Trong nước

Mảng tối ở dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng: Lý giải của chủ đầu tư chưa thuyết phục

Chủ đầu tư cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định và cho phép nên UBND TP HCM không thể không đồng ý về những thay đổi so với thiết kế cơ sở.

Chiều 13-9, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group - chủ đầu tư dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1), đã giải trình những vấn đề mà dư luận quan tâm liên quan đến việc thay đổi vật liệu thép ở hạng mục cơ khí cửa van. Ông Tiến khẳng định không tự ý thay đổi thiết kế cơ sở mà đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) thẩm định và đồng ý.

Lý giải từ một phía

Phóng viên Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Theo hợp đồng, khi có thay đổi thì phải được sự đồng ý của UBND TP HCM; trong trường hợp này, TP chưa có văn bản chấp thuận thì việc thay đổi có vi phạm hợp đồng hay không? Ông Tiến cho biết UBND TP đã ủy quyền cho Sở NN-PTNT theo điều 10 của hợp đồng BT đã ký nên các đơn vị - từ tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra đến doanh nghiệp dự án - đã trình hồ sơ cho sở và chỉ khi được sở này đồng ý thì nhà đầu tư mới dám thay đổi. Ông Tiến cũng viện dẫn Văn bản số 125 của UBND TP HCM ký ngày 5-3, cho rằng sự thay đổi về thiết kế đã được UBND TP chấp thuận.

Tháng 3-2018, TP HCM mới có văn bản đồng ý nhưng thép đã được mua từ trước? Ông Tiến giải thích rằng TP đã ủy quyền cho Sở NN-PTNT nên khi được sở đồng ý thì doanh nghiệp nhập thép về để gia công hạng mục cơ khí cửa van. Vậy nếu TP không phê duyệt thì sao? "TP không thể không đồng ý vì đã ủy quyền cho sở chuyên ngành là Sở NN-PTNT, nếu sở này đã đồng ý thì cũng như TP đồng ý" - ông Tiến khẳng định.

Ông Tiến viện dẫn điều 10 của hợp đồng BT không có điều khoản hay ràng buộc nào nói thép hạng mục cửa van là thép G7, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hay thép Trung Quốc. Do đó, việc lựa chọn vật liệu thép phôi tấm về gia công có thể là bất cứ loại thép nào miễn là đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Vậy tại sao các loại máy móc, thiết bị khác thì lại có nguồn gốc từ các nước G7? Trả lời câu hỏi này, ông Tiến cho rằng các loại máy móc, thiết bị có trong hợp đồng với UBND TP nên phải tuân thủ.

Tại buổi họp báo, đại diện tư vấn thiết kế của dự án cũng "tự nhận" có sai sót khi đã ghi rõ chỉ dẫn kỹ thuật trong hồ sơ thuyết minh bản vẽ thi công là dùng thép từ các nước G7. Sau đó, đơn vị này nhận thấy việc ghi như vậy là không đúng Luật Xây dựng nên đã có văn bản đính chính (?!).

Hạng mục cửa van ở cống kiểm soát triều Phú Xuân sử dụng phôi thép của Trung Quốc.. Ảnh: SỸ ĐÔNG

Luật sư: Chưa đúng thẩm quyền!

Chiều cùng ngày, phóng viên đã liên hệ với người phát ngôn - Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM là ông Nguyễn Phước Trung để làm rõ thông tin Trungnam Group khẳng định chỉ thực hiện việc thay đổi thép khi được sở này thẩm định và đồng ý. Ông Trung đề nghị phóng viên liên hệ với Phó Giám đốc sở Nguyễn Văn Trực. "Anh Trực là người trực tiếp phụ trách dự án này. Tôi đã giao hết cho anh Trực" - ông Trung nói.

Sau đó, phóng viên đã liên hệ với ông Trực. Khi phóng viên đặt vấn đề "cơ sở nào để Sở NN-PTNT TP đồng ý cho Trungnam Group sử dụng thép Trung Quốc thay vì của khối G7", ông Trực cho rằng cứ gặp đoàn kiểm tra để có ý kiến rõ hơn, chứ bản thân ông không bình luận gì!

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), phân tích: Điều 84 Luật Xây dựng năm 2014 quy định về việc điều chỉnh thiết kế xây dựng nêu rõ: Thiết kế xây dựng đã được phê duyệt chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp sau: a) Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu điều chỉnh thiết kế xây dựng; b) Trong quá trình thi công xây dựng có yêu cầu phải điều chỉnh thiết kế xây dựng để bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả của dự án. Khi điều chỉnh thiết kế xây dựng mà có thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu của kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình thì việc điều chỉnh thiết kế xây dựng phải được thẩm định và phê duyệt theo quy định tại điều 82 của luật này.

Điều 82 Luật Xây dựng về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng quy định: Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước: a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế hai bước; b) Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế ba bước; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế hai bước. Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế ba bước.

Như vậy, trong trường hợp này, Trungnam Group muốn thay đổi thiết kế từ vật liệu thép của Nhật Bản sang thép của Trung Quốc thì cần phải có cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định và được sự phê duyệt của người quyết định đầu tư là UBND TP HCM. Việc chuyển giao cho Sở NN-PTNT và sở này phê duyệt là không đúng thẩm quyền!

Cống có thể bị sập

Ông Phạm Văn Long, Trưởng tư vấn thiết kế của dự án, khẳng định không phải thay đổi thiết kế nào chủ đầu tư cũng đều có quyền mà phải có ý kiến từ liên danh tư vấn gồm 5 đơn vị. Ông Long lưu ý chủ đầu tư rằng đây là công trình lớn nhất về thủy lợi của cả nước, lại được xây dựng trên vùng đất yếu, bị tác động bởi triều cường nên nếu không tuân thủ điểm dừng theo thiết kế thì tiềm ẩn nguy cơ sập móng. Cụ thể, cống Phú Định có nguy cơ cao nhất do làm tường vây trên nền đất yếu nhưng không đổ bê-tông nên nếu để lâu thì có khả năng bị sập. Đến lúc đó, nhà thầu không được đổ thừa cho tư vấn thiết kế.

S.ĐÔNG

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-9

Tác giả: SỸ ĐÔNG - TRƯỜNG HOÀNG - PHAN ANH

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP