Ông Trần Văn Thuật, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thông báo các vi phạm của ông Lê Vinh Danh với báo chí - Ảnh: B.N |
Bổ nhiệm 44 cán bộ vượt thẩm quyền
Ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - khẳng định tại buổi thông tin với báo chí chiều 23-10.
Mấy năm qua, Tổng liên đoàn có nhiều nội dung chỉ đạo, nhiều hoạt động kiểm tra giám sát tại trường. Tuy nhiên, việc chấp hành của tập thể, cá nhân ông Lê Vinh Danh đối với kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc, ông Hiểu nói.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu: "Ngay cả khi chúng tôi tổ chức vào kiểm tra, trường cũng có văn bản phản đối nói rằng đây là trường tư thục, không được phép kiểm tra. Thậm chí, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán trường cũng làm văn bản phản đối".
Tuy nhiên, theo thông báo kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM, ông Lê Vinh Danh có hàng loạt vi phạm, khuyết điểm trong quá trình điều hành hoạt động trường.
Với vai trò là hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê Vinh Danh có khuyết điểm, vi phạm trong chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế làm việc và các quy định có nội dung không đầy đủ, không bám sát quy định của Đảng và pháp luật nhà nước.
Ông Lê Vinh Danh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện độc đoán, áp đặt.
Đặc biệt, ông Lê Vinh Danh trực kiếp ký một số văn bản thể hiện việc không chấp hành các chỉ đạo của Đảng đoàn, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn, bổ nhiệm 44 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền không thông qua Đảng ủy, đề xuất bổ nhiệm phó hiệu trưởng không có trong quy hoạch.
Cơ quan kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm của ông Lê Vinh Danh trong chi tiêu tài chính - Ảnh: K.N |
Có nhiều sai phạm về tài chính
Trong công tác quản lý hành chính, tài sản, ông Lê Vinh Danh có một số vi phạm nghiêm trọng như duyệt chi khoản tiền hơn 14,6 tỉ đồng không đúng quy định, sử dụng hơn 10 tỉ tiền lãi từ nguồn cho vay của Tổng liên đoàn trích lập các quỹ không đúng mục đích vay, không phản ánh đầy đủ thông tin trên sổ sách kế toán.
Việc chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của Đại học Tôn Đức Thắng chưa đảm bảo công khai, minh bạch, có chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng với các phó hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Lương bình quân tháng 9-2020 của trường như sau: viên chức giảng dạy 23,7 triệu đồng; viên chức hành chính 22,5 triệu đồng; lao động giản đơn 13,4 triệu đồng.
Trong khi lương của ông Lê Vinh Danh là 556,1 triệu đồng; của trợ lý ông Lê Vinh Danh là 255,4 triệu đồng, lương của người được giao phụ trách trường là 72,7 triệu đồng.
Với trách nhiệm là hiệu trưởng, trưởng ban quản lý dự án của trường, ông Lê Vinh Danh đã ban hành hướng dẫn về quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, thanh lý tài sản không đúng quy định pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Thực hiện thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án đầu tư xây dựng không đảm bảo quy hoạch, không đúng thẩm quyền.
Ông Lê Vinh Danh đã chỉ định thầu và ký hợp đồng với công ty không có năng lực làm dự án, có nguy cơ gây thiệt hại cho trường số tiền khoảng 29,9 tỉ đồng.
Không bàn bạc, thống nhất trong Đảng ủy, hội đồng trường khi dự kiến đầu tư 2 dự án tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tự quyết định, phê duyệt việc chi số tiền 1,6 tỉ đồng cho 2 dự án, chỉ định thầu hạng mục mua sắm trang thiết bị Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan trị trá 22,3 tỉ đồng không đúng quy định Luật đấu thầu.
Bên cạnh đó, theo kết luận số 614 ngày 23-6-2020 của Tổng liên đoàn, ông Lê Vinh Danh còn có các vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, ký nghị quyết số 3 năm 2020 với nội dung không phản ánh đúng diễn biến cuộc họp hội đồng trường.
Tự ý kết thúc nhiệm kỳ của hội đồng trường và các phó hiệu trưởng từ ngày 31-3-2020 gây khó khăn cho hoạt động của nhà trường.
Tác giả: BẢO NGỌC
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ