Di tích - Thắng cảnh

Làng K130 ngày ấy và bây giờ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đã có biết bao tên đất, tên làng với những chiến công của mình, đã đi vào lịch sử và là một phần không thể thiếu của hồn thiêng sông núi đất Việt.

Làng K130 – xã Tiến Lộc huyện Can Lộc đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại, chỉ trong một đêm đã có 130 gia đình dỡ nhà để làm đường cho xe ra tuyền tuyến.

Làng K130 nay, làng Hạ Lội xưa, có tuyến Quốc lộ 1A đi qua, đây là vùng thấp trũng, trống trải nên giặc Mỹ quyết tâm đánh phá nơi này hòng cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch vào tiền tuyến lớn miền Nam. Tuyến quốc lộ 1A đoạn qua xã Tiến Lộc bị địch đánh phá khiến giao thông tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị máy bay địch phá hủy hoàn toàn, xe chi viện vũ khí, lương thực cho tiền tuyến lớn bị đình trệ. Trước tình hình đó, cấp trên chỉ thị phải mở ngay một con đường phụ để xe qua phà, vượt sông, tránh đường 1A, đoạn từ cầu Cổ Ngựa đến Cầu Già và làng Hạ Lội chính là nơi cần phải mở đường . Khoảng 10h ngày 13/8/1968 nhận được lệnh, cả làng Hạ Lội cùng một ý chí vì miền Nam thân yêu với khẩu hiệu hành động “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Những gia đình có nhà nằm trên đường xe đi qua được dỡ và dời dọn trước. Nhà dời dọn đến đâu thì lực lượng công binh, bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong làm đường đến đó. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ 130 ngôi nhà đã được tháo dỡ để lát đường cho xe qua. Đoạn đường dài 1,2km cơ bản hoàn thành. Nhân dân đã tự nguyện chặt tre, vác gỗ nhà mình và chuyển hàng trăm tấm phên xuống làm mố cầu. Cả xã cùng đổ dồn về Hạ Lội để cùng làm một con đường chở hàng vào Nam. Đáng khâm phục nhất là hành động của cụ bà Đinh Thị Trí, lúc đó cụ đã ngoài 80 tuổi, chồng mất sớm, cụ sống độc thân, trong nhà không có vật gì cứng để làm đường, chỉ có 1 cỗ quan tài phòng khi về với tổ tiên, khi nghe tin làm đường cho xe qua cụ đã hiến “báu vật” duy nhất của mình. Đến 3h sáng ngày hôm sau thì mọi công việc đã hoàn thành, chiếc xe đầu tiên đã chuyển bánh trên đường xế xuống phà và qua sông an toàn trong sự vui mừng, xúc động của quân và nhân dân làng Hạ Lội, xã Tiến Lộc.
Con đường làng bê tông thẳng tắp Ông Trần Đình Trọng nguyên HUV- Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc là người nhận mệnh lệnh của cấp trên và cũng là người trực tiếp chỉ đạo nhân dân làng Hạ Lội trong đêm hôm đó bồi hồi nhớ lại: Sau khi nhận được mệnh lệnh của cấp trên, tôi vội vàng về triệu tập một cuộc họp cấp ủy bất thường, họp xong, không kịp ăn, về ngay xã, triệu tập ban an toàn giao thông xã , loa cho bà con xóm Hạ Lội phổ biến chủ trương của cấp trên về việc mở huyết mạch giao thông cho xe thông tuyến cành nhanh càng tốt. Tôi nói chưa dứt lời thì hàng chục cánh tay giơ lên. Ông Lê Bá Kiểm phát biểu đầu tiên: “Tui có ba nhà, chỉ để cái lều quán còn nhà ngang, nhà dọc tôi sẵn sàng hiến dâng. Còn nước , còn nhà.”Sau khi ông Kiểm phát biểu, cả xóm 100% đồng thanh nhất trí dỡ nhà, chặt tre, chặt cây làm đường. Cảm động nhất là tinh thần của bà Đinh Thị Trí: “ Tui không có nhà, chỉ có túp lều, hạ xuống không mần được chi. Tui có cỗ ván hậu sự dành để lo về sau, xin được góp sức”. Cuộc họp chớp nhoáng trong vài chục phút, nhân dân xắn tay, dỡ nhà, đốn cây, đốn tre , bí mật, bất ngờ, thần tốc. “ Đường mở đến đâu là chúng tôi đẵn tre, đẵn cây, dỡ nhà lát đường đến đó.” Còn ông Nguyễn Văn Chương người đã dỡ căn nhà duy nhất của mình ra lát đường cho 130 chiếc xe chở đạn dược, vũ khí, lương thực ra chiến trường kể lại. “ sau khi dỡ nhà xong, gia đình chúng tôi không còn nhà để ở, bước đầu chúng tôi ở trong căn lều bếp, sau đó cả gia đình phải đi ở nhờ nhà bà con, nhưng cả nhà vẫn vui vẻ và cùng đồng cam cộng khổ.”Trải qua cuộc kháng chiến, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc, trong đó có làng Hạ Lội là trọng điểm gần 19 ngàn quả bom, 1.522 quả rốc két, làm 57 người chết, 151 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà, nhiều công trình phúc lợi dân sinh bị phá hủy hoàn toàn. Sau mỗi trận oanh kích của địch, bao cảnh tang thương do kẻ thù gây nên cho nhân dân làng Hạ Lội và toàn xã Tiến Lộc thật khủng khiếp. Vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh tàn phá, nhân dân làng Hạ Lội vẫn kiên cường bám trụ “ Một tấc không đi, một li không dời” Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của nhân dân Làng Hạ Lội với sự kiện 130 ngôi nhà làm đường cho 130 chiếc xe ra tiền tuyến, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đặt tên cho làng Hạ Lội thành làng K130. Với những đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của quân và dân xã Tiến Lộc trong cuộc chiến trang phá hoại của đế quốc Mỹ, Làng K130 được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2006. Làng Hạ Lội xưa – Làng K130 ngày nay đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới của Đảng. Làng có 2 thôn với 187 hộ, 766 khẩu, trong đó có 23 hộ chính sách, 14 hộ nghèo, 38 đảng viên. Về làng K130 hôm nay, chúng ta chứng kiến sự đổi thay từng ngày, những ngôi nhà kiên cố, khang trang giữa bóng cây xanh mát thay thế những ngôi nhà phải tháo dỡ lát đường năm xưa. Từ đầu làng đến cuối làng được trải dài bằng những con đường bê tông thẳng tắp, đó là kết quả của việc huy động nội lực đóng góp của nhân trong làng tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Hiện nay, Làng K130 đã có trên 4.300 m đường bê tông, để có những con đường trãi rộng, xanh sạch đẹp nhân dân trong làng đã hiến đất của mình để xây dựng, điển hình như gia đình ông Phan Danh Hội thương binh ¼ đã hiến 600 m đất của gia đình để xây dựng đường bê tông.Làng K130 xưa, nay được thay bằng bức tranh gam màu mới, những hố bom ngày trước giờ được người dân cải tạo thành hồ thả cá với nhiều mô hình Cá – Lúa – Vịt. Làng K130 hiện có 4 mô hình cho thu nhập cao, hầu hết các mô hình đều được cải tạo từ những vùng đầm lầy, ao sâu, nước trũng, với bàn tay khối óc của con người, nay đã trở thành những trang trại trù phú, cho thu nhập mỗi năm từ 50 đến 100 triệu đồng.Từ đầu làng đến cuối làng là những cánh đồng lúa mênh mông đang bước vào thời kỳ làm đòng trổ bông, đồng ruộng ở đây vốn dĩ là đồng sâu nước trũng, nhờ bàn tay chăm sóc cần cù của người dân, từ những cánh đồng với bao hố bom nham nhở nay được thay bằng những đồng lúa xanh tươi, nhân dân ở đây đã đưa vào nhiều giống mới nên năng suất lúa ngày càng được tăng lên, bình quân đạt 2,8 tạ/sào.
Làng K130 yên bình ngày nay Phát triển các ngành nghề đang được nhân dân ở làng K130 chú trọng, hầu hết nhân dân trong làng đều đi làm nghề xây dựng các công trình trong và ngoài tỉnh, một số bộ phận còn lại chủ yếu khai thác và nuôi trồng thủy sản, các ngành nghề đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhân dân địa phương. Ông Phan Văn Dân – Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết: Làng K130 hiện nay đang được xã Tiến Lộc chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong làng luôn chịu thương chịu khó mở ra nhiều ngành nghề mới để tăng thu nhập, các phong trào phát động của địa phương xã Tiến Lộc, nhân dân làng K130 luôn gương mẫu đi đầu.Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa đang được triển khai sâu rộng, làng K130 đã được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh năm 2005. Công tác bảo tồn các di tích lịch sử của làng được cán bộ và nhân dân ở đây chú trọng quan tâm.Cùng với bao làng quê khác trên đất nước ta, làng K130 xã Tiến lộc nay đã đi vào lịch sử , một trang sử hào hùng như một mốc son chói lọi về sự hi sinh, những tấm lòng cao cả về sức mạnh vĩ đại của thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Sự nghiệp ấy ngày nay đang được nhân dân trong làng gìn giữ, để hôm nay và mai sau làng K130 mãi mãi đi vào huyền thoại./.
Việt Thắng – Thu Hà

Can Lộc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP