Nhận khống chế độ?
Cụ thể, bà Thiều Thị Hà đã hết nhiệm kỳ hiệu trưởng và trở thành giáo viên bình thường vào tháng 3/2018. Trách nhiệm quản lý được giao cho bà Lê Thị Hằng, Hiệu phó nhà trường. Thế nhưng, từ khi trở thành giáo viên bình thường cho đến nay, bà Hà vẫn được hưởng 0,5 tiền chức vụ hiệu trưởng.
Ngoài ra, Theo Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ GD&ĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non. Trong đó, quy định đối với hiệu trưởng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng theo quy định, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 2 giờ trong một tuần; và hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo (còn gọi là phụ cấp đứng lớp).
Tuy nhiên, theo phản ánh của các giáo viên thì quá trình làm hiệu trưởng bà Hà không đứng lớp nhưng vẫn nhận chế độ này?. “Một tháng cô Hà chỉ tham gia dự giờ 1 lần thôi, chủ yếu là hiệu phó đi dự giờ. Thế nhưng tại sổ theo dõi dự giờ cô Hà vẫn ghi khống vào để hợp thức” – một giáo viên nói.
|
Trao đổi về việc trên, bà Lê Thị Hằng, Hiệu phó nhà trường cho biết: “Dù đã hết nhiệm kỳ làm hiệu trưởng nhưng cô Hà vẫn không có quyết định cắt chức vụ hiệu trưởng nên vẫn được nhận chế độ quản lý. Còn việc cô Hà trong thời gian làm hiệu trưởng không đứng lớp nhưng có tham gia dự giờ”.
Thế nhưng khi được hỏi hiệu trưởng có dự giờ đúng số tiết theo quy định mỗi tuần hay không thì bà Hằng không trả lời được. Nguyên nhân được bà Hằng giải thích là sau khi bàn giao nhiệm vụ quản lý, cô chỉ được bàn giao tài chính còn sổ sách vẫn được bà Hà giữ, không tiếp cận được.
Tiếp tục bị tố không trung thực!
Ngoài ra, liên quan đến tiền chế độ thai sản của giáo viên, bà Hà còn bị tố báo cáo không trung thực dẫn đến Kết luận 267 và Kết luận 1152 của UBND huyện Đông Sơn bị sai chi tiết nhà trường thực hiện thanh toán thừa cho giáo viên số tiền hơn 4 triệu đồng. Hai kết luận này yêu cầu Trường Mầm non Đông Thanh truy thu lại số tiền của ba giáo viên trong trường. Tuy nhiên, mới đây ba giáo viên này đã có đơn khiếu nại sự việc trên.
Về việc này, bà Lê Thị Hằng, Hiệu phó nhà trường cũng đã xác nhận. Theo bà Hằng thì ba cô có đơn khiếu nại là hoàn toàn đúng vì trường không trả thừa tiền thai sản cho các cô nên không thể truy thu các cô được. Nhà trường cũng đã có văn bản gửi phòng Tài chính huyện đề nghị xem xét điều chỉnh lại.
Bên cạnh đó, năm 2014-2015, liên quan đến tiền chế độ thai sản của các giáo viên, từ giải trình của bà Thiều Thị Hà, UBND huyện Đông Sơn đã kết luận: Nhà trường đã sử dụng kinh phí chênh lệch chế độ thừa do thanh toán BHXH thay lương cho giáo viên nghỉ sản, số tiền gần 37 triệu đồng và kinh phí còn dư khác (năm 2014); và hơn 40 triệu đồng (năm 2015) để chi nghiệp vụ chuyên môn, mua sắm sửa chữa nhỏ trong nhà trường. Do đó, không chi trả tiền dạy thay giờ như một số giáo viên kiến nghị.
Tuy nhiên, giáo viên trường này khẳng định mua sắm cơ sở vật chất, sửa chữa nhỏ trong nhà trường đã được xã hội hóa, nguồn của phụ huynh. Việc này đã được minh chứng tại bảng kê khai tài sản của nhà trường.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, do liên tục nhiều năm không được hiệu trưởng công khai tài chính thu chi của nhà trường, cấp dưới của bà Hà đã đề nghị làm rõ thì thay vì công khai minh bạch, bà Hà đã chửi bới, xúc phạm cô giáo này.
Bên cạnh đó, UBND huyện Đông Sơn cũng chỉ ra nhiều vi phạm về tài chính trong quá trình bà Hà làm hiệu trưởng. Thế nhưng, khi chưa có hình thức xử lý đối với vị hiệu trưởng vướng nhiều vi phạm trên, nhiều nội dung tố cáo vẫn chưa được làm rõ, giáo viên vẫn có đơn gửi cơ quan cấp trên thì UBND huyện Đông Sơn tiếp tục làm quy trình bổ nhiệm chức Hiệu trưởng lại cho bà Hà.
Ngay sau khi báo phản ánh, UBND huyện Đông Sơn đã cho dừng các bước làm quy trình bổ nhiệm lại cho bà Hà và cho rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức kiểm điểm từ trước đến nay để có hướng xử lý.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin!
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí