Theo kế hoạch dự kiến, đầu năm 2018, hai công ty này sẽ phối hợp với đơn vị chuyên cung cấp suất ăn cho ngành hàng không để phục vụ khách trên tàu hỏa, thay vì nấu ăn trên tàu như hiện nay.
Suất ăn trên tàu Bắc - Nam hiện nay chưa làm hài lòng hành khách. |
Theo đề xuất, suất ăn chính 35.000 đồng/phần, suất ăn phụ 25.000 đồng/phần. Các phần ăn này sẽ được chế biến sẵn trong ngày, đảm bảo chất lượng, vệ sinh thực phẩm. Thực đơn cũng sẽ thay đổi mỗi ngày, đa dạng nhiều món và đặc trưng của ẩm thực địa phương theo từng hành trình.
Các suất ăn được cấp tại các ga Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Cũng như suất ăn trên máy bay, suất ăn trên tàu chỉ được sử dụng trong ngày và được làm nóng trước khi phục vụ hành khách.
Động thái này của ngành đường sắt Việt Nam được xem là “điểm cộng” cũng như “phao cứu sinh” trong bối cảnh cạnh tranh giữa các loại hình vận tải hành khách, đặc biệt là sự “lên ngôi” của hàng không giá rẻ.
Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, ngành đường sắt không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh. Nhưng điểm lại cũng chỉ dừng ở đóng mới, cải tiến toa tàu… Còn về việc phục vụ ăn uống cho hành khách trên chặng hành trình kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ thì chưa thật sự có bước đột phá.
Hành khách chờ lên tàu tại ga Đà Nẵng |
Trong khi đó, ngành hàng không giá rẻ không ngừng phát triển với giá vé cạnh tranh đã “hút” một phần khách của ngành đường sắt. Những đối tượng hành khách bình dân có xu hướng chuyển sang sử dụng dịch vụ hàng không.
Có thể đưa ra so sánh đơn giản để thấy được sự cạnh tranh của ngành đường sắt với hàng không đang thua kém như thế nào.
Một vé tàu mềm điều hòa toa 4 giường từ TPHCM đi Hà Nội có giá gần 2 triệu đồng. Trong khi đó, với một vé máy bay giá rẻ có giá tương đương, hành khách chỉ mất 2 tiếng đồng hồ để có mặt tại Hà Nội thay vì ngồi tàu hỏa hàng chục tiếng.
Hành khách vừa mất thời gian mà việc ăn uống cũng không được thoải mái. Đồ ăn trên tàu không khiến hành khách hài lòng về cả chất lượng lẫn hình thức phục vụ.
Trước đây, ngành đường sắt cũng thực hiện việc đưa suất ăn lên tàu. Hành khách được phục vụ cơm (đưa vào giá vé) trên các chuyến tàu Bắc – Nam. Đồ ăn được nấu nướng tại xưởng chế biến, cơm được nấu trên tàu. Trước khi phục vụ, nhân viên sẽ làm nóng thức ăn và chia cơm, thức ăn vào các hộp nhựa cho hành khách.
Tuy nhiên sau đó, kế hoạch này đã thất bại do quá nhiều hành khách chê cơm không ngon mà vẫn bị ép ăn, trả tiền. Đến năm 2007, ngành đường sắt quyết định chuyển sang phục vụ cơm suất tự chọn, được nấu trên tàu.
Hàng quán phục vụ khách đi tàu tại ga Diêu Trì (Bình Định) |
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc đưa suất ăn hàng không lên tàu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đem đến dịch vụ tốt nhất cho hành khách. Trước mắt, ngành đường sắt sẽ thực hiện thí điểm trên một số đoàn tàu có hành trình phù hợp. Sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm từ phản hồi của hành khách. Nếu mô hình này thành công sẽ nhân rộng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Quốc Trung – Phó Tổng giám đốc Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn – cho biết hiện nay đơn vị đang thực hiện các công việc liên quan. Các phương án đang được xây dựng và bàn thảo.
Về vấn đề hành khách quan tâm nhất là suất ăn sẽ tính vào giá vé hay là tự chọn, ông Trung cho biết: “Phương án đang dở dang, khi nào thống nhất, hoàn chỉnh sẽ thông tin sớm nhất đến người dân và hành khách được biết”.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí