Pháp luật

Kháng nghị vụ chìm tàu ở Cần Giờ làm 9 người chết

Theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM, cấp sơ thẩm chưa phân hóa, cá thể hóa trong việc áp dụng hình phạt. Mặt khác, hậu quả của vụ án gây ra là đặc biệt nghiêm trọng làm chết 9 người, vì vậy cấp sơ thẩm cho các bị cáo hưởng án treo là trái quy định pháp luật.

Chiều 26/12, Viện KSND cấp cao tại TPHCM cho biết cơ quan này đã kháng nghị một phần bản án sơ thẩm vụ án chìm tàu xảy ra tại vùng biển thuộc xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM) khiến 9 người chết.

Trước đó, TAND TPHCM tuyên phạt Vũ Văn Đảo (sinh năm 1968, giám đốc công ty cổ phần công nghệ Việt Séc,chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) và Đinh Văn Quyết (sinh năm 1980, giám đốc công ty cổ phần Marina) cùng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo an toàn. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết kháng cáo kêu oan.

Theo Viện kSND cấp cao tại TPHCM cho 2 bị cáo hưởng án treo là trái luật.

Theo Viện kSND cấp cao tại TPHCM cho 2 bị cáo hưởng án treo là trái luật.

Theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM, bị cáo Đảo và Quyết đã có hành vi điều động tàu BP 12-04-02 là phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa, không có tác dụng vận tải hành khách, không đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách theo tuyến đường thuỷ, không đúng với công dụng và vùng hoạt động của phương tiện ghi trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.

"Bị cáo Đinh Văn Quyết chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ là người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, nhưng bản án sơ thẩm xử phạt Đinh Văn Quyết mức án dưới khung hình phạt là vi phạm quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015. Đối với bị cáo Vũ Văn Đảo khi phạm tội là Chủ tịch hội đồng quản trị, là người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần Vũng Tàu Maria, vừa là Giám đốc công ty Việt Séc, bị cáo chịu trách nhiệm chính trong vụ án, đúng lý là phải xử mức hình phạt cao hơn so với Đinh Văn Quyết, nhưng án sơ thẩm lại xử mức hình phạt bằng với Quyết là chưa thể hiện sự phân hoá và cá thể hoá trong áp dụng pháp luật", kháng nghị phúc thẩm nêu rõ.

Cũng theo Viện KSND cấp cao tại TPHCM, phải xử các bị cáo ở mức cao của khung hình phạt (7 năm đến 15 năm tù) mới phù hợp nhưng án sơ thẩm lại xử phạt các bị cáo mức án dưới khung hình phạt, đồng thời lại còn áp dụng điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 để cho các bị cáo được hưởng án treo là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật, vi phạm cả Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Đối chiếu vụ án này cho thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử và tại phiên toà các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội mà còn cho rằng bị oan. Do vậy, không thể có khả năng tự cải tạo như khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015. Mặt khác, hậu quả của vụ án gây ra là đặc biệt nghiêm trọng làm chết 9 người và những thiệt hại khác về tài sản, gây đau thương mất mát rất lớn cho nhiều gia đình, làm cho luật pháp không nghiêm, không có tác dụng răn đe phòng ngừa nhất là hiện nay tội phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy diễn biến phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Từ những nhận định trên, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm. Đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt không cho bị cáo Đảo và bị cáo Quyết được hưởng án treo.

Theo nội dung vụ án, công ty của Vũ Văn Đảo tổ chức đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC khi Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cho việc thiết kế, đóng và đăng kiểm phương tiện này. Tháng 3/2013, Vũ Văn Đảo ký hợp đồng bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2 tàu, trong đó có tàu BP 12-04-02.

Tháng 6/2013, các bên làm lễ bàn giao tàu nhưng thực tế phương tiện vẫn được neo đậu tại cầu phao của công ty Việt Séc với lý do để lắp đặt thêm thiết bị.

Cuối tháng 7/2013, công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (công ty PV PIPE, trụ sở Tiền Giang) liên hệ với Quyết bàn về việc đưa hơn 70 cán bộ, nhân viên công ty này đi liên hoan vui chơi vào đêm 2/8/2013 tại Khu du lịch Đảo Xanh - Vũng Tàu (trực thuộc công ty Vũng Tàu Marina). Quyết báo cho Đảo và được Đảo chỉ đạo sử dụng 2 tàu và hỏi mượn tàu BP 12-04-02 của Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu để đưa đón người.

Đến 19h ngày 2/8/2013, khi tàu BP 12-04-02 đi ngang vùng biển thuộc địa phận xã Long Hòa, huyện Cần Giờ thì bị lật, làm 9 người thiệt mạng.

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP