Tin Hà Tĩnh

Lời kêu cứu của gia đình bệnh binh tại Hà Tĩnh: Bản án "kỳ lạ" của Tòa án nhân dân huyện Hương Khê

Gia đình bệnh binh Phan Hồng Lý (Hương Khê, Hà Tĩnh) cũng như nhiều người dân địa phương quá bất ngờ với bản án xét xử cấp sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Hương Khê về việc tranh chấp đất rừng.

Đòi đất rừng bằng một bộ hồ sơ của người khác?

Theo lời gia đình ông Phan Hồng Lý thì năm 1997, tức là sau khi nhận giao khoán rừng được hai năm thì ông Đoàn Tập (xã Hương Trạch, Hương Khê) là hàng xóm đã xin gia đình ông Lý tạo điều cho mượn một khoảnh đất nhỏ trong tổng số diện tích mà gia đình ông Lý được Nhà nước giao để làm ăn.

Ông Lý đã cho ông Tập mượn rừng bằng miệng mà không có giấy tờ gì. Mục đích thực sự của việc ông Tập xin mượn đất trồng rừng đó là nhằm được thêm vào danh sách hưởng lợi chính sách của Nhà nước theo Quyết định 327 năm 1992.

Sau này, vào khoảng năm 2010, Nhà nước có chủ trương làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho mảnh đất gia đình ông Lý được giao, ông Tập quay lại tranh chấp dù chẳng có bất kỳ một giấy tờ, quyết định nào để chứng minh.

Bẵng đi một thời gian, sự việc tưởng như rơi vào im lặng bởi ông Tập không có bất kỳ văn bản nào chứng minh sở hữu ở mảnh rừng đó thì năm 2014 ông Tập lại bất ngờ cung cấp cho chính quyền xã Hương Trạch một bộ hồ sơ với quyết định giao đất rừng số 214 QĐ/UB ngày 22/8/1995 của UBND huyện Hương Khê giao cho ông Bùi Sơn (Hương Trạch, Hương Khê) diện tích 5,2 ha thuộc khoảnh 2 tiểu khu 257. Và từ thời gian này thì tranh chấp lại tiếp diễn.

Ông Đoàn Tập đã dùng bộ hồ sơ giao đất giao rừng của ông Bùi Sơn để đòi đất rừng của gia đình ông Phan Hồng Lý

Trong hồ sơ này còn kèm theo giấy xin tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đó cho của ông Sơn cho ông Tập đề năm 2014.

Tại bản án Sơ thẩm ngày 22/6/2017 vừa qua, ông Tập cho rằng mảnh đất rừng mà ông Lý đòi tranh chấp đó là mảnh đất mà UBND huyện Hương Khê đã giao cho gia đình cháu ông Tập là ông Bùi Sơn.

Ông Tập trình bày rằng thực tế là gia đình ông Lý có mượn 1,4 ha đất rừng của ông mà cháu Sơn đã tặng cho giao quyền sử dụng cho ông để để trồng cây. Việc tranh chấp của ông Lý là không có cơ sở, và yêu cầu ông Lý phải hoàn trả số diện tích đã mượn.

Cùng tại bản án này, ông Bùi Sơn có trình bày rằng,việc ông Lý kiện đòi ông Tập trả đất là sai. Vì mảnh đất đó là của ông Sơn đã được UBND huyện Hương Khê giao quyết định năm 1995. Mảnh đất đó thuộc lô 5, khoảnh 2, tiểu khu 257. Năm 2007 do điều kiện không tiếp tục canh tác được nên ông Sơn đã tặng cho quyền sử dụng cho ông Tập vì ông Tập là cậu.

Phiên Tòa này ngày 22/6/2016 diễn ra khi vắng mặt của nguyên đơn là ông Phan Hồng Lý. Dù trước đó ông Lý có đơn xin hoãn phiên Tòa và yêu cầu Tòa án kiểm tra bổ sung hồ sơ chứng cứ đúng thực tế hiện trạng đất lâm nghiệp đang tranh chấp theo bản đồ, hồ sơ đã cấp.

Tuy nhiên Tòa án huyện Hương Khê đã bác bỏ vì lý do không có căn cứ. Bản án đã được tuyên khi vắng mặt hoàn toàn bên nguyên đơn và nhiều người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan cũng như những nhân chứng.

Nhiều người không đồng tình phán quyết của Tòa

Trong đơn kêu cứu gửi PL&DS, kèm theo nhiều chứng cứ, gia đình bệnh binh Phan Hồng Lý khẳng định rằng Tòa án đã cố tình “lái” vụ việc đi theo hướng không đúng với thực tế. Tòa án cấp Sơ thẩm đã không ghi nhận đúng thực tế hiện trường cũng như các bản đồ, hồ sơ và nhân chứng. Bác bỏ tất cả sự thật, Tòa án huyện Hương Khê đã tuyên một bản án như “trên trời rơi xuống”.

Để chứng minh cho lời tố cáo của mình, ông Lý trình nhiều hồ sơ tài liệu liên quan, gồm: Đơn xin cấp đất rừng của gia đình ông Lý, ngày 15/4/1995 được UBND xã Hương Trạch xác nhận; Quyết định giao đất rừng số 214 QĐ/UB ngày 22/8/1995 của UBND huyện Hương Khê cho gia đình ông; Biên bản giao đất thực địa ngày 25/8/1995 của Đại diện Hạt kiểm lâm huyện và UBND huyện Hương Khê; Sơ đồ giao đất Lâm nghiệp của UBND xã Hương Trạch năm 1995; Danh sách các hộ gia đình xin giao nhận đất Lâm nghiệp cùng thời diểm đó vào đợt I năm 1995; Và nhiều lời nhân chứng sống khác cùng tham gia xin giao nhận đất vào cùng thời điểm với gia đình ông.

Ông Lý trình bày, năm 1995 khi Nhà nước có chủ trương thực hiện dự án trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ và phủ trống đồi trọc triển khai về thôn, xã tại Hương Khê thì gia đình ông đã cùng với 14 hộ khác trong thôn đứng ra làm đơn xin nhận diện tích đất lâm nghiệp để canh tác, sản xuất. Theo Quyết định giao đất rừng số 214 QĐ/UB ngày 222/8/1995 của UBND huyện Hương Khê thì gia đình ông Lý được giao đất tại lô số 13, khoảnh 1 thuộc tiểu khu 257.

Quyết định giao đất của ông Phan Hồng Lý

Phần diện tích được giao này cho gia đình ông Lý nằm liền kề cùng với 14 lô khác trong khoảnh 1 tiểu khu 257 mà UBND huyện Hương Khê giao cho 14 hộ gia đình cùng làm. Khoảnh 1 này nằm độc lập, được phân cách với các khoảnh khác bằng đường biên là đường mòn nối từ đường mòn Hồ Chí Minh tới đầu nguồn một con suối, và giáp với rừng tự nhiên.

Vào thời điểm giao đất, đã có biên bản giao thực địa của cơ quan chức năng Hạt kiểm lâm và UBND huyện Hương Khê cũng như có sự có mặt chứng kiến của 14 hộ gia đình còn lại khi nhận rừng.

Sau này, vì để thuận tiện cho việc sản xuất, các hộ trong cùng tiểu khu này đã lập thành một tổ gọi chung là tổ 1, họ đã tự đổi và luân chuyển vị trí thực nhận theo bản đồ cho nhau để tiện cho canh tác của từng gia đình.

Dù có đầy đủ hồ sơ liên quan chứng minh sát thực tế mảnh rừng mà hơn 20 năm qua gia đình ông cùng nhiều người dân khác liền kề vẫn sản xuất ổn định. Nhưng tại bản án ngày 22/6/2017, Tòa án huyện Hương Khê lại cho rằng khu vực đất rừng ông Lý đang sử dụng lại nằm vào khoảnh 2 thuộc tiểu khu 257. Và phần đất này là đất của ông Bùi Sơn đã được UBND huyện Hương Khê có quyết định giao đất cùng thời điểm với gia đình ông Lý.

Cầm bản án của Tòa án huyện Hương Khê trong tay, ông Lý bùi ngùi: “Tòa đã xác định sai vị trí đường chia cắt giữa hai khoảnh rừng thuộc cùng một tiểu khu đã được thể hiện rõ trong bản đồ đất lâm nghiệp của xã năm 1995. Họ đã cố tình lái ranh giới sai lệch so với thực tế mới dẫn tới việc tuyên án không thực tế. Dù nhân chứng, chứng cứ rõ ràng về đường khoảnh, điểm giao kết giữa khoảnh hiện vẫn rõ nét trên bản đồ và thực địa.”

Trao đổi với PV PL&DS, ông Trần Văn Phong (xã Hương Trạch, Hương Khê) – Tổ trưởng khoảnh 1, thuộc tiểu khu 257 là người được các hộ đề cử lên làm tổ trưởng vào thời điểm sau khi nhận rừng cho biết, các căn cứ Tòa án đưa ra là không đúng thực tế, điển hình nhất đó đường khoảnh đã bị xác nhận sai so với thực tế và trên bản đồ dù rất rõ ràng.

“Bản thân tôi cũng đã làm đơn, đơn xin làm chứng gửi Tòa vì tôi là người được bầu lên làm tổ trưởng, tôi phải có trách nhiệm, và đồng thời phải tôn trọng sự thật, phải nói lên sự thật. Tôi không bàn tới động cơ, mục đích việc tuyên án đó của Tòa án huyện Hương Khê. Tôi chỉ muốn nói lên sự thật rằng Tòa tuyên không có căn cứ, sai thực tế. Đường biên rõ như vậy mà vẫn cố lái sai thì tôi cũng đành chịu. Cái gì nó vô hình, chung chung lẫn lộn khó nói đã khác, đường này rõ mười mươi mà vẫn tuyên vậy.” – ông Phong nhấn mạnh.

Ông Trần Song Thế (ảnh) - Tổ trưởng tổ trồng rừng khoảnh 2

Còn ông Trần Song Thế - Tổ trưởng tổ trồng rừng khoảnh 2 tiểu khu 257 từ thời điểm nhận rừng giao khoán tới nay cũng nhận định với PV, Tòa đã tuyên một bản án chưa đúng với thực tế, trái với hồ sơ, bản đồ. Cố tình lái đường khoảnh chia khoảnh 1 và khoảnh 2 đi lệch xa so với bản đồ năm 1995.

Ông Thế bất bình: “Tôi được bầu làm tổ trưởng khoảnh 2, tiểu khu 257. Khoảnh 2 nằm sát khoảnh 1 và được chia cắt rõ ràng bởi một đường khoảnh là đường mòn khá rộng. Hiện trạng từ năm 1995 tới nay vẫn không có gì thay đổi mấy. Từ bản đồ tới thực tế, vì có khe suối đầu đường khoảnh thể hiện rõ.

Tôi cũng đã có lời khai gửi Tòa, nhưng không hiểu sao họ loại bỏ và tuyên vô lý như vậy. Bản thân ông Sơn thuộc khoảnh tôi làm tổ trưởng, và ông Sơn chỉ sử dụng đất được giao một thời gian ngắn rồi bỏ hoang. Sau đó hai hộ khác thấy vậy nên vào tự chia rồi trồng rừng tới bây giờ.

Hiện nay hai hộ này đã được cấp quyền sử dụng ngay trên mảnh đất đã được cấp cho ông Sơn từ năm 1995. Nói ông Lý sai vì sử dụng đất ông Sơn là phi lý vô cùng. Bản đồ vẫn còn đó, quyết định giao đất và các giấy tờ liên quan vẫn còn. Sao có thể cãi trắng như vậy được. Tòa tuyên án thiếu thực tế, vô căn cứ.”.

Và còn nhiều nhân chứng khác như Bí thư cũ của UBND xã Hương Trạch, Bí thư đoàn cũ của UBND xã Hương Trạch cũng đã có những nhìn nhận, lời khai gửi Tòa án một cách khách quan về vụ tranh chấp này. Bản thân họ đều khẳng định là việc ông Tập, ông Sơn đòi đất của ông Lý là trái với thực tế. Và Tòa án huyện Hương Khê đã có một bản án đầy những điểm cần được xem xét lại.

Từ bản án, tới thực địa mà PV ghi nhận liệu có sự sai lệch như lời ông Phan Hồng Lý và những nhân chứng đã phản ánh?

PL&DS sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Báo Pháp luật và Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP