Đi về phía biển là bắt đầu từ cội nguồn, nơi “đầu Mênh cuối Sót”, nơi Ngàn Hống như bức tường thành vĩ đại nằm nhoài ra biển che chắn cho cả một vùng 3 huyện, trong đó có Thiên Lộc xưa. Dọc hành trình, tôi như bắt gặp bóng dáng chí sĩ Đặng Dung thời Trần, quê làng Tả Hạ (Tùng Lộc ngày nay) vì căm thù giặc Minh chưa trả được, nuốt hận mài gươm bao đêm dưới ánh trăng tà Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.
Câu thơ chí khí ngất trời của người anh hùng cùng với hành động nhảy xuống sông tự vẫn khi bị địch bắt khiến tôi liên tưởng đến những hậu thế của ông ở thế kỷ X: chí sĩ Nguyễn Hàng Chi quê Ích Hậu đã dẫn đầu đoàn biểu tình chống thuế ở Hà Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giam và kết án tử hình năm 1908; người con gái Võ Thị Tần đang sống bình dị trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Hồng – xã Thiên Lộc, khi giặc Mỹ tàn phá quê hương đã xung phong ra chỗ hòn tên mũi đạn và viết thư cho mẹ: Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con.
Cũng chính trên quê hương của chị, nơi có bến đò Thượng Trụ, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Hà Tĩnh đã ra đời năm 1930, lãnh đạo cao trào 1930-1931 và cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Dấu tích người xưa còn đó như lời nhắc nhở của cha ông với lớp lớp cháu con.
Từ phía Đông Ngàn Hống, theo huyện lộ ngược lên phía Tây, những cái tên Phù Lưu, Thuần Thiện, Trảo Nha, Nguyệt Ao… cứ gợi lên cảm giác bình dị, dân dã mà thân thương.
Gắn với những địa danh đó là bản sắc văn hóa ngàn đời của người Thiên Lộc từ thuở dựng nước và tên tuổi của những danh nhân hiền tài đi vào sử sách nước nhà: Đặng Tất, Nguyễn Biên, Nguyễn Trạch, Ngô Phúc Vạn, Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Giai, Hà Tông Mục, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp…
Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: V.H
Người kiên trung bất khuất không chịu quỳ gối trước kẻ thù, người học rộng tài cao, giúp vua đánh đuổi ngoại xâm, người là chí sĩ một lòng yêu nước đánh Pháp, người là thầy giáo thông kim bác cổ, một lòng dạy dỗ học trò thành danh cho đất nước.
Dù ở thời nào, dù ở lĩnh vực nào thì những người con cùng sinh ra trên dải đất giang sơn tụ khí này đều có chung một tấm lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, kiên cường trong gian khó, nhân nghĩa, thủy chung và thanh cao:
Bao quản hình hài vàng dưới suối
Chút mang danh giá báu trên đời
Lấy mình làm phép, già đâu dám
Nghĩa nặng ơn sâu phải ngỏ lời
( “Răn đời” – Nguyễn Thiếp)
Đã bao lần theo dấu chân tiền nhân, tìm về vùng đất bao quanh núi Cài, nơi có làng Trường Lưu từng nổi danh bởi “Trường Lưu học hiệu”, “Phúc Giang thư viện” của cha con Nguyễn Huy Tự – Nguyễn Huy Oánh, tôi băn khoăn tự hỏi: Mảnh đất này có khí chất gì, phong thủy thế nào mà thế kỷ XVIII, Nguyễn Huy Tự từng có cảm hứng viết “Hoa Tiên truyện”, Đại thi hào Nguyễn Du từng dẫn đầu đám trai làng nón Tiên Điền đi bộ vượt núi Cài sông Nghèn vào hát ví phường vải với con gái Trường Lưu để rồi sau này dù không nên duyên phận vẫn viết “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”?
Theo dòng chảy vô tận của thời gian, cái tố chất “văn thanh cảnh lịch, sắt son tình người” của người dân Can Lộc ngày càng được nhân lên và tỏa sáng, trở thành di sản quý giá cho muôn đời.
Từ Trường Lưu nhìn sang bên kia chân núi Cài là đất Kiệt Thạch (Thanh Lộc) “tam khoa tam tiến sĩ”, là nơi sinh thành Thám hoa Phan Kính (Song Lộc), nổi tiếng tài hoa văn võ song toàn, đến nay vẫn còn lưu danh sử sách.
Không hổ thẹn với tiền nhân, những người con mang trong mình dòng máu quê hương, nặng ân tình với hạt lúa củ khoai, với giọt nước sông Nghèn, lớn lên trong bầu không khí học hành khoa bảng nên dẫu sinh ra trên dải đất này hay ở chốn xa quê cũng đều mang trong mình cốt cách kẻ sĩ Thiên Lộc.
Những trang trại trù phú dọc dải Trà Sơn. Ảnh: Chính Thu
Có lẽ vì thế mà chàng thi sĩ tài hoa Xuân Diệu đã từng rất tự hào với cội nguồn của mình: Cha đàng Ngoài mẹ ở đàng Trong. Ông đồ Nghệ lấy cô hàng nước mắm. Một thế hệ nhà thơ trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc như Chính Hữu, Nguyễn Sĩ Đại, Mai Hồng Niên, Lê Thành Nghị; một thế hệ những nhà khoa học, doanh nhân tài giỏi như Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Nguyễn Huy Mỹ, Phạm Nhật Vượng, … dù đi đâu về đâu cũng không quên được nguồn mạch đã nuôi dưỡng cho cây xanh cuộc đời của họ sai quả và họ đang từng ngày từng giờ âm thầm góp sức cho quê hương:
Đi đâu về đâu còn dưới trời xanh
Là vẫn nhớ về quê hương Can Lộc
(Nguyễn Sĩ Đại)
Đi trên vùng đất Trảo Nha, dừng chân ở ngã ba Nghèn, bên tượng đài 42 liệt sĩ ngã xuống trong cao trào 1930-1931, bỗng dưng tôi nghe trong tiếng trống mùa tựu trường của các em nhỏ có âm vọng tiếng trống Xô-viết năm nào. Sự hy sinh của cha ông đã không uổng phí khi những ngôi trường khang trang ngày càng nhiều thêm trên mảnh đất đầy đau thương.
Thời gian đã hội tụ khí thiêng sông núi từ ý chí và tinh thần quật khởi của cha ông như muối kết tinh từ nước biển ngàn đời.
Tôi bỗng nhớ tới lời của Bí thư Huyện ủy Bùi Đức Hạnh trong cuộc gặp gần đây: Quá khứ sẽ là tài sản vô giá khi chúng ta biết làm cho nó sáng đẹp lên trong hiện tại và tương lai.
Tháng 8-2009
Bùi Minh Huệ
Baohatinh