Trong nước

Không phải nước bạn xin bao nhiêu tàu, máy bay cũng cho vào!

“Cần xác định tìm kiếm lâu dài nên cần xác định dài hơi hơn chứ không ồ ạt như mấy ngày qua. Tuy nhiên, phải thực hiện tìm kiếm 24/24 bất kể ngày đêm. Nếu phát hiện ra máy bay mất tích thì phải huy động lực lượng để xử lý ngay”- Thượng tướng Tỵ nói.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ: Không phải nước bạn xin bao nhiêu tàu, máy bay cũng cho vào!
Sáng 12.3, phóng viên Một Thế Giới tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin mới nhất và liên tục từ Trung tâm Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tại Hà Nội và Phú Quốc.

(15 giờ 10) Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ đạo các lực lượng của Việt Nam phải làm chủ mọi công tác tìm kiếm trên biển trong phạm vi chủ quyền của ta. Theo đó, vùng trời thì lực lượng không quân phải đảm trách, vùng biển thì kải quân, cảnh sát biển phải nắm rõ và kiểm soát.
Không phải nước bạn xin bao nhiêu tàu, máy bay là cấp bấy nhiêu mà phải cân đối và phải đảm bảo nguyên tắc chỉ tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Ngoài hoạt động tìm kiếm cứu nạn ra, không được có bất cứ hoạt động nào khác vì ta phải đảm bảo an ninh chủ quyền lãnh thổ.
Về tần suất hoạt động của tàu thuyền, máy bay của ta, Thượng tướng chỉ đạo đồng ý với đề xuất của Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo đó, phải mở rộng vùng tìm kiếm ra hai bên. Tàu HQ 888 sẽ được đưa về căn cứ phục vụ công tác khảo sát, khi nào có phát hiện máy bay mất tích, cần tới thì tiếp tục điều ra hoạt động.
Theo thượng tướng, vẫn duy trì số máy bay đang hoạt động, nhưng chỉ đưa 2-3 chiếc bay thường xuyên quan sát, phát hiện thì sẽ huy động lực lượng. Đồng thời đảm bảo quan sát tàu thuyền nước bạn tham gia tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi của ta đã quy định.
(14 giờ) Lúc này, Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Đỗ Bá Tỵ – Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có mặt tại Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để nghe báo cáo và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.
(10 giờ 45) Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến thời điểm hiện tại, đang có tổng số phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn là 31 tàu, trong đó Việt Nam 9 tàu, Malaysia 9 tàu, Trung Quốc 6 tàu, Mỹ 3 tàu, Thái Lan 1 tàu, Singapore 3 tàu.
Số lượng máy bay là 22 chiếc, trong đó Việt Nam 8, Malaysia 4, Trung Quốc 4, Mỹ 4 và Singapore 2.
Tọa độ tìm kiếm của máy bay sẽ mở rộng về phía Đông từ 7 độ 00 phút vĩ độ Bắc đến 9 độ 45 phút vĩ độ Bắc – 105 độ 00 đến 107 độ 00 kinh độ Đông.
Về những vật thể lạ đã phát hiện trong ngày hôm qua (11.3), ông Tuấn cho biết, đã cho thủy phi cơ ra tìm kiếm nhưng không thấy và theo ảnh phân tích của Trung tâm chỉ huy Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thì nó không liên quan đến máy bay mất tích (PV Nam Phong tại Hà Nội thông tin.
(10 giờ 30) tại Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho hay, kế hoạch tìm kiếm Boeing 777 của lực lượng Quân đội Nhân đân Việt Nam không thay đổi mà còn mở rộng ra về phía đông và đất liền.
Tất cả dấu hiệu trong 5 ngày qua chưa thể hiện máy bay mất tích nên chưa xác định được vị trí nên phải mở rộng, bằng chứng là Việt Nam đã đưa thêm tàu nghiên cứu biển vào tìm kiếm.
Ông khẳng định Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa dừng tham gia tìm kiếm. Hiện tàu hải quân HQ 888 Trần Đại Nghĩa vẫn di chuyển trên biển, máy bay sẽ di chuyển liên tục và tăng cường các phương tiện tìm kiếm và các nước vẫn tham gia tìm kiếm.
(10 giờ) Theo PV Nam Phong tại Hà Nội: Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, không có chuyện dừng các hoạt động tìm kiếm và đến thời điểm hiện tại, các máy bay, tàu của Việt Nam đã tiến hành hoạt động tìm kiếm theo dự kiến.
Về thông tin tìm thấy dấu vết máy bay mất tích ở eo biển Malacca, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, ngay trong tối qua, Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã hỏi tùy viên quân sự của Malaysia và nhận được trả lời là phía Malaysia không hề cung cấp thông tin đó.
Tại Trung tâm Chỉ huy chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, mọi việc vẫn diễn ra khẩn trương và nghiêm túc cùng hàng chục phóng viên trong nước và quốc tế.
(9 giờ) Tăng cường lực lượng tuần tra tại sân bay quốc tế Nội Bài
Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an Hà Nội, công an thành phố và các đơn vị chức năng của Cảng Hàng không Nội Bài đã tăng cường lực lượng tuần tra đảm bảo an ninh tại sân bay quốc tế Nội Bài và quanh khu vực sân bay.
Các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Sóc Sơn, đồn công an sân bay quốc tế Nội Bài và lực lượng an ninh hàng không sân bay quốc tế Nội Bài siết chặt công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực trong và ngoài sân bay; tiến hành tuần tra kiểm soát, khép kín các khu vực nội cảng, các vị trí lắp đặt hệ thống điện, nước cũng như các chuyến bay từ các nước trên thế giới đến Hà Nội và ngược lại.
(8 giờ 40) PV Nam Phong tại Hà Nội: Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, sau khi có thông tin của hãng tin Reuters cho rằng vị trí tìm thấy tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay mất tích cách rất xa vị trí nó liên lạc lần cuối với trạm kiểm soát không lưu dân sự ở ngoài khơi bờ biển phía đông Malaysia, cụ thể là ở eo biển Malacca (19 giờ ngày 11.3), Cục Hàng không Việt Nam đã gửi công văn cho Malaysia đề nghị xác nhận thông tin chính xác để Việt Nam có kế hoạch tìm kiếm tiếp theo.
Tuy nhiên đến sáng 12.3 phía bạn vẫn chưa có hồi âm. Vì vậy, trong sáng nay, kế hoạch tìm kiếm vẫn tiếp tục như dự kiến. Không quân xây dựng kế hoạch sử dụng 4 máy bay (1 CASA, 1 chiếc AN 26, 2 trực thăng Mi 171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 chiếc DHC6 của hải quân, 1 trực thăng Mi 171, 1 CASA) bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 theo hướng Kuala Lampur – Bắc Kinh.
Khi thực hiện nhiệm vụ phải có lệnh của Bộ. Trên biển sẽ sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài.
Theo dự kiến, những hình ảnh được vệ tinh VINASAT-1 sẽ được Viện Khoa học Công nghệ sẽ công bố trong hôm nay để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thêm dữ liệu làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm.
(8 giờ 15 ngày 12.3) Từ Phú Quốc, ông Phạm Văn Long, Phó giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam, đại diện cho Ban chỉ huy tiền phương của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn, tuy bố: “Tạm ngừng một số hoạt động tìm kiếm trong ngày hôm nay 12.3”.
Ông Long không cho biết lý do vì cấp thẩm quyền của ông không được phép.
Tuy nhiên, ngay sau đó Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết “chỉ giảm quy mô hoạt động tìm kiếm”. Theo ông Tiêu, nhà chức trách Malaysia vẫn chưa có câu trả lời chính thức về thông tin máy bay mất tích chuyển hướng về phía Tây như một hãng thông tấn quốc tế loan tin.
“Trong hôm nay chúng tôi sẽ giảm quy mô của một số hoạt động tìm kiếm nhưng máy bay Việt Nam vẫn tiếp tục rà soát trong khu vực trách nhiệm. Chúng tôi vẫn tiếp tục chờ đợi ý kiến của nhà chức trách Malaysia mới có quyết định tiếp theo”, ông Tiêu nói trước đông đảo phóng viên.
Vị thứ trưởng này nói ông cho rằng cuộc tìm kiếm này “không vô ích” dù đến giờ phút này vẫn chưa có kết quả cụ thể sau những hoạt động trong những ngày vừa qua.
Ông Tiêu cho biết đã có trao đổi với tùy viên quân sự Malaysia nhưng vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể nào từ phía nước này.
(20 giờ 30) Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết thông tin phát hiện dấu vết máy bay ở Malacca chưa thể xác thực và có khả năng chỉ là tin đồn, không chính xác.
Hồi 18 giờ tối, tùy viên quân sự Malaysia rời đi khồng hề đề cập gì tới vấn đề này. Phía Malaysia cũng không thông báo gì cho bên Việt Nam. Phía Việt Nam đang liên lạc hỏi Đại sứ quán Malaysia để xác thực thông tin.
Trước đó Quân đội Malaysia tin rằng họ đã dò được tín hiệu của chiếc Boeing mất tích bằng radar ở khu vực Eo biển Malacca, trong khi các nỗ lực tìm kiếm đang tập trung ở vùng biển phía nam Việt Nam nằm cách đó vài ngàn kilomet.
Theo Reuters, vị trí tìm thấy tín hiệu máy bay cách rất xa với vị trí phi cơ liên lạc lần cuối với trạm kiểm soát không lưu dân sự ở ngoài khơi bờ biển phía đông Malaysia. Eo biển Malacca là một trong những kênh giao thương tấp nập nhất thế giới, chạy dọc bờ biển phía tây Malaysia.
(18 giờ) PV Nam Phong từ Hà Nội: Theo tin từ Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ngoài các nước trong khu vực, Mỹ thông báo cho Việt Nam hiện có 1 tàu của nước này hoạt động tại phía nam FIR TP.HCM cùng với Malaysia.
Việt Nam vừa đồng ý theo đề nghị từ phía Trung Quốc cấp phép thêm cho máy bay quân sự TU154 vào không phận Việt Nam tìm kiếm máy bay Booing 777-200 mất tích. Như vậy, Trung Quốc đã có 2 chiếc máy bay tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích là IL76 và TU154.
(17 giờ 44) Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Phòng không – không quân, khẳng định những vật thể lạ được báo chí loan tin trong ngày hôm nay đều không phải là mảnh vỡ máy bay, sau khi phái máy bay ra xác định.
Chủ trì cuộc họp báo chiều nay, Thiếu tướng Tuấn cho biết lực lượng không quân Việt Nam đã tổ chức hơn 10 lần bay tìm kiếm trên những vùng biển được cho là có máy bay bị mất tích.
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết sẽ tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm quanh đảo Thổ Chu vào ngày mai 12.3: “Chưa nói trước khi nào cuộc tìm kiếm dừng lại”. Ảnh: Trần Việt Đức 
“Việt Nam đã tiến hành tổng số lần bay tìm kiếm trong ngày hôm nay nhiều bằng tổng số lần các chuyến bay của tất cả các nước trong những ngày qua”. Thiếu tướng Tuấn nói và thông báo thêm: “Ngày mai 12.3, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm lên khu vực quanh đảo Thổ Chu”.
Mặc dù thất vọng vì chưa tìm ra dấu hiệu của máy bay mất tích nhưng Thiếu tướng Tuấn khẳng định “cuộc tìm kiếm vẫn phải tiếp tục và chưa nói trước được khi nào dừng lại”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Một Thế Giới về việc không sử dụng máy bay săn ngầm vào việc tìm kiếm, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nói việc sử dụng loại khí tài này là “không hữu dụng trong tình huống này”.
“Máy bay săn ngầm sử dụng sóng siêu âm để định vị tàu ngầm đang hoạt động còn trong trường hợp này nếu xác máy bay nằm dưới đáy biển sẽ bất động nên máy bay săn ngầm không hữu dụng”, ông Tuấn trả lời.
Trả lời câu hỏi của phóng viên BBC về chi phí tìm kiếm, ông Tuấn cho biết “không thể xác định được chi phí tìm kiếm trong một ngày”.
Khi phóng viên Một Thế Giới đặt câu hỏi liệu việc Malaysia xác định sai vị trí mất tích của máy bay khiến việc tìm kiếm vẫn không đem lại kết quả trong những ngày qua, tướng Tuấn trả lời: “Chúng tôi không thể khẳng định về vấn đề này nhưng chúng tôi đang tiến hành tìm kiếm tại những khu vực radar Việt Nam ghi nhận được tín hiệu cuối cùng của máy bay”.
(16 giờ 40) Theo phóng viên Nam Phong tại Hà Nội: Trung tâm chỉ huy Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa cho hay vào lúc 10 giờ 53, máy bay của lực lượng Cảnh sát biển Casa số hiệu 8981 phát hiện vật thể lạ có chiều dài khoảng 3m tại toạ độ 07 độ 59’00”N – 103 độ 44’00”E (cách phía Đông Nam đảo Thổ Chu/Kiên Giang khoảng 80 hải lý), đang tiếp tục bay kiểm tra xác minh.
Trước đó, tại Phú Quốc lúc 14 giờ 1, chiếc DHC6 cất cánh từ Phú Quốc đi xác minh vật thể lạ trên, nếu phát hiện sẽ hạ cánh xuống mặt biển để xác minh; 14 giờ 15 chiếc Mi171 số hiệu 2 cất cánh; lúc 14 giờ 30 Mi171 số hiệu 431 cất cánh.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM): Vào 14 giờ 2, chiếc AN26 số hiệu 261 cất cánh; vào 14 giờ 16 thì chiếc AN26 số hiệu 287 cất cánh.
Dự kiến kế hoạch tìm kiếm tiếp theo:
Không quân: xây dựng kế hoạch sử dụng 4 máy bay (1 Casa, 1 AN26, 2 trực thăng Mi171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi 171, 1 CASA) bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 theo hướng Kuala Lampur – Bắc Kinh. Khi thực hiện nhiệm phải có lệnh của Bộ.
Trên biển: Sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài.
(15 giờ 30) Sư đoàn phòng không 367 (thuộc Quân chủng Phòng không không quân)chuyển khí tài để thành lập trạm radar tại Sở chỉ huy tiền phương Không quân, đóng tại sân bay Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Trạm radar này có nhiệm vụ hỗ trợ, dẫn đường cho các máy bay tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích.
Dự kiến tối nay Mỹ sẽ điều một tàu hậu cần vào tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam và 1 tàu hậu cần khác tìm kiếm trong vùng biển Malaysia, đồng thời sử dụng máy bay P3 tìm kiếm ở vùng biển Malacca.
Trong chiều 11.3, phía Trung Quốc đang sử dụng 2 máy bay và 4 tàu tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam.
(14 giờ 10) Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc vừa công bố 2 số điện thoại nóng cung cấp thông tin tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Theo đó, 2 số máy 077 3846 704 và 077 3847 508 mỗi ngày sẽ thông tin 2 lần với báo chí (buổi sáng từ 11 giờ 30 đến 12 giờ, buổi chiều từ 18 giờ đến 18 giờ 30). Các số này sẵn sàng nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân phát hiện dấu vết hoặc có thông tin mới liên quan đến máy bay Malaysia mất tích.
(14 giờ) Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, chỉ đạo: “lấy đường bay của máy bay mất tích làm trục chính, mở rộng hướng ra đất liền tại khu vực quân khu 5, 7, 9 giáp biên giới Campuchia”.

Đến nay trên vùng biển còn có các phương tiện của nước bạn nên Cục cứu hộ – Cứu nạn phải có lực lượng dẫn dắt, quản lý vì đây là vùng biển của Việt Nam.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (giữa) đang nghe trình bày các phương án tìm kiếm máy bay mất tích
Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn, xăng dầu, ăn uống cho lực lượng cứu hộ. Đây cũng là một cơ hội để rèn luyện cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
(13 giờ 50) Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn máy bay IL76 của Trung Quốc đã vào địa phận của Việt Nam tham gia tìm kiếm, đồng thời phía bạn cũng xin phép cho thêm máy bay TU154 tham gia tìm kiếm máy bay mất tích trong không phận Việt Nam (theo phóng viên Nam Phong từ Hà Nội).
(13 giờ 10) Theo Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không, trong sáng nay, phía Trung Quốc xin phép Chính phủ Việt Nam được điều động thêm 1 máy bay từ Hải Nam xuống khu vực tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích. Phía Việt Nam đã đồng ý cho máy bay này vào không phận tìm kiếm.
(13 giờ) PV Nam Phong từ Hà Nội: Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho hay: “Độ sâu khu vực chúng ta đang hoạt động tìm kiếm là 20m đến 50m, còn phía vịnh Thái Lan nếu sâu hơn thì sẽ phải có các phương tiện khác. Tôi có thể tiết lộ thợ lặn của hải quân nhân dân Việt Nam có thể lặn sâu đến 70m đến 80m, và đã từng thực hiện lặn”.
Hình ảnh bên dưới từ máy bay thám biển của Cảnh sát biển Casa vừa ghi nhận và gửi về.
 
 
(10 giờ 58) Việt Nam điều vệ tinh chụp ảnh khu vực tìm kiếm máy bay mất tích.
Ông Chu Xuân Huy, trưởng phòng Quản lý và khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh thuộc Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết: Hiện vệ tinh VINASAT-1 đang bay qua khu vực đảo Thổ Chu và Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ sẽ chụp những bức ảnh từ vệ tinh khu vực này.
Ông Huy cũng cho hay, việc này bắt đầu từ lúc 10 giờ 30 và sẽ kéo dài đến 11 giờ 30 hôm nay (11.3). sau khi có kết quả chụp từ vệ tinh, Viện Khoa học Công nghệ sẽ công bố để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thêm dữ liệu làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm.
(10 giờ) Phóng viên Nam Phong tại Trung tâm chỉ huy Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, về kế hoạch tìm kiếm ngày 11.3.
Về tàu chia làm 2 khu vực: Khu vực 1 gồm tàu HQ954, tàu HQ 673 và SAR 413 sẽ hoạt động ở các tọa độ 08 độ 00 vĩ độ Bắc đến 103 độ 50 kinh độ Đông. Khu vực 2 gồm có SAR 273, KN 774 và tàu CSB 2002, CSB 2003 hoạt động ở tọa độ 07 độ 00 vĩ độ Bắc đến 103 độ 50 kinh độ Đông
Về máy bay: Hiện nay đã có 2 máy bay cất cánh, lúc 7 giờ 30 chiếc AN 261 và lúc 8h AN 267 bay ở phía Đông đường bay máy bay bị mất tích
Tàu HQ888 sau khi kiểm tra ở phía Đông Nam mũi Ô Cấp không phát hiện những điểm khả nghi theo thông báo của cơ quan hàng không Hồng Kông vào ngày hôm qua. Nhận lệnh ngày hôm nay, sẽ cơ động rà soát về phía Đông Nam Cà Mau đến tọa độ 8 độ 00 vĩ độ Bắc – 105 độ 00 kinh độ Đông. Trên đường hành trình sẽ sử dụng máy quét đa tia và các thiết bị để quét tìm dưới đáy biển.
Căn cứ vào tình hình thực tế, chúng ta huy động 2 máy bay Casa tìm kiếm. Máy bay 1 mang số hiệu 8981, cất cánh 9 lúc 22 tìm kiếm phía Đông đảo Thổ Chu. Máy bay 2 mang số hiệu 9882 cất cánh lúc 9 giờ 38 tìm bên phải đường bay của máy bay mất tín hiệu.
(8 giờ 30) Sở chỉ huy tiền phương sân bay Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu chủ trì cuộc họp với các ban ngành và chính quyền sở tại bàn về việc mở rộng phạm vi tìm kiếm cứu nạn trong ngày hôm nay.
“Cho đến tối hôm qua, tàu hàng hải đã tiếp cận khu vực nghi có mảnh vỡ ở Vũng Tàu. Kết quả vẫn chưa tìm thấy bất kỳ một dấu tích gì”, ông Tiêu khẳng định.
“Cho đến giờ phút này, dù rất đau lòng nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng không còn hy vọng về thông tin tốt lành từ chiếc máy bay xấu số”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu (người đứng) chủ trì cuộc họp sáng nay.Ảnh: Trần Việt Đức
Thứ trưởng Tiêu yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang chuẩn bị sẵn sàng cho công tác cứu hộ và chủ động ngay lập tức trong trường hợp tìm thấy xác máy bay hoặc thậm chí là thi thể các nạn nhân.
Ngoài ra, thứ trưởng còn yêu cầu UBND và biên phòng tỉnh phát động thông tin rộng rãi trong ngư dân, hy vọng có người phát hiện dấu hiệu và báo cáo.
Về lực lượng phòng không và hải quân, ông Tiêu cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban tìm kiếm Quốc Gia và Bộ Quốc Phòng, hai lực lượng này phải tập trung cao độ, huy động tối đa mọi phương tiện vật lực cần thiết cho cuộc tìm kiếm.
Ông Tiêu yêu cầu không quân tiếp tục bay kiểm tra trên cơ sở đường bay ở tọa độ cũ và điều động thêm phương tiện mở rộng tìm kiếm.
Có mặt tại buổi họp, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh phòng không không quân cho biết: Ngày hôm qua đã triển khai 9 chiếc máy gồm 4 máy bay Antonov 26, 4 máy bay trực thăng, 1 thủy phi cơ. Sáng nay thêm 2 máy bay Casa của cảnh sát biển sẽ cất cánh, tham gia tìm kiếm. Máy bay A56 dự kiến sẽ bay ở tầm 3.000-5.000 m, trực thăng Mi171 sẽ bay thấp hơn. Riêng các máy bay Casa 272 vừa được điều động sẽ mở rộng phạm vi dò tìm.
“Chúng tôi sẽ huy động tối đa nhân lực vật lực để tích cực tìm kiếm. Nếu phát hiện được sẽ phối hợp với các đơn vị khác và lực lượng các nước lập tức triển khai cứu hộ”, ông Tuấn nói.
Cuối buổi họp, trao đổi riêng với phóng viên Một Thế Giới, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết vùng tìm kiếm sẽ được mở rộng thêm về phía Đông – Đông Bắc trong phạm vi 15-20.000 km2, cách đảo Thổ Chu 300km.
Chuyến bay tìm kiếm bằng thủy phi cơ có chở đoàn quan chức và chuyên gia vừa hạ cánh xuống sân bay Phú Quốc. Ảnh: Trần Việt Đức 
(6 giờ 30 ngày 11.3) Vào thứ hai, 10.3.2014, sự thất vọng đang bao trùm lên ngành hàng không Malaysia và thân nhân của những hành khách mất tích. Đã ba ngày trôi qua nhưng vẫn không có thông tin nào về hành khách và vị trí chính xác của máy bay.
Hy vọng ngày càng tiêu tan khi các quan chức Malaysia nói rằng họ đã kiểm tra các vết dầu loang mới nhất (1 vết dài khoảng 6 dặm và 1 vết dài khoảng 9 dặm) và nó không thuộc về chiếc máy bay mất tích.
Thậm chí các vật thể được tìm thấy gần vị trí cuối cùng của máy bay mà radar ghi nhận được cũng không cho thấy mối liên quan.
“Sự mất tích đầy bí ẩn chưa từng xảy ra này thực sự quá khó hiểu”.
Tổng giám đốc Cục hàng không nội địa của Malaysia Azharuddin Abdul Rahman đã phát biểu như vậy trong cuộc họp vào trưa 10.3.2014 ở Kuala Lumpur.

“Để xác nhận điều gì đã xảy ra cho chiếc máy bay xấu số vào ngày hôm đó, chúng ta cần những bằng chứng chắc chắc. Chúng ta cần dấu vết cụ thể. Chúng ta cần các phần của máy bay để phân tích và nghiên cứu. Chúng ta đã tìm kiếm mỗi inch trên biển trong mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây trôi qua”.

Hiện có tới hơn 40 tàu và 34 máy bay từ mười quốc gia đang tìm kiếm trong một vùng biển rộng lớn gần đảo Thổ Chu của Việt Nam.

(19 giờ 27) Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chủ trì buổi họp báo ngay sau khi chuyến bay tìm kiếm vừa hạ cánh. Không Quân đã điều một trực thăng và một thủy phi cơ, Hải quân đã điều 8 tàu, 2 tàu cảnh sát biển, 2 tàu cục Hàng Hải..
“Rất buồn là chưa phát hiện được điều gì tích cực. Máy bay Singapore đã phát hiện một vật nhưng sau khi chúng tôi trục vớt thì đó không phải là mảnh vỡ của máy bay. Trong ngày mai 11.3 chúng tôi sẽ tổ chức lực lượng tìm kiếm quy mô hơn nữa để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích”.
Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu (giữa) nói: “Rất buồn vì hôm nay chúng tôi chưa tìm được dấu vết của chiếc máy bay bị mất tích. Sẽ mở rộng tìm kiếm vào ngày mai”. Ảnh: Trần Việt Đức 
Ông Tiêu cho biết có nghe thông tin tìm được các mảnh vỡ ở biển Vũng Tàu. “Theo sự đánh giá của chúng tôi máy bay của Malaysia khó mà ra đến khu vực đó”, ông Tiêu nói.
Hiện nay Việt Nam đã cấp phép cho Singapore, Malaysia, Phillipines, Trung Quốc, Mỹ với tổng số 34 máy bay và hơn 40 tàu các loại.
Ông Tiêu cho biết không xác nhận những thông tin từ các nguồn khác do báo chí đăng tải. “Thông tin chính thức sẽ được chúng tôi cung cấp 1 ngày 2 lần cho báo chí”, ông Tiêu nói.

Trung tâm chỉ huy tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa cho biết kế hoạch tìm kiếm ngày mai, 11.3:

– Tàu tìm kiếm ở phía nam vĩ độ 8, chia thành 2 tổ. Tổ 1 tìm kiếm từ nam vĩ độ 8 đến vị trí đã tìm kiếm ngày 10.3. Tổ 2 tìm kiếm ở phía đông khu vực tìm kiếm ngày 9.3, mở đều ra hai bên đường bay từ điểm IGARY đến Tân Sơn nhất.

– Lực lượng Không quân tìm kiếm nam đảo thổ chu từ vĩ độ 7 và mở rộng ra phía đông đường bay đến kinh độ 16. Đồng thời xác minh khu vực Đông Nam của Vũng Tàu cách mũi Ô Cấp 32 hải lý.

Sơ đồ tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng tham gia TKCN của Việt Nam. Ảnh: Nam Phong
(18 giờ 40) Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Trong báo cáo nêu rõ ngày 10.3.2014, chúng ta sử dụng 6 máy bay gồm: 3 AN 26, 02 Mi 171, 01 DHC6, bay 12 lần chuyến; 7 tàu các loại gồm: SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774 tiếp tục công tác tìm kiếm tại hiện trường, mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm hôm trước; tập trung tìm kiếm, xác minh các vật thể do máy bay phát hiện. Tàu HQ 888 trên đường cơ động đến hiện trường; CSB 2002 xuất phát ra hiện trường thay thế cho tàu CSB 2001 về bổ sung nhiên liệu; HQ 627 bổ sung dầu, nước cho tàu SAR 413.
Lực lượng nước ngoài có tổng số 4 máy bay và 11 tàu.
Dự kiến kế hoạch tìm kiếm tiếp theo: Trên cơ sở các thông tin hiện có, điều chỉnh lại khu vực trọng tâm cần tập trung lực lượng tìm kiếm mở rộng về khu vực vị trí mất liên lạc ban đầu của máy bay và khu vực Nam Côn Đảo. Hai là sử dụng phương tiện một cách hợp lý và hiệu quả đề phòng phương án phải tìm kiếm dài ngày.
(18 giờ 30) Trực thăng Mi 171 – 02 đã trở về sân bay Phú Quốc. Những thành viên trên chuyến bay này cho biết vẫn chưa phát hiện được gì có liên quan đến chiếc máy bay mất tích. Khu vực tìm kiếm của trực thăng này ở vùng biển phía nam đảo Thổ Chu.
(17 giờ 55) Thủy phi cơ không phát hiện được mảnh máy bay rơi. Chiếc thủy phi cơ DHC6 chở đoàn cứu hộ đang hướng về sân bay Phú Quốc. Trong nỗ lực tìm kiếm vật lạ được cho là mảnh vỡ của máy bay cách đảo Thổ Chu tầm 300km, chiếc phi cơ đã bay 5 tiếng đồng hồ ở độ cao 300m so với mặt nước biển trong bán kính rộng nhưng chưa tìm thấy mảnh vỡ như đã xác định trước đó.
Trước đó, một tàu chở dầu chạy về phía đảo Thổ Chu cho biết đã phát hiện được một số vật thể lạ nhưng chưa tiếp cận được. Lực lượng cứu hộ đang cố gắng tiếp cận vật thể này. Chưa xác định được vật thể này có phải là mảnh vỡ máy bay hay không.
(17 giờ 40) Bộ chỉ huy Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết vừa đề xuất Bộ Quốc phòng cử tàu hải quân vùng 2 và Bộ đội biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu ra kiểm tra và xác minh những mảnh kim loại lớn trên biển xung quanh khu vực tọa độ 09 độ 54 phút 30 giây vĩ độ bức, 3’N-107 độ 25 phút 00 kinh độ đông, Cách đông nam mũi Ô Cấp, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu 32 hải lý.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát đường bay dài của Hồng Kông thông tin cho hay, máy bay hàng không L642 đã phát hiện những mảnh vỡ nói trên.
Các phóng viên đang cập nhật thông tin tại văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Hà Nội) Ảnh: Nam Phong
(17 giờ) Phóng viên Nam Phong từ Hà Nội cho hay: Sở chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn cục Hàng không vừa cho biết cơ quan không lưu Hồng Kông có thông báo chính thức một máy bay dân dụng của Hồng Kông phát hiện nhiều mảnh vỡ trên biển khi bay ngang vùng biển cách Vũng Tàu khoảng 60km về phía Đông Nam.
Thời điểm phát hiện là 16 giờ 30. Vị trí này cách điểm IGARY (điểm chuyển giao máy bay Boeing 777 của Maylaysia Airlines giữa ACC Kuala Lumpur và ACC TP.HCM) khoảng 500km. Phía Việt Nam đã đề nghị Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) thông báo các tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực tìm kiếm, xác minh.
(16 giờ 30) Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vừa cho hay: Sau khi vớt lên thì đó là nắp đậy của cuộn cáp mọc rêu nổi trên mặt biển.
Ảnh: Nam Phong
Hiện tàu của Mỹ chưa vào vùng lãnh hải của Việt Nam. Còn hai tàu Trung Quốc dù đã được cấp phép vào vùng biển của ta hoạt động nhưng họ vẫn chưa vào trong. Tàu Trung Quốc nếu vào hoạt động sẽ được Việt Nam hướng dẫn hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Cũng theo tướng Tuấn, hiện nay, toàn bộ máy bay của Việt Nam đã về đất liền, ngày mai tiếp tục tìm kiếm (theo phóng viên Nam Phong tại Hà Nội).
Ông Tuấn cho hay, dự kiến ngày mai, lực lượng tìm kiếm của ta sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm về phía Tây đảo Côn Sơn và mở rộng ra phía Đông của đường bay dự kiến khi máy bay từ Kuala Lumpur đến TP.HCM.
(16 giờ) Có mặt tại Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Hà Nội), phóng viên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc Hồ Tuệ Dực đã rưng rưng nước mắt khi nói tới số người Trung Quốc trên máy bay MH370 đang mất tích.
Nữ phóng viên Trung Quốc rưng rưng nước mắt khi trả lời phỏng vấn của các phóng viên Việt Nam (ảnh: Nam Phong)
Cô cho biết hiện tại mình và người dân Trung Quốc hy vọng có một phép nhiệm màu, hy vọng 239 người trên chuyến bay này an toàn trở về nơi cuối cùng là đoàn tụ gia đình.
Dực cho hay, phía Việt Nam đã rất tạo điều kiện cho các phòng viên trong nước cũng như các hãng thông tấn thế giới. Hiện chỉ có Việt Nam là nơi có thể cung cấp thông tin một cách đầy đủ và nhanh nhất về tình hình tìm kiếm tung tích chiếc máy bay hiện đang mất tích.
“Bản thân tôi cũng như mọi người dân Trung Quốc thấy rất xúc động về việc các bạn đang triển khai cũng như đội ngũ phóng viên thông tấn trong nước đang tích cực cập nhật tin tức liên tục và nhanh nhất tới thế giới” – cô nói.
(15 giờ 20) Trực ban Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 thông báo tàu HQ 637 báo về đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam.
Vật thể được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn yêu cầu tàu HQ 637 giữ vật thể tìm được, chụp ảnh gửi về Sở chỉ huy.
Các phương tiện máy bay, tàu biển tiếp tục tìm kiếm tại các khu vực theo kế hoạch hôm nay.
(15 giờ) Chiếc trực thăng Mi 171-02 đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc nhằm thẳng hướng khu vực được cho là phát hiện vật nghi là chiếc áo phao do phía Malaysia phát hiện để tổ chức tìm kiếm.
Ảnh: Trần Việt Đức 
 Phó giám đốc Cảng hàng không sân bay Phú Quốc Trần Mạnh Hồng nói với phóng viên Một Thế Giới, ngoài phi hành đoàn, máy bay còn mang theo đội ngũ chuyên gia tìm kiếm cứu nạn. Máy bay mang theo lượng dầu nhiều hơn thường lệ để phục vụ cho cuộc tìm kiếm kéo dài.
Ít phút sau khi trực thăng cất cánh, chiếc thủy phi cơ số hiệu DHC-6 cũng rời sân bay quốc tế Phú Quốc đưa thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu và phái đoàn tiếp cận vùng được cho là tìm thấy áo phao cách đảo Thổ Chu hơn 200km.
Tại Hải quân vùng 5, các phương tiện tàu tìm kiếm cứu hộ đã sẵn sàng cho tình huống sau khi kết quả khảo sát được chuyển về. Dự tính trong chiều nay, Trạm chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc sẽ tổ chức họp báo thông báo các tin tức mới nhất từ hiện trường tai nạn và công tác ứng cứu.

Phóng viên Nam Phong đưa tin từ trung tâm chỉ huy (Hà Nội): Trong chiều nay, Việt Nam tiếp tục duy trì 2 trực thăng MI171, Singapore 1 C130 và Malaysia 2 K35 để tìm kiếm.

Lúc 13 giờ 26, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo máy bay R65 của Singapore phát hiện vật thể trông giống máng cứu sinh (life raft) màu vàng tại tọa độ 08 độ16’05’ N – 102 độ 51’ 11’’ S (cách đảo Thổ Chu 140 km về phía Tây Nam) và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh.
Hiện tại Việt Nam đã điều 2 máy bay Mi171 và thủy phi cơ DHC6 đang chuẩn bị xuất phát từ Phú Quốc ra vị trí được thông báo là phát hiện xuồng cứu sinh để xác định trên xuồng có người hay không.
Dự kiến vào lúc 16 giờ 30, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẽ tới được khu vực mà lực lượng tìm kiếm của phía bạn thông báo.

(14 giờ 55) Theo thông tin của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, hai tàu của Trung Quốc được cấp phép vào thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong vùng biển Việt Nam bao gồm tàu mang số hiệu 999 và tàu số hiệu 528. Tàu đổ bộ tỉnh Cương Sơn (999) dài 210m, khởi hành từ thành phố Zhanjian Quảng Đông vào rạng sáng 9.3 với 120 thủy thủ, mang theo 2 trực thăng, 10 thợ lặn, 52 thủy quân lục chiến và các nhân viên y tế. Tàu Miên Dương (528) thuộc lớp tàu hộ vệ Type 053H3 có lượng giãn nước 2.393 tấn, dài 112m, thủy thủ đoàn 168 người, trang bị hệ thống vũ khí tương đối hiện đại.
(13 giờ 45) Máy bay DHC6 số hiệu VNT-777 của Quân chủng Hải quân Việt Nam phát hiện tại tọa độ 07 độ 47’30N – 102 độ 57’12E (cách phía Tây Tây Nam đảo Thổ Chu / Kiên Giang 96 hải lý) một vật thể hình vuông, màu da cam, nghi là phao, hiện chưa vớt được.
Hình ảnh do đoàn tìm kiếm chụp lại

(13 giờ 30) Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho hay, ngày 10.3, Việt Nam đã sử dụng 8 máy bay (AN 26: 03; Mi 171: 03, CASA: 02; DHC6: 01); 08 tàu các loại (SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888) tiếp tục công tác tìm kiếm tại hiện trường, mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm hôm trước. Tập trung tìm kiếm, xác minh các thông tin vật thể chưa xác định do máy bay phát hiện.

Sáng nay Bộ Quốc phòng có điện số 04/TK, 05/TK chỉ đạo: Bộ Tư lệnh Hải quân bảo đảm nhiên liệu, lương thực thực phẩm cho tàu SAR 413 trong suốt quá trình chỉ huy tìm kiếm cứu nạn để tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ chỉ huy hiện trường và triển khai tổ bảo đảm thông tin không lưu của Không quân để thành lập sở chỉ huy hỗn hợp trên tàu SAR 413; Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đảm bảo quân y, hậu cần cho 2 sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc và Cà Mau (sân bay Cà Mau) để phối hợp chỉ đạo lực lượng trong, ngoài nước và nắm tình hình sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.

* Lực lượng nước ngoài:

Trong vùng tìm kiếm hiện có 2 máy bay trực thăng cùng tham gia tìm kiếm (1 chiếc của Singapore, 1 chiếc của Malaysia). Các tàu nước ngoài, trong tầm quan sát của ta chưa phát hiện được tàu nào vào tham gia tìm kiếm.

(13 giờ 20) Chiếc thủy phi cơ đáp ở sân bay Phú Quốc đã nạp đầy nhiên liệu và sẵn sàng cất cánh. Đây sẽ là chiếc máy bay chở đoàn công tác đến vị trí tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Chiếc thủy phi cơ nạp đầy nhiên liệu tại sân bay Phú Quốc chuẩn bị xuất phát lên vùng tìm kiếm. Ảnh: Trần Việt Đức 
(13 giờ 10) Phóng viên Nam Phong tại Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (Hà Nội) cho hay: Thông tin từ Trung tâm chỉ huy Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (Hà Nội), 10 giờ 20 máy bay Casa phát hiện vật lạ, màu da cam lập lờ cách đảo Thổ Chu 96 hải lý, 177km về phía Tây – Tây Nam. Ngay sau đó, máy bay đã thông báo cho tàu gần đó tiếp cận. Tuy nhiên, khi tàu quay lại điểm có vật nổi này thì không thấy. Cơ quan chức năng phỏng đoán vật này có thể đã chìm nên đang nỗ lực tìm kiếm.
Cán bộ Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cập nhật thông tin từ các lực lượng tham gia.
Hiện tại, tại Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu bạn, mọi liên lạc vẫn đang được kết nối với các lực lượng tìm kiếm ngoài biển.
Ngoài các phóng viên báo chí trong nước, phóng viên của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng đang có mặt để cập nhật thông tin.
Các phóng viên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tác nghiệp tại Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Trước đó, Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam lưu ý phóng viên đài truyền hình Trung Quốc chú ý nắm thông tin ở những cơ quan phát ngôn chính thức c�

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP