Trong nước

Luân chuyển cán bộ không phải "tráng men", lấy "hàm"

Theo Bí thư Hà Tĩnh, cần tránh tình trạng luân chuyển cán bộ về cơ sở để lấy "hàm", để khẳng định rằng "tôi đã đi qua cơ sở", nhưng thực tế về lại thu mình, không dám làm những việc mới, việc khó.

Thực hiện Quy định số 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, gần 2 năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều phương án luân chuyển cán bộ: luân chuyển trên xuống, luân chuyển từ dưới lên; luân chuyển giữa các khối Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền; luân chuyển để đào tạo cán bộ trẻ... Nhiều cán bộ luân chuyển đã nỗ lực, tâm huyết, khát khao cống hiến, tạo động lực mới cho sự phát triển của địa phương, đơn vị.

Để hiểu rõ thêm về kết quả, bài học kinh nghiệm, cũng như định hướng thời gian tới, phóng viên VOV phỏng vấn ông Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh về nội dung này.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng. Ảnh: KT


PV: Thưa ông, tỉnh Hà Tĩnh đã cụ thể hóa Quy định 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ trong thời gian qua như thế nào?

Ông Hoàng Trung Dũng: Trong Nghị quyết và các quy định của tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc luân chuyển đi cơ sở để có kiến thức thực tiễn và về xử lý công việc tốt hơn, chứ không phải đi cơ sở về sẽ có chức vụ cao hơn. Chính vì vậy, chúng tôi đã hết sức lưu ý tới việc điều động, luân chuyển cán bộ đi cơ sở.

Theo quy định phải đủ yêu cầu là 3 năm, nhưng có những cán bộ về không phát huy được thì cũng kịp thời đưa lại về vị trí cũ.

Trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ trong thời gian qua, điều hết sức quan trọng là cán bộ xâm nhập được thực tiễn và quay trở về với các sở, ngành cũ đã đóng góp rất tốt; xử lý các vấn đề linh hoạt hơn, nhuần nhuyễn hơn so với trước đây.

PV: Những bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Trung Dũng: Trong công tác luân chuyển cán bộ, một điều phải hết sức quan tâm là làm thế nào để cán bộ nhận thức được rằng mình về cơ sở phải có những đóng góp, chuyển biến cho cơ sở, tránh tình trạng cán bộ về cơ sở để lấy "hàm", để khẳng định rằng "tôi đã đi qua cơ sở", nhưng thực tế về lại thu mình, không dám làm những việc mới, việc khó.

Điều quan trọng nhất của cán bộ về cơ sở là phải làm thế nào để từ nhìn nhận, từ nhận thức và từ tầm nhìn vĩ mô của mình thì về làm thế nào để phát huy được trí tuệ của cơ sở. Từ trí tuệ, thực tiễn của cơ sở thì quay trở lại phục vụ hiệu quả hơn trong công việc.

PV: Thực tế thời gian qua cho thấy, chủ trương của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ đã mang lại những hiệu quả. Vậy còn những khó khăn nào mà Hà Tĩnh gặp phải, cần kiến nghị Trung ương để chỉnh sửa thời gian tới, thưa ông?

Ông Hoàng Trung Dũng: Trên cơ sở các quy định của Trung ương, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là những quy định cứng của Trung ương đã đề ra thì các tỉnh, thành phố không thể thay đổi được. Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành khi triển khai các chủ trương, khi đề ra các nghị quyết hết sức chú trọng tới thực tiễn, để trong quá trình vận hành ở cơ sở có những vấn đề thực tiễn đặt ra thì phải linh hoạt trong xử lý.

Hà Tĩnh vẫn muốn đưa nhiều cán bộ xuống cơ sở, nhưng theo quy định thì đang có những khó khăn. Đây là điều mà các cấp cần phải nghiên cứu kỹ, để rà soát tổng thể và có điều chỉnh phù hợp. Đối với những cán bộ thuộc thẩm quyền của tỉnh Hà Tĩnh thì sẽ thường xuyên quan tâm.

Chúng tôi luôn xác định đưa cán bộ về cơ sở để họ có thực tiễn, xử lý công việc đạt yêu cầu hơn, chứ không phải đưa cán bộ về cơ sở để sau này có những chức danh cao hơn, nhưng chắc chắn rằng khi quay trở về vị trí cũ thì đồng chí đó sẽ làm tốt hơn so với trước đây khi chưa đi cơ sở.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Lại Hoa - Việt Cường

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP