Tuỳ bút Quê hương

Làng cũ!

Tuổi thơ tôi lớn lên cùng hạt lúa củ khoai, với con cua thổi xôi, con ốc nhồi lọc nước. Miền cổ tích ấy luôn hiện hữu trong tôi với đám bạn thủa thiếu thời đói ăn, mặc rét. Với những chiều chăn trâu đào trộm khoai lang nướng ăn, khói bay cay xè đôi mắt. Những tết trung thu làng cho mỗi đứa một bát cơm và vài ba miếng thịt lợn dày cộm ăn xong vẫn thòm thèm….

Làng tôi không chỉ nổi tiếng về loại quả đặc sản hồng vuông một thời, mà trong những năm tháng “thắt lưng, buộc bụng” góp gạo cho miền Nam đánh Mỹ, làng tôi còn nổi tiếng với đặc sản: cháo rau lang. Rau lang tháng ba non tơ, xanh mượt đem nấu với tấm, rắc lá nghệ thơm lừng… Cái món ăn dân dã, mát ruột mà nhanh đói ấy đã nuôi cả làng tôi suốt cả một chặng đường dài gian khó trường kỳ kháng chiến cùng dân tộc cho đến ngày thắng lợi. Giờ mỗi lần nghĩ đến lại thấy lòng thao thiết, nôn nao…


Tôi xa làng khi cuộc trường chinh giữ nước hoàn toàn thắng lợi… Cũng từ đấy mỗi năm tôi chỉ có dịp trở lại làng vào dịp tết. Từ ngày 29 tết cha tôi đã nhận đủ mọi thứ chế độ ngày tết, nào gạo, thịt, rượu chanh, pháo Bình Đà… Sáng 30, cha con tôi lỉnh kỉnh sắp đồ đạc lên chiếc xe thống thất cũ kỹ để xuất hành về quê đón tết. Đường về làng rất khó đi. Ngày tết, mưa lầy lội, bùn đặc quýnh bết khắp cả người lẫn xe. Về làng tôi phải đi qua cây cầu khỉ được bắc bằng một cây tre dài. Cầu có tên là cầu cố Hảo. Tôi sợ nhất là mỗi lần qua cầu, nhìn cây tre nhỏ nhoi giữa dòng nước chảy xiết trên một khúc sông rộng tôi chẳng dám bước xuống, mỗi lần như thế cha tôi phải sang trước rồi cõng tôi sang sau.


Non trưa, cha con tôi về đến nhà. Ở nhà ông nội tôi đã ngâm nếp, đậu, cắt ép lá dong từ sáng, cha tôi về chỉ việc bày ra để gói bánh chưng, gói bằng tay chứ không bằng khuôn như bây giờ, mà thật lạ gói bằng tay mà vuông vắn, chắc nịch lạ thường… Tôi lon ton theo bà ra vườn hái vài quả bưởi còn sót lại để vào bày lên bàn thờ. Tối đến cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng được nấu bằng gốc phi lao mà ông nội tôi đã đào và phơi khô cách đó cả mấy tháng. Bánh chín, ông tôi sai cha tôi mang sang nhà mụ Nhọn vài cái để cúng tết. Tôi nghe ông tôi nói mụ Nhọn là người tội nghiệp nhất làng, chồng mất năm năm tư, con cái đi bộ đội chống Mỹ rồi không về nữa, tết đến chẳng có ai về gói bánh chưng cho cả…


Ngày mùa


Nửa đêm, pháo nổ đì đùng, râm ran đến tảng sáng, thi thoảng có những tiếng “đùng” thật to đến giật cả mình; ông tôi bảo đó là tiếng súng, súng của mấy đi chú bộ đội xa về. Sáng mồng một tết, O, Chú nhà tôi lịch kịch kéo nhau về chúc tết. Tôi đem bộ đồ mới nhất may bằng thứ vải tết mẹ tôi được xí nghiệp phát cho ra mặc, cùng đám bạn Bảy Trí, Năm Tuỳ, Quốc Ích theo cha, chú đi sang nhà lão Trí, lão Trâm, mụ Nhọn … chúc tết. Khi mỗi đứa đã đầy túi những đồng xu, những kẹo dừa, kẹo lạc được mừng tuổi thì kéo nhau về sân nhà bày trò đánh đáo ăn kẹo, chơi bài tam cúc….


Sáng mồng hai tết, cả làng trẩy hội ngoài sân đình. Vui ơi là vui ! Hết vật đến kéo co, cờ người, hát ví… rạo rực cả một vùng, lũ trẻ chúng tôi cứ loi choi chạy hết chỗ này sang chỗ khác, đến lấm lem hết cả quần áo mới mà vẫn toét răng cười háo hức. Sáng sớm mồng ba, khi đang ngon vùi trong chăn thì cha đã thức tôi dậy để về nhà ngoại chúc tết, chẳng kịp chia tay lũ bạn….


Thấm thoắt thoi đưa, tôi bộn bề với nhiều công việc và dự định nơi đất khách. Rong ruổi với cuộc sống mưu sinh, lâu lắm rồi tôi chẳng có dịp về làng. Làng Đồng Lộ quê tôi giờ đã khác trước nhiều, đường về làng giờ chẳng dính bùn đất, cây đa đầu làng giờ không còn nữa, nhà nào nhà nấy giờ mái ngói đỏ tươi, cây cầu tre lắt lẻo ngày nào giờ đã được thay bằng cầu xi măng. Lão Trí, lão Trâm, mụ Nhọn giờ đã ra ngoài đồng làng ở. Cây bưởi năm xưa không còn ra quả nữa… Năm Tuỳ, Quốc Ích, Bảy Trí giờ cũng đã mỗi đứa một nẻo. Nghe đâu Quốc giờ đã là sĩ quan hải quân ở tít tắp Trường Sa, Năm đã đi vùng kinh tế mới ở tận Đắc Lắc xa xôi, Bảy ở nhà làm ruộng với một bầy con lít nhít, tránh mặt chẳng muốn gặp ai…


Trai tráng quê tôi giờ ít có dịp gặp nhau, kẻ thì sớm trưa cuốc cày, kẻ trở thành công nhân, người cầm súng, người cầm bút…. hối hả khắp mọi miền của tổ quốc. Lũ trẻ làng tôi lớn lên giờ không biết đánh đáo, chơi tam cúc nữa, chúng thích chát, thích games hơn… Cha tôi giờ cũng chẳng thể đạp được nỗi xe đạp về làng nữa, các con của ông bà tôi làm việc, nghỉ hưu rồi ở lại luôn thị thành. Vườn tược vẫn còn nhưng chẳng còn ai về chăm nom nữa, ông tôi cũng đã đi theo Lão Trí, lão Trâm và mụ Nhọn, chỉ còn bà tôi ngày ngày lùi lũi kiếm củi nơi góc vườn sưởi ấm qua mùa đông giá rét…


Một cái tết nữa lại về, tôi thảng thốt giật mình nghe mơ hồ như có tiếng ếch kêu… Nôn nao, khắc khoải lạ thường…


Những người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ ?


Mai Hoàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP