Du lịch

Làng hoa nơi phố núi: Thấp thỏm “canh” thời tiết đợi xuân về

Những ngày của cuối năm, người dân TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) lại tất bật chăm sóc vườn hoa để phục vụ Tết Nguyên đán. Chỉ với diện tích gần 40ha trồng hoa nhưng những vườn hoa trên cao nguyên càng thêm tô điểm cho TP thêm sắc xuân.

Những cánh đồng hoa Đắk Lắk đang đợi xuân về

Hoa Tết là mùa được người trồng hoa trông đợi nhất trong năm, tuy nhiên nhiều chủ vườn vẫn không khỏi lo ngại trước sự biến chuyển khó lường của thời tiết và sự bấp bênh của thị trường.

Ươm nụ chờ xuân về

Chiều muộn, tiết trời lạnh hơn vì những cơn gió bất thường của khí hậu, ngày nào bà Nguyễn Kim Tuyền (SN 1968, ngụ đường Lê Duẩn, phường Ea Tam) cũng túc trực tại vườn để chăm sóc vườn hoa của gia đình. Nhiều khi bà say mê đến mức mất ăn, mất ngủ. Nhưng nếu không cẩn thận, tỉ mỉ thì khó mà có được chậu hoa đẹp như mong muốn.

Thấy khách tỏ vẻ ngạc nhiên, bà Tuyền ôn tồn giải thích: Tôi tỉ mỉ cắt từng cành hoa cẩm nhung để cho ra chồi đón hoa vào đúng dịp Tết. Kỹ thuật trồng cây hoa cẩm nhung có thể theo nhiều cách: bằng chồi hay trồng bằng hạt đều cho ra những chậu hoa tuyệt đẹp.

Hoa có thể trồng trong bồn, trong giò và thích hợp ở nhiều vùng sinh thái khác nhau. Nếu muốn cây ra hoa nhiều, khỏe mạnh cần hái ngọn, còn muốn hoa nở đúng dịp Tết phải căn đúng thời điểm và thời tiết để cắt ngọn. Kỹ thuật không quá khó nhưng nhất thiết phải am hiểu về quá trình sinh trường phát triển của cây thì lúc đó hoa mới nở theo mong muốn.

Ai cũng biết, người trồng hoa là đem hương sắc mùa xuân đến cho đời, nhưng thật ra cái nghề “ăn đất nằm sương” này quả thực rất vất vả và tốn nhiều công sức. Phần lớn thời gian trong ngày của vợ chồng bà Tuyền đều dồn cho hoa, hết tưới nước cho hoa đồng tiền, cho đất vào chậu để cấy cây con, lại làm các công đoạn cắt tỉa, tạo dáng, làm chồi. Nhiều khi thời tiết không ủng hộ thì lại phải trắng đêm thắp bóng điện cho hoa nở đúng thời điểm.

Vất vả là thế nhưng bà Tuyền lúc nào cũng tươi cười, vì chỉ cần ít ngày nữa thôi nhìn những đóa cẩm nhung nẩy chồi, đơm nụ khoe sắc khắp vườn thì niềm vui sẽ nhân lên gấp bội. Bà Tuyền chia sẻ: Hoa cẩm nhung là loài hoa tượng trưng cho sự may mắn, đem lại kết nối giữa con người với nhau, gắn bó giúp đỡ nhau cùng đi đến thành công. Hoa làm quà tặng thể hiện sự mến mộ yêu mến và gắn bó lâu dài, có thể tặng hoa cho người yêu, bạn bè hoặc đồng nghiệp.

Theo giá thị trường mỗi chậu hoa cẩm nhung xuất ra có giá 25.000 – 30.000 đồng. hưng bà Tuyền chỉ bán 20.000 đồng với lý do: Thị trường hoa ở Buôn Ma Thuột rất nhỏ, chủ yếu hoa xuất đi các thị trường khác.

Giá như vậy là đã có lợi nhuận, dù không nhiều, nhưng không làm thì nhớ nghề, vì đây là nghề gia truyền do cha mẹ để lại. Nghề trồng hoa phải theo giá từng năm, đắt rẻ thì vẫn cứ làm vì biết đâu hoa sẽ không phụ người.

Bà Tuyền cắt ngọn cho hoa

Hoa cẩm chướng không sang chảnh như các loại hoa khác như mai, đào, ly… nhưng hoa bền, chơi được lâu. Với bà Tuyền thay vì làm các nghề khác mỗi tháng đều có thu nhập thì nghề trồng hoa đến cuối năm sẽ gom góp thu một lần, có thể giải quyết được nhiều công việc lớn trong gia đình.
Thấp thỏm vì thời tiết

Chập choạng tối chúng tôi đến phường Khánh Xuân, cách trung tâm ngã 6, TP Buôn Ma Thuột chưa đến 10km. Từ xa, cả cánh đồng hoa có vài trăm bóng đèn điện đã được bật lên để tăng nhiệt độ cho cây hoa tăng trưởng. Việc chăm sóc cây hoa không chỉ đòi hỏi tính cần cù, chịu khó mà phải am hiểu đúng kỹ thuật. Đặc biệt, phải căn cho hoa nở đúng dịp Tết, nếu chỉ sai một ngày là mất luôn cả vụ hoa.

Bà Lê Thị Minh Nguyệt (Tổ 9, khối 10, phường Khánh Xuân) chia sẻ: Hiện tại, gia đình tôi có trên 1,5 ha hoa, trong đó hoa hồng 0,5 ha, còn lại là hoa cúc. Với diện tích đó, hàng năm gia đình bà Nguyệt phải thuê khoảng 10 nhân công làm việc thường xuyên.

Chăm sóc cây hoa là một việc không đơn giản, người lao động phải có kinh nghiệm trong nghề, phải biết kỹ thuật chăm sóc, trong đó khâu khó nhất là tỉa nụ. Mỗi một sào hoa cúc chủ vườn hoa phải bỏ ra ít nhất 20 ngày công. Công việc này tuy không nặng nhọc, nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo từ những đôi bàn tay kỳ diệu.

Nói về khâu tỉa nụ, bà Nguyệt cho hay, mỗi cành hoa có từ 5 đến 6 nụ, nhưng chỉ được để lại 1 nụ duy nhất mà thôi. Thông thường mỗi gốc hoa có 10 cành tương ứng với 10 nụ hoa được để lại. Chỉ cần để một cành 2 nụ thì khi hoa nở ra sẽ rất xấu. Mỗi một vụ hoa, người trồng phải tiến hành tỉa nụ ít nhất 2 lần.

Để cúc có thân cây dài đẹp thì phải thắp điện, nếu không, cây chưa kịp phát triển đã ra hoa. Cũng nhờ kỹ thuật thắp điện cho cây, người trồng mới điều chỉnh được cho cây ra hoa đúng thời điểm cần bán. Muốn có chậu hoa đẹp, kỹ thuật trồng, chăm sóc thôi chưa đủ, còn phụ thuộc lớn vào thời tiết.

Như vụ hoa Tết 2016, bà Nguyệt bị lỗ nặng vì trời mưa nắng thất thường khiến vườn hoa hỏng hết lá chân, bán không ai mua. Vụ hoa năm nay bà cũng phải trồng lại mấy trăm chậu do đợt đầu xuống giống gặp mưa cây bị chết.

Có thể thấy, trồng hoa đã trở thành nghề chính của nhiều hộ gia đình trên địa bàn TP. Dẫu phải bỏ ngày công lao động ra rất lớn, nhưng trên 1 ha diện tích trồng hoa, hàng năm người dân cũng có lãi hàng trăm triệu đồng. Việc tìm kiếm thị trường là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với mặt hàng này khi những năm gần đây, thị trường ngoại tỉnh đã chiếm ưu thế đối với sản phẩm hoa của Đắk Lắk.

Cái nghề “ăn đất nằm sương” ươm nụ chờ xuân này, thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Thời tiết cao nguyên Đắk Lắk những ngày này thay đổi thất thường khiến người trồng hoa đứng ngồi không yên.

Nhưng dù vậy, những người trồng hoa vẫn miệt mài bên những luống hoa, dành cả tình yêu nghề cho chồi non, nụ biếc. Để khi Tết đến, hoa bung cánh, làm đẹp cho đời và biến những ước mơ cơm áo của người trồng hoa thành hiện thực…

Tác giả: Tự Lập

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: phố núi , làng hoa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP