp 2005-2010 hoàn thành trước thời gian đã phần nào nói lên tinh thần Xô-viết trên mặt trận mới của người dân Can Lộc. Anh Trần Đức Lai, ở xã Khánh Lộc cho biết: “Các phong trào và đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân càng ngày càng đi lên, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp…”. Những ngày tháng Tám lịch sử này, từ khu di tích Ngã ba Nghèn nhìn đâu cũng thấy những xóm làng trù mật, những cánh đồng thẳng cánh cò bay và những con đường khang trang, thoáng rộng. Mỗi địa danh, mỗi mảnh đất nơi đây đều thấm đẫm sự cống hiến, hy sinh và cả máu xương của bao thế hệ người Hà Tĩnh. Mùa thu này, trời xanh cao vời vợi. Khu di tích thêm hấp dẫn lạ kỳ, ai đến đây cũng cảm nhận được và tin rằng dẫu còn nhiều khó khăn nhưng tương lai không xa Hà Tĩnh sẽ trở thành tỉnh phát triển. Bởi trên con đường đó truyền thống luôn là hành trang và động lực để vững bước./.
VOV