Đền ơn - Đáp nghĩa

Hồng Lĩnh: Cựu Thanh niên xung phong tri ân tình đồng đội

Vợ chồng cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Dư (72 tuổi) và Trần Thị Nhỏ (65 tuổi, ở tổ dân phố 4, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), không chỉ là điển hình thương binh làm kinh tế giỏi mà còn âm thầm góp công sức, tiền của cho công tác đền ơn đáp nghĩa, tận tình chia sẻ, giúp đỡ với những hoàn cảnh khó khăn…

Làm kinh tế giỏi

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Dư cho biết, ông sinh ra ở xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, còn bà Nhỏ sinh ra ở huyện Nghi Xuân. Năm 1968-1969 khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta của Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất, cũng như bao thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, ông Dư, bà Nhỏ xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 555-N55-P18 Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, ông bà đã cùng đồng đội vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, ngày đêm bám trụ, phá đá mở đường 15A đi ngã ba Đồng Lộc để đảm bảo an toàn cho các đoàn xe tiếp tế, vận chuyển lương thực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam ruột thịt. Hòa bình lập lại, ông Dư, bà Nhỏ cùng chuyển về công tác tại Công ty Xây dựng đường bộ số 1, sau đó mới tính chuyện xây dựng gia đình và sống hạnh phúc đến nay.

hatinh24h 01Vợ chồng cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Dư.

Năm 2003, khi về hưu, vợ chồng ông Dư quyết định vay mượn anh em, bạn bè, cầm cố tài sản vay vốn thành lập Xí nghiệp Khai thác đá và Xây dựng tư nhân Hồng Lam tại thị xã Hồng Lĩnh, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, rồi xin chính quyền cho thầu mỏ đá dưới chân núi Hồng Lĩnh cách nhà hơn 4km, bắt đầu gầy dựng cơ nghiệp. Chỉ sau 3 năm, sản phẩm đá xây dựng của xí nghiệp đã lan tỏa về tận các địa phương trong tỉnh, làm ăn có lãi, tạo được thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho con em của những đồng đội gặp hoàn cảnh khó khăn (có thời điểm gần 30 lao động) với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. Hàng năm xí nghiệp còn đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, được xếp là một trong những xí nghiệp điển hình tiên tiến làm ăn kinh tế có hiệu quả cao ở tỉnh Hà Tĩnh.

Xuất phát từ tâm

Mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng ông Dư, bà Nhỏ vẫn luôn tâm niệm, mình lập nên xí nghiệp này không chỉ để làm giàu cho bản thân, mà phải làm giàu bên tình yêu thương người nghèo khó, đùm bọc hơn nữa tình đồng đội, đồng chí sau thời bình. Vì thế, từ khi thành lập xí nghiệp đến nay, ông bà đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, lập quỹ xây dựng nhà tình nghĩa, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, tu bổ xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà giúp đỡ gia đình đồng đội khó khăn, tài trợ cho các tổ chức từ thiện nhân đạo trong và ngoài địa phương…

Ông Dư tâm sự: “Từ trước tới nay vợ chồng tôi làm những việc thiện hoàn toàn xuất phát từ cái tâm trong sáng, từ nghĩa tình đồng đội và mong mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu làm việc thiện để lấy thành tích, để mọi người biết đến mình thì chẳng còn ý nghĩa gì”.

Năm 2009, khi biết Hội cựu TNXP Hà Tĩnh chủ trương xây dựng miếu thờ ghi danh 23 liệt sĩ TNXP hy sinh năm 1972 tại đồi Con Công, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, ông Dư, bà Nhỏ đã tự nguyện gom góp hàng trăm triệu đồng và huy động công nhân, máy móc của xí nghiệp đến hỗ trợ công trình khởi công đúng ngày giỗ đồng đội (13-11-2010). Đặc biệt, từ khi khởi công cho đến hoàn thành công trình, vợ chồng ông Dư hầu như ngày nào cũng bám trụ làm việc cật lực tại công trường. Thậm chí, ông bà còn đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, tìm hiểu những công trình văn hóa lịch sử, sau đó về đề xuất với lãnh đạo Hội cựu TNXP Hà Tĩnh thiết kế, bổ sung cho miếu thờ hoàn thiện nhất về mỹ thuật.

Hiện nay, miếu thờ ghi danh 23 liệt sĩ TNXP tại đồi Con Công trị giá hơn 2 tỷ đồng đã hoàn thành và được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. “Đây là công trình văn hóa tâm linh, biểu hiện sâu nặng sự tri ân nghĩa tình đồng đội. Vì vậy, rất mong sớm được đưa công trình này vào liên kết cùng tuyến với hệ thống Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (đều do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trực tiếp quản lý, chăm sóc, bảo vệ), để xây dựng nơi đây ngày càng khang trang hơn, trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…”, ông Dư tâm sự.

DƯƠNG QUANG / SGGP

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP