Di tích - Thắng cảnh

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tiếp nhận 05 cá thể Voọc quý hiếm

Sáng ngày 16/6/2015, tại Khu BTTN Kẻ Gỗ, Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp (EFRC) Vườn quốc gia Cúc Phương, Hội động vật Frankfurt và Trung tâm Green Việt phối hợp với Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ tổ chức thả 05  cá thể voọc Hà Tĩnh về môi trường tự nhiên tại Khu BTTN Kẻ Gỗ tỉnh Hà Tĩnh. Thực hiện Quyết định số1247/QĐ-BNN-HTQT ngày 05/6/2014 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Dự án “Bảo tồn các loại Linh trưởng Việt Nam tại vườn Quốc gia Cúc Phương”. Được sự thống nhất của Tổng cục Lâm nhiệp tại văn bản số 468/TCLN – BTTN ngày 17/4/2015 về việc thực hiện chương trình tái hoà nhập loại Voọc Hà Tĩnh trong phân bố của loài ở miền Trung Việt Nam.

Các đại biểu về chứng kiến buổi lễ thả voọc về tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ

Sáng ngày 16/6/2015, Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp (EFRC) Vườn quốc gia Cúc Phương, Hội động vật Frankfurt và Trung tâm Green Việt phối hợp với Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ tổ chức thả voọc  về môi trường tự nhiên tại Khu BTTN Kẻ Gỗ tỉnh Hà Tĩnh.

Về dự buổi Lễ thả các cá thể voọc có GS.TS Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hiệp hội Thiên nhiên Việt Nam; ông Tylo – Giám đốc cứu hộ Linh trưởng vườn quốc gia Cúc Phương; đại diện các tổ chức Green Việt; đại điện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh cùng lãnh đạo địa phương đến dự và chứng kiến.

Các cá thể Voọc được thả về tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ

Theo đó, 5 cá thể voọc được thả về tự nhiên lần này gồm có 1 con bố 10 tuổi, 2 con mẹ 10 -15 tuổi và hai con con 4 -5 tháng. Những cá thể voọc này đã được Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp chăm sóc, nuôi dưỡng theo Dự án “Bảo tồn các loài linh trưởng Việt Nam” do Vườn thú Leipzig (Công hòa liên bang Đức) tài trợ.

Phát biểu tại buổi lễ GS.TS Đặng Huy Huỳnh, đánh giá cao Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp (EFRC) Vườn quốc gia Cúc Phương, đã và đang tiến hành nghiên cứu, cứu hộ, chăm sóc và tiến hành thả về tự nhiên các cá thể Linh trưởng trong thời gian qua. Hy vọng trong lần này, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, các cá thể vọoc này sẽ sớm tái hòa nhập với môi trường tự nhiên ở đây. Để đàn voọc này được hoà nhập tốt, cũng như sinh sản và phát triển tốt điều đầu tiên đó là sự quan tâm, vào cuộc bảo vệ của chính quyền địa phương cũng như được sự hỗ trợ đồng tình của các sở ban ngành từ Trung ương đến địa phương…

Ông Tylo – Giám đốc cứu hộ Linh trưởng vườn quốc gia Cúc Phương, hy vọng sau khi các cá thể voọc được thả về tự nhiên sẽ được bảo vệ và phát triển tốt

Ông Tylo – Giám đốc Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp cho biết: “Mặc dù chăm sóc theo dõi các cá thể voọc này sau nhiều năm nên rất tốn kém cả về kinh phí lẫn thời gian, công sức. Nhưng nếu ở môi trường tự nhiên thì loài Linh trưởng này chưa thực sự được bảo đảm an toàn, nhất là thời kỳ đầu mới được thả. Vì vậy, sau khi thả ra tự nhiên cần phải có sự theo dõi, giám sát, nghiên cứu của các tổ chức đang thực hiện dự án. Cho nên tổ chức rất mong được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của chủ rừng, các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp.

Phát biểu tại buổi lễ GS.TS Đặng Huy Huỳnh, đánh giá cao Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp (EFRC) Vườn quốc gia Cúc Phương

Ông Nguyễn Huy Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, thay mặt chính quyền địa phương, sở ban ngành Hà Tĩnh, cảm ơn những việc làm và đóng góp tích cực của các tổ chức nói riêng và vợ chồng ông Tylo nói riêng trong việc bảo tồn, phát triển loài voọc Hà Tĩnh. Đồng thời, để bảo vệ các cá thể vọoc này cũng như các loài động vật đã được thả vào tự nhiên trong vùng, chính quyền các cấp, chủ rừng và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã.

Được biết, trong thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thả rất nhiều loại thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng vào Khu bảo tồn nhằm bảo tồn và đa dạng hoá hệ sinh thái tại khu bảo tồn.

Đặng Sơn – Hà Vũ / Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP