Xã hội

Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo: Những dự án thu hút đầu tư 'chết yểu'

Hệ thống giao thông, đường huyết mạch cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo xuống cấp nghiêm trọng, các doanh nghiệp “phá sản”, hoạt động kinh tế èo uột, điều hiu... là một trong những nguyên nhân đã và đang làm cho những dự án thu hút đầu tư trên địa bàn đình trệ, gặp nhiều khó khăn.

Sau khi Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được xem là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong KKT, đã có hàng chục dự án với hàng trăm nhà nhà tư, doanh nghiệp đã đầu tư trực tiếp vào khu Kinh tế.

Việc các nhà máy, dự án được khởi công ồ ạt và nhiều doanh nghiệp mới được thành lập đã khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh, diện mạo mới của Khu kinh tế thay đổi với những dấu hiệu khởi sắc.

Tuy nhiên, những năm gần đây, một thực trạng trái ngược đang được hiện ra. Không chỉ hệ thống giao thông, đường huyết mạch cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo xuống cấp nghiêm trọng, các doanh nghiệp “phá sản”, kinh tế èo uột, điều hiu... mà ngay cả những dự án thu hút đầu tư trên địa bàn đình trệ, gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, những “ông chủ lớn” còn không mặn mà, không tiếp tục đầu tư, “bỏ của chạy lấy người”.

Được biết, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009, đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế có khoảng gần 30 dự án đầu tư. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng hơn 10 dự án xây dựng cơ bản các hạng mục công trình chính và chỉ khoảng 1/3 trong số đó đang hoạt động hiệu quả; Nhiều dự án đã đăng ký nhưng chưa triển khai hoặc đã tạm dừng chưa triển khai tiếp.

Thực tế, bên cạnh một số doanh nghiệp trong khu Kinh tế hoạt động có hiệu quả như Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn, Công ty Nước khoáng Sơn Kim... thì hầu hết các doanh nghiệp, dự án rơi vào tình trạng đình trệ, chậm tiến độ, đang đầu tư nhưng chưa có sản phẩm tại cụm công nghiệp Đại Kim như: Dự án nhà máy sản xuất kính an toàn; Dự án nhà máy lắp ráp xe ô tô, xe máy, xe đạp điện (xe điện)...

Các dự án thu hút đầu tư tại Cụm công nghiệp Đại Kim, Hương Sơn đang ngừng thi công.

Những dự án như Khu nghỉ dưỡng sinh thái của Công ty Việt Thái; Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung Nam sông Ngàn Phố... được “vẽ” hàng trăm tỷ đồng nhưng sau nhiều năm, các dự án này cũng đang bỏ hoang, trở thành nơi chăn thả trâu bò và bãi rác.

Khu nghỉ dưỡng sinh thái của Công ty Việt Thái; Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung Nam sông Ngàn Phố đang bỏ hoang, trở thành nơi chăn thả trâu bò và bãi rác.

Hay như Dự án khu trung tâm thương mại tại cổng B đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng xong nhưng cũng không đi vào hoạt động từ 2 năm nay. Trước tình hình kinh tế và chính sách thay đổi, nhà đầu tư đã không còn mặn mà với dự án, thậm chí đang dần rút vốn.

Khu trung tâm thương mại tại cổng B được xây dựng xong nhưng không hoạt động.

Không những thế, công trình Đường và Kè sông Ngàn Phố (đoạn từ cầu Tây Sơn đến xã Sơn Tây) thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nằm trong dự án Phát triển Khu kinh tế (KKT) phía Tây của Hà Tĩnh, giai đoạn 2015-2017 cũng rơi vào cảnh tương tự.

Công trình Đường và Kè sông Ngàn Phố chưa hoàn thành và bàn giao.

Theo dự toán ban đầu, công trình có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Được triển khai và thi công vào hồi giữa năm 2015, nhưng đến nay công trình vẫn chưa thể hoàn thành và bàn giao.

Thậm chí, ngay cả tổ hợp công trình Nhà liên hợp cửa khẩu Cầu Treo kết hợp Quốc môn, đường giao thông tại CKQT Cầu Treo. Dự án có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, kinh phí tăng lên đến 225 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 6 năm xây dựng, tòa nhà liên hợp kết hợp với Quốc môn vẫn chưa được bàn giao và đi vào sử dụng. Việc chậm tiến độ do thiếu vốn đã gây ra nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng cũng như của người dân, doanh nghiệp làm thủ tục qua cửa khẩu.

Trước thực trạng trên, ông Phan Thăng Long, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng, các phương tiện, đặc biệt là các xe tải hạng nặng lưu thông, vận chuyển, vận tải hàng hóa rất khó khăn. Bên cạnh đó, khi có chính sách ưu đãi, đặc biệt là thuế nhập khẩu, toàn bộ Khu kinh tế là khu phi thuế quan, tất cả hàng hóa, nhập khẩu thiết bị đều thuế bằng 0 nên các nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng ở đây. Tuy nhiên, khi chính sách thay đổi, cơ chế ưu đãi không còn, bên cạnh đó, khi đầu tư vào Khu Kinh tế, do họ chưa hiểu rõ cơ chế, chính sách thực tiễn tại địa phương. Song, khi đưa vào triển khai họ đã lúng túng và vấp phải khó khăn”.

Chính sách thay đổi, cơ chế ưu đãi không còn,giao thông xuống cấp, kinh tế thương mại khó khăn... đã dẫn tới các dự án thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế bị đình trệ.

“Tại khu kinh tế, đa phần là các dự án về thương mại, dịch vụ, còn các dự án về sản xuất thì ít. Hoạt động kinh tế, thương mại khó khăn, thêm vào đó là nguồn vốn của nhà đầu tư hạn chế nên các dự án đang triển khai tại khu kinh tế đang chậm tiến độ”, ông Phan Thăng Long thông tin thêm.
Trước thực trạng, hệ thống đường giao thông huyết mạch xuống cấp, các chính sách ưu đãi thuế không còn, kinh tế èo uột đã khiến các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào KKT cũng như qua lại cửa khẩu này. Điều đó, đã làm cho bức tranh kinh tế tại Khu Kinh tế cửa khẩu Cầu Treo nói riêng và Hà Tĩnh nói chung trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.

(Còn nữa)

Tác giả: Ngọc Tuấn – Hoàn Long

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP