Chăm sóc sức khỏe

Ký sự: Một đêm ở khoa cấp cứu

Người chồng ân hận, ‘tại tôi, tại tôi’…

Ký sự: Một đêm ở khoa cấp cứu
Ngoài thương tích, bệnh tật, tôi nhìn thấy trong Khoa cấp cứu một thế giới nhân tình thu nhỏ.
Nhiều năm sống ở TP.HCM, điều để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi là những tiếng “wáo ù, wáo ù” rát tai của những chiếc xe cấp cứu. Chúng hiện diện mọi lúc mọi nơi, gợi lên những nỗi sợ hãi, bất an. Bữa nọ, được sự đồng ý của Ban giám đốc một bệnh viện lớn tại TP.HCM, tôi đeo balô “nhập” Khoa Cấp cứu.
17h chiều. Khu nhận bệnh đã tấp nập với những bệnh nhân mới đang được người nhà làm thủ tục nhập viện. Hai ca bị tai nạn giao thông, một ca tự tử, một ca bị chấn thương do té ngã, một ca bị đột quị… Phía trong, phòng lưu bệnh còn đông đúc và… nhộn nhịp hơn với trên 20 giường bệnh, băng ca san sát nhau. Bác sĩ, điều dưỡng tất bật không ngơi tay.
Chưa kịp định thần với những chiếc băng ca đầy máu me, bông băng trắng xóa và những thân người bất động, tôi đã nghe tiếng rên ui ui… vang lên từng chập. Tiếng rên ngày càng to dần. Tôi nhận ra tiếng rên nọ phát ra từ phòng hồi sức bên trong, “chặng” gian nan, nguy kịch nhất của Khoa cấp cứu.
Trên chiếc băng ca trong cùng là một người đàn bà mập mạp quá khổ, nặng trên 80 ký. Nhìn vào người bà, chỉ thấy lùng nhùng những da và mỡ. Vạt da từ cổ xuống cánh tay phải của bà bầm đen. Sau một hồi rên, bà lại giãy giụa liên hồi. Các nữ điều dưỡng thật khá vất vả mới có thể giữ bà nằm im để cố định lại vết thương, đo điện tim…
Chồng bà cho biết cách đó vài ngày, ông cùng bà đi Núi Bà (Châu Đốc) bằng xe gắn máy. Trên đường về, họ bị xóc ổ gà và ngã xe. Một hai ngày sau, thấy tay ngày càng bầm và bị đau nhức quá, bà mới vô bệnh viện Cần Thơ để khám. Bác sĩ phát hiện xương trên cánh tay bị gãy và đã bó bột lại cho bà. Về nhà, bà lại bị ói nên gia đình mới chở bà vô một bệnh viện ở Cần Thơ.
Tại đây, bà được tiếp tục theo dõi và vô tiếp 4 đơn vị hồng cầu. Tuy nhiên, diễn tiến sau đó quá xấu, bà lên cơn vật vã, lơ mơ và chậm thở. Gia đình liền cấp tốc chuyển bà lên đây trong tình trạng suy hô hấp và mất máu cấp. Người chồng vò đầu, bứt tai, đau khổ cho rằng tại mình chạy xe không cẩn thận nên vợ mới ra nông nỗi. Các bác sĩ sau một hồi tích cực hồi sức đã nhận định đây không phải đơn thuần là một ca tai nạn gãy tay. Họ cho mời bác sĩ ở Khoa khác để tham gia hội chẩn. Hỏi riết người nhà mới cho biết bệnh nhân bị đau khớp gần 10 năm nay và đã dùng thuốc có chứa corticoid để trị.
Từ lời khai này, kết hợp với các kết quả kiểm tra cận lâm sàng, bệnh nhân được các bác sĩ kết luận: Bà bị rối loạn đông máu và tổn thương gan, thận do dùng corticoid. Tai nạn giao thông chỉ là một nguyên nhân thúc đẩy các tổn thương cũ bùng phát dữ dội. Bà phải nhập ICQ (Khoa săn sóc đặc biệt) để theo dõi tiếp. Điều bác sĩ nói đã phần nào giải tỏa được áp lực tâm lý cho người chồng.
Ông chủ Hàn Quốc và cô thợ thủ công
20h45, khu nhận bệnh đẩy vào trong một ca lạ. Một người đàn ông người Hàn Quốc bị xe đụng gãy 2/3 chân trái. Bác sĩ hỏi, ông ta chỉ xí xa, xí xô vài câu tiếng Hàn. Hỏi tiếng Anh, ông ta chẳng trả lời được câu nào.
Bác sĩ quay sang tìm người nhà. Đó là cô gái khoảng 20-25, khuôn mặt dài dại. Cô mặc đồ ở nhà, áo vàng quần hoa và không kịp mặc áo ngực nên những gì cần che cứ thấp thoáng đập vào mắt người đối diện. Cô cho biết mình không phải người thân, thấy ông bị nạn giữa đường, không ai cứu thì cô cứu.
 
Theo lời cô thì hình như ông vừa đi siêu thị Maximax về. Trên đường gần nhà cô, chiếc xe ôm chở ông bị một chiếc xe khác quẹt ngã rồi chạy luôn. Thấy ông máu me bê bết, sợ liên lụy, gã xe ôm cũng vội vàng lủi mất, bỏ ông giữa đường với chiếc chân gãy. Vừa đi ra đường hóng gió, thấy mọi người cứ vây quanh mà chẳng làm gì, cô ngoắc taxi đưa ông vào đây. Tôi hỏi cô làm nghề gì, cô bảo làm thợ thủ công. Hỏi cô tên gì, số nhà mấy, cô lắc đầu nguầy nguậy…
Ít phút sau, có một nữ nhân viên của ông Hàn Quốc đến. Nạn nhân xí xô xí xào gì đó, cô nhân viên móc trong bóp ra 50 ngàn trả cô gái tiền taxi. Hình như không có một tiếng cám ơn. Mà cô áo vàng hình như cũng chẳng quan tâm. Cô tự nhiên cầm lấy tiền rồi vội vã đi về.
Phút cuối trong phòng hồi sức
23h50. Quay lại phòng hồi sức, tôi bắt gặp một hình ảnh lạ. Giường số 2, bên cạnh một bệnh nhân nam, có một phụ nữ trạc 40 tuổi. Cô mặc quần jeans, áo thun lửng, đầu đội nón thể thao, tóc thắt bím rất “xì po” nhưng nước mắt rơi lã chã. Cô nắm lấy bàn tay của người đàn ông, lúc này còn tỉnh nhưng khí sắc thật nhợt nhạt, đưa lên má mình thật tình cảm. Rồi cô nghiêng mặt mình áp vào bụng ông một lúc. Cô lại sửa sang áo xống, vuốt tóc cho ông và thủ thỉ vào tai ông những điều gì đó. Rồi cô đưa tay lên chậm nước mắt…
Tìm hiểu qua bác sĩ, được biết người đàn ông đã 47 tuổi, ngụ tại xã Tam Phước, Đồng Nai. Buổi chiều, hai vợ chồng đi đánh tennis. Ông thấy đau ngực dữ dội, liền vào bệnh viện Đồng Nai cấp cứu. Nơi đây phát hiện ông bị tràn khí màng phổi liền chuyển lên tuyến trên. Sau khi chụp CT, bác sĩ phát hiện thêm ông bị phồng bóc tách toàn bộ động mạch chủ. Người đàn bà khóc vì chị lo sợ sẽ mất ông. Bác sĩ tiên lượng tình huống rất xấu, có thể anh sẽ “ra đi” sau vài tiếng nữa.
Tôi ngó sang hướng khác để không phải chứng kiến những giọt nước mắt đau đớn của người vợ thì lại thấy anh. Đó là một người đàn ông trạc 40 tuổi bị tai nạn giao thông xuất huyết não nặng. Anh đang được cho thở máy và nằm lẻ loi với những sợi dây loằng ngoằng, không một người thân bên cạnh. Hồ sơ bệnh án cho biết anh ta bị tai nạn trên đường Lạc Long Quân, gần công viên Đầm Sen, được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở hước. Nồng độ rượu trong máu rất cao, tới 267mg%. Chụp CT cho thấy máu tụ dưới màng cứng.
Một lúc sau, có một phụ nữ độ 40 tuổi chạy ào vào để tìm người thân đã một ngày không thấy về nhà. Chị nghe bảo vệ nói có người vô danh đang nằm tại đây nên vào nhận mặt. Tim tôi bỗng dưng đập nhanh. Tôi mong chị tìm đúng người. Nhưng không. Chị lại vội vã lao đi với một cuộc kiếm tìm ở những bệnh viện khác. Tôi tần ngần trước cửa phòng hồi sức, nhìn một hồi lâu vào người đàn ông vô danh, đến khi chị lao công hét lên: Mời chị ra ngoài!
Đi hoang nửa đêm về sáng
Kim đồng hồ nhích dần sang 2 giờ sáng. Tưởng đêm khuya thanh vắng sẽ giảm bớt những ca cấp cứu. Nào ngờ, càng về khuya càng nhiều. Phần nhiều là tai nạn giao thông, thương tích. Nhưng ánh đèn xe cấp cứu cứ quét loang loáng qua cửa sổ. Những tiếng xe cứ rú ầm ầm trong đêm, lao thẳng lên cánh cửa nhận bệnh. Thế nhưng, khi đã vào đây, dù người đã “nát bét”, mắt nhắm tịt, môi sưng vều, một số bệnh nhân say rượu vẫn không ngớt chửi thề tưng trời. Đụng ai chửi đó!
2h30 sáng. 3 cậu con trai còn non chọet, tóc tai nhuộm xanh đỏ, quần jean xé te tua chở nhau trên xe Kawasuki lao thẳng lên sảnh. Cu cậu ngồi giữa được 2 người bạn dìu lên băng ca và đẩy vào làm thủ tục. Không hiểu tai nạn làm sao mà cái cây để chân đâm thẳng vào bắp chân của cậu. Thịt da rách nát. Từ ngoài vào trong đến khi được bác sĩ chăm sóc, cậu ta cứ ôm cứng cái băng ca mà rên rỉ: “Bác sĩ ơi, con có què không, bác sĩ ơi con có què không. Cứu con bác sĩ ơi…”.
Chẳng bao lâu, thêm một tốp thanh niên cả trai cả gái, mặt mũi sáng láng nữa tìm vào để phụ trông coi anh ta. Hình như chúng vừa trải qua một cuộc ăn chơi đàn đúm rồi gặp nạn. Từ lúc vào cho đến vài tiếng sau, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của một phụ huynh người lớn nào cả.
7 giờ sáng. Cuốn sổ ghi chép đã dày đặc chữ. Rời khỏi bệnh viện, tôi chạy xe chầm chậm trên đường Nguyễn Chí Thanh, lúc này đã rộn rịp chào ngày mới. Trong sự lơ mơ, âm u của cơn buồn ngủ, tôi lại nghe tiếng còi hụ “wáo ù”, “wáo ù” liên hồi của xe cấp cứu. Cứ to dần, to dần, to dần…
Vân Điển

  Từ khóa: khoa cấp cứu , Kỹ sư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP