Tuỳ bút Quê hương

Mặn mòi tình nghĩa

“Các o, các chú về Hà Nội, cho tui gửi lời hỏi thăm và cảm ơn các o, các chú ở ngoài nớ. Vượt hàng trăm cây số, các chú về tận đây, tui không biết phải nói chi. Tui có nằm mơ cũng biết đến bao giờ mới có căn nhà như là ri…”. Giọng nói mặn mòi của người Hà Tĩnh, bà Xuyến nước mắt rưng rưng theo ra tận xe của đoàn công tác, nắm chặt tay Thượng tá Vũ Kim Thành – Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô để nói lời cảm ơn, làm cho chúng tôi cảm thấy đoạn đường vài trăm cây số về Hà Tĩnh như ngắn lại rất nhiều.

“Gia đình tui đổi đời rồi”

Khởi nguồn từ số tiền 180 triệu đồng của Báo An ninh Thủ đô, cùng với sự hỗ trợ của Công an tỉnh Hà Tĩnh, và sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, người đóng góp công thợ, bên hỗ trợ đào móng, trước Tết Nguyên đán năm 2009, 6 gia đình đã được chuyển về nơi ở mới. Và chuyến công tác lần này của Báo An ninh Thủ đô là về thăm lại những gia đình đó. Bà Bùi Thị Kim Xuyến, ở tổ 10 thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là gia đình đầu tiên đoàn công tác về thăm. Bà Xuyến là vợ liệt sĩ và cũng là người phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Vừa thấy đoàn công tác đến, chị Nguyễn Hoài Thương – con gái út của bà Xuyến đã xúc động, nức nở: “Bố em mất khi em mới sáu tuổi. Bố đi bộ đội 10 năm, bố về mẹ mới sinh anh đầu tiên. Bố nhiễm chất độc da cam, ốm liên miên do vết thương tái phát, chân tay bị hoại tử, phải cưa dần, bố đâu có đi lại được, mọi sinh hoạt đều tại chỗ cả. Khi đó, bà cũng ốm yếu, tất cả mọi việc chăm bà, chăm bố, nuôi ba đứa con đều trên tay mẹ cả”.

Liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà chồng bà Xuyến đi bộ đội năm 1963, đến năm 1992 ông mất do sự tàn phá của chất độc màu da cam. Bà Xuyến khi đó là cán bộ ngân hàng nhưng do chồng đau yếu nên phải nghỉ mất sức theo chồng đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, lương được có mấy chục nghìn đồng/tháng. Bà dựng cái quán trước cửa bán vài thứ kẹo bánh lặt vặt lấy thêm tiền nuôi con ăn học.

Bà Xuyến tâm sự: “Căn nhà này trước đây là căn nhà cấp 4, ẩm thấp, mưa đến là nác (nước) trong nhà nhiều hơn ở ngoài sân. Mẹ con khổ lắm. Bây chừ nhà khang trang cao ráo như thế này là nhờ ơn mấy chú công an đó. ông nhà tui ở dưới đó biết mẹ con có được gian nhà ấm áp không phải lo mưa gió, chắc cũng yên dạ rùi”…

Bà Nguyễn Thị Hường, ở  thị trấn Cẩm Xuyên cũng là một người vợ như vậy. Chồng bà, liệt sĩ Nguyễn Văn Kiệm nhập ngũ năm 1968 và hy sinh tại Quảng Trị năm 1970. Đã gần 40 năm nay, bà Hường phải sống một mình. Nếu ai đã nhìn thấy ngôi nhà của bà Hường thì sẽ thấy không còn có cái nghèo nào nghèo hơn thế nữa. Căn nhà đất hai gian rách nát, đã bị bão gió quật ngã mấy lần.

Con lại ở xa, bà phải nhờ người thưng lại bằng bạt, ở trong nhà mà nhìn thấy cả trời. Cứ mỗi lần trời làm mưa, người ta chạy về nhà trú mưa, còn bà, bà lại chạy ra ngoài, sang nhà hàng xóm trú nhờ vì bà sợ căn nhà sẽ đổ ụp xuống lúc nào không biết. Căn nhà ấy không có cái gì đáng giá, ngoài tấm sổ đỏ mà khi làm đám cưới cho con, không có tiền, bà đã phải mang thế chấp để làm mấy mâm cỗ mời họ hàng bà con chòm xóm.

Cho đến khi Báo An ninh Thủ đô hỗ trợ tiền xây nhà tình nghĩa, bà Hường cũng không dám nhận vì sợ sức mình không làm nổi. Nhưng rồi được các đồng chí Công an Hà Tĩnh và Đảng ủy chính quyền thị trấn Cẩm Xuyên cũng như bà con hàng xóm động viên, giúp đỡ bây giờ thay vào căn nhà rách nát xưa là căn nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, và chắc chắn rằng mỗi lần mưa gió bà Hường sẽ yên tâm ở trong ngôi nhà của mình.

Thư cảm ơn

Kính gửi: – Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

        – Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô

Thời gian qua, đoàn công tác của Báo An ninh Thủ đô đã trực tiếp về Hà Tĩnh hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho 6 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Nghi Xuân, Can Lộc và thành phố Hà Tĩnh, trị giá 180 triệu đồng.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh trân trọng cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh những tình cảm tốt đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa, góp phần chia sẻ, động viên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Tin tưởng rằng, trong thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục nhận được sự quan tâm động viên, giúp đỡ của Quý cơ quan cũng như cá nhân các đồng chí.

Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 3 năm 2009

T/M Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy/ Chủ tịch HĐND tỉnh

Nguyễn Thanh Bình

Miền quê thân thiết

Đi qua mỗi địa danh của Hà Tĩnh, Thượng tá Vũ Kim Thành lại kể về những chứng tích, những sự kiện gắn bó với Báo ANTĐ: Nơi này, năm 1996, nước ngập thẳng băng, không còn nhìn thấy cột cây số, Báo An ninh Thủ đô đã đi vào cứu trợ, xe nghiêng ngả, phải khó khăn lắm mới vượt qua được. Vùng núi Hương Sơn, Hương Khê nhớ có lần mưa lũ, đoàn công tác tình nghĩa bị ngập đến ngang xe, suýt bị kẹt không ra nổi.

Ngã ba Đồng Lộc – nơi có mười trái tim đã ngủ yên, mười linh hồn liệt sĩ đã trở thành bất tử… “Có thể nói rằng, khắp các huyện của Hà Tĩnh, từ nơi sâu nhất, đến nơi xa nhất, chưa có một nơi nào mà Báo An ninh Thủ đô chưa đặt chân đến với những bà con nghèo khó, lam lũ, quanh năm hứng chịu những thiệt hại của thiên tai” – đồng chí Vũ Kim Thành vừa đi vừa nói chuyện mà như nhắc nhở những người lính trẻ chúng tôi…

Qua khu di tích ngã ba Đồng Lộc, nơi có tượng đài của những cô gái thanh niên xung phong vươn lên bầu trời xanh ngăn ngắt, lại có thêm một căn nhà tình nghĩa của Báo An ninh Thủ đô, đó là nhà bà Đặng Thị Quỳ, xóm 3 Đồng Lộc – Can Lộc. Bà Quỳ là vợ liệt sĩ và là người thờ phụng Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Biết có đoàn công tác về chơi, bà vui lắm, bị bệnh parkison 15 năm nay, chân tay lúc nào cũng rung lên bần bật, ăn cơm phải có người đút, đi đâu phải có người dìu, vậy mà bà vẫn nhờ cháu dìu ra tận cửa đón đoàn. Bị bệnh, không nói được nhiều, gắng gượng lắm, nhưng bà Quỳ mới bật ra câu nói: “Cảm ơn các chú! cảm ơn các chú!”. Rời gia đình bà Quỳ, đoàn công tác đến thăm gia đình ông Bùi Văn Vượng ở Thạch Đồng – Thạch Hà. Là thương binh 4/4 bị nhiễm chất độc da cam, vợ ông, bà Lưu Thị Ân cũng là thanh niên xung phong.

Ông Vượng sinh được 6 người con, mà không hay biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Đến khi đứa con gái đầu lòng 20 tuổi bị chết vì ung thư máu ông mới biết rằng cái thứ chất độc vàng vàng ở chiến trường năm xưa đã giết chết con ông. Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm rồi, ông cũng đã đi gần hết cả cuộc đời mình mà sức tàn phá của nó vẫn đeo đẳng gia đình ông.

Bà Ân nghẹn ngào kể lại: “Khi rứa, tui đâu có biết chi, đứa gái con lớn đến năm 18 tuổi nó mới phát bệnh, đẻ thằng thứ hai sứt môi ngô ngô ngọng ngọng, nói không thành lời, tui cứ nghĩ mình ốm đau làm sao, chứ đâu có biết cái chất độc của Mỹ nó lại tàn ác như rứa! Tôi cứ sinh tiếp, sinh tiếp, đã sáu đứa rồi, bây chừ cái đứa út đang học lớp 8 nó lại sưng một cục tướng ở chân,  dấu hiệu giống chị cả nó rồi.

Tui chả biết hy vọng làm sao nữa, cứ cặm cụi, lủi thủi làm nuôi con thôi, được thế nào thì hay thế ấy”… Cầm trên tay tấm ảnh đứa con gái đã mất xoa đi xoa lại, rồi cứ ứa nước mắt ra mà ông Vượng chẳng nói được lời nào. Giọt nước mắt buồn bã của người cha già lăn xuống đã khiến cho không gian lặng phắc. Có nỗi đau nào hơn thế???

Ngược lên Hương Sơn – Hà Tĩnh đó là gia đình cụ Phạm Trinh – cụ năm nay 92 tuổi là bố của liệt sĩ Phạm Văn Quán hy sinh tại chiến trường Lào năm 1968, và liệt sĩ công an trong thời bình Phạm Hồng Quỳnh – là cảnh sát hình sự hy sinh trên đường đi khám phá vụ án trộm cắp liên quan đến công trình quan trọng an ninh quốc gia tại biên giới Việt – Lào. Cụ Trinh có 5 người con trai thì 2 anh là liệt sĩ, 3 anh còn lại đều công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Chị con gái lớn hiện đang ở gần cụ sớm tối qua lại chăm sóc, đỡ đần cơm nước cho cụ. Chị Phạm Thị Viên tâm sự: “Từ khi nghe tin con mất, cụ bà bị đau tim cũng quỵ luôn. Ngày nào bà cũng ra cửa gọi tên con, hễ thấy bóng ai mặc áo bộ đội bà lại tưởng là cậu ấy về. Đến năm 1986, bà quáng quàng gọi tên cậu Quán rồi ngã luôn ở cửa, lần đó cụ bà mãi mãi ra đi. Còn cụ ông thì cũng đau yếu luôn, mà chả hiểu sao cứ đến ngày giỗ của các cậu ấy là cụ lại ngã bệnh…

Chúng tôi cứ lần lượt đi thăm những gia đình tình nghĩa, mỗi nơi là một hoàn cảnh, mỗi gia đình là một nỗi đau, qua Đồng Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn, rồi Nghi Xuân… đi đến đâu những vùng quê Hà Tĩnh cũng mừng mừng tủi tủi mở lòng đón chúng tôi như những người con xa quê về thăm nhà. Đồng chí Vũ Kim Thành ân cần trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe các cụ như con cái trong nhà.

Cầm trên tay chút quà quê – chè xanh của người Hà Tĩnh gửi về Hà Nội tôi cười mà trong lòng như muốn khóc. Hà Tĩnh không phải là quê tôi, nhưng có lẽ rằng miền quê nào cũng vậy, đều là quê hương mình cả, đều mặn mòi mà sâu nặng như vậy. Chia tay Hà Tĩnh, đoàn công tác trở về mà vẫn còn vị ngọt của đọi nước chè ấm tình nặng nghĩa.

Đinh Kiều Nguyên

Đại tá Trần Công Trường – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh:

Tình nghĩa của Báo ANTĐ đã góp phần gắn bó máu thịt giữa công an với nhân dân

 Đại tá Trần Công Trường – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh và Thượng tá Vũ Kim Thành thăm gia đình bà Bùi Thị Kim Xuyến

Trong những năm qua, cùng với các đơn vị khác trong lực lượng CAND, Báo ANTĐ đã có sự phối kết hợp rất tốt với Công an Hà Tĩnh trong các hoạt động tĩnh nghĩa, cứu trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, đặc biệt là năm 2008, Báo ANTĐ xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa tặng thương binh, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hương Sơn, Nghi Xuân…

Đây là nghĩa cử cao đẹp của Báo ANTĐ và việc làm này của Báo ANTĐ đã góp phần làm vơi đi những hy sinh mất mát, khó khăn, đưa lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các đối tượng chính sách, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, nhân dân ghi nhận. Qua việc làm này, đã góp phần gắn bó máu thịt giữa công an với nhân dân, từ đó có tác dụng rất tốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Công an Hà Tĩnh đã làm rất tốt việc quyên góp, vận động để xây dựng nhà tĩnh nghĩa. Báo ANTĐ phối hợp với chúng tôi để làm những việc này còn có ý nghĩa để thúc giục, động viên, chiến sĩ công an của chúng tôi góp sức thêm để làm tốt hơn các hoạt động xã hội nhân đạo đối với nhân dân.

ANTD

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP