Bảo vật
Sắc Xuân Nhâm Dần đang gõ cửa, đây cũng là lúc làng Ích Mỹ (xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chuẩn bị tổ chức lễ lớn, rước bảo vật vua ban cầu quốc thái dân an, dân làng no ấm. Con đường dẫn vào làng Ích Mỹ được bao phủ bởi lớp sương dày đặc. Tiếng chuông từ đền Nguyễn Văn Giai văng vẳng trong không gian làm cho khung cảnh ngày cuối năm trở nên huyền ảo. Dòng họ Nguyễn Văn, nơi đang lưu giữ 27 sắc phong vua ban xuyên 4 thế kỷ, họ xem đây như “bùa hộ mệnh” giúp dân vượt qua thiên tai, địch họa. Tất cả sắc phong đều được vua Lê phong tặng cho đại thần Nguyễn Văn Giai - người từng làm tể tướng 3 triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông), là bậc khai quốc công thần nổi tiếng chính trực, có công bình định nhà Mạc. Trên ngôi mộ của ông, vẫn còn khắc rõ đôi câu đối do vua Lê Kính Tông tặng trước lúc tạ thế: "Quốc thạch trụ tam triều danh tướng/ Địa giang sơn vạn cổ phúc thần".
Vốn là hậu duệ đời thứ 12, lại là người quản lý đền thờ Nguyễn Văn Giai, nên ông Nguyễn Văn Tân được tín nhiệm giao trọng trách lớn nhất là trông coi bảo vật của dòng họ. Xuân này ông bước sang tuổi 68, nhưng đã có thâm niên gần 30 năm kế nhiệm, giữ gìn sắc phong, trong đó có sắc phong lụa gấm được các nhà nghiên cứu đánh giá là dài nhất Việt Nam. Ông Tân cho hay, trước đây dòng họ có gần 100 sắc phong, nhưng trải qua thời gian dài, một số đã bị mục nát, hư hỏng, có sắc đã bị mất cắp, đến nay chỉ còn gần 30 đạo sắc. Cũng đã có kẻ xấu tìm cách tiếp cận người trong dòng tộc vì nghĩ có bản đồ tìm đến kho báu, nhưng thực tế chỉ là đồn đoán. Khi tôi ngỏ ý muốn xem sắc phong lụa gấm, ông Tân chần chừ, không phải ai cũng được xem, ngoài có sự nhất trí từ các bô lão trong dòng họ thì còn phải thắp hương xin phép tổ tiên. Vừa nói xong, ông Tân tiến lại bàn thờ, nơi đặt bằng công nhận đền thờ Nguyễn Văn Giai là Di tích lịch sử quốc gia, bên cạnh là bê tráp nhỏ bằng gỗ lim sơn son thếp vàng, thắp hương xin lễ.
Ít phút sau, người đàn ông nhẹ nhàng mang hộp gỗ chứa đựng bảo vật hàng trăm năm xuống đặt giữa nền nhà. Bàn tay thô ráp từ từ vuốt ve trên hộp gỗ lim: “Không chỉ là sắc phong mà hộp gỗ này cũng trên 300 năm tuổi. Trước đây dòng họ quy định bất cứ giá nào cũng không ai được mở hộp gỗ đựng sắc phong gấm ra”, ông Tân nhớ lại. Nhẹ nhàng lật từng mảnh vải phía ngoài, ông Tân đưa sắc phong từ ống nhựa tròn ra trải trên tấm lụa đỏ mềm mại giữa nhà. Dở từng cuộn sắc phong, ánh mắt ông Tân trở nên sáng rực nhưng không giấu được sự hồi hộp. “Dù đã nhiều lần mở sắc phong ra cho các nhà nghiên cứu tham quan tìm hiểu nhưng mỗi lần mở ra vẫn lo sợ. Phải lật từ từ, nhẹ nhàng vì lỡ tay là sắc gấm sẽ bị trầy xước hoặc rách. Đây là báu vật của dòng họ, là linh hồn của làng, mình không thể thờ ơ được. Trước đây, chỉ biết là bên trong đựng sắc phong, còn nội dung, hình dạng như thế nào không ai biết”, ông Tân nói. Sau chừng 10 phút, ông Tân mới trải được hết tấm sắc phong ra giữa gian nhà. Trên sắc có 318 chữ Hán được viết lên lụa, nét chữ mềm mại, bố cục theo 63 hàng dọc, 5 hàng ngang, có độ dài 4,5m, rộng 0,5m. Trong nội dung đạo sắc phong công ông Nguyễn Văn Giai, vị quan đại thần của triều Lê giai đoạn cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Không hoa văn, dù niên hiệu đã bị rách, nhưng với nét chữ Hán thanh mảnh nổi bật trên màu vàng óng của lụa gấm khiến sắc phong trở nên linh thiêng, huyền bí.
Cận cảnh sắc phong lụa gấm dài nhất Việt Nam |
Linh hồn của làng
Vừa cẩn thận đưa bảo vật ra, ông Tân vừa kể chuyện về sắc phong lụa gấm. Những chi tiết mê hoặc tồn tại cả trăm năm vẫn mờ ảo như sương sớm ngày Đông. Theo lời ông Tân, sắc phong bằng lụa gấm được xem là bảo vật vô giá của dòng họ nên ít người được trực tiếp chiêm ngưỡng. Có những cụ già 80-90 tuổi cũng chưa từng được tận mắt chứng kiến. Bởi lẽ, từ khi sinh ra, con cháu dòng họ Nguyễn Văn đều được các cụ dặn dò không được phép mở hộp gỗ đựng sắc phong ra, nếu không sẽ mắc tội. Chính vì thế, trải qua bao nhiêu đời người, dòng họ Nguyễn Văn vẫn lưu giữ chiếc hộp gỗ mà không ai dám làm trái quy định của dòng họ. Nhiều người nghĩ tổ tiên ra điều lệ như vậy là muốn con cháu gìn giữ sắc phong, tránh mở ra gấp vào nhiều lần sẽ hỏng mất. Cũng có người cho rằng trong sắc phong ẩn chứa một bí mật gì đó nên không muốn bị đánh cắp. Mãi đến năm 1995 khi đền thờ danh thần Nguyễn Văn Giai được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, bí mật trong hộp gỗ hàng trăm năm tuổi mới được hé lộ.
Ông Tân -người lưu giữ sắc phong lụa gấm được đánh giá là dài nhất Việt Nam |
“Ngày quyết định mở hộp đựng sắc phong cho đoàn cán bộ văn hóa nghiên cứu, tất cả người trong dòng họ đều có mặt. Hôm đó được xem là lễ lớn nhất trong những năm qua, nghi thức lễ được thực hiện bài bản. Sau khi hoàn tất các thủ tục, những vị cao niên trong dòng họ bàn bạc và bắt đầu hạ hộp đựng bảo vật để dòng họ, người làng cùng chiêm ngưỡng. Lúc đó ai cũng hồi hộp và tò mò, khi tận mắt thấy, mọi người đều bất ngờ về độ dài của sắc phong”, ông Tân nhớ lại. Đến năm 2009, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Di sản Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Bảo tàng Hà Tĩnh nhận định, đây là sắc phong bằng gấm dài nhất Việt Nam. Mặc dù phần ghi niên hiệu của đạo sắc nằm ở cuối khổ vải đã bị rách, chỉ còn nửa phần ấn dấu của nhà vua nhưng các nhà nghiên cứu xác định đạo sắc này có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông.
Hàng năm, dịp 14 tháng Giêng, con cháu dòng họ Nguyễn Văn và làng Ích Mỹ đều tổ chức rước sắc phong. Lễ rước thực hiện bằng 2 kiệu, người khiêng là những thanh niên trai tráng trong làng, kiệu dẫn đoàn là đựng sắc phong, tiếp theo là bằng công nhận di tích lịch sử đi từ đền thờ dòng họ ra mộ ngài tể tướng và cuối cùng đặt tại đền thờ Nguyễn Văn Giai. Ngày rước lễ, người trong dòng họ, dân làng mặc trên người bộ quần áo đẹp nhất để theo kiệu đi cầu phúc đầu năm mới. |
Ông Tân tâm sự, qua bao thế hệ con cháu dòng họ vẫn gìn giữ sắc phong, nhưng nói về am hiểu chữ Hán để nghiên cứu bài bản về giá trị các tài liệu thì chưa đủ trình độ. Vì thế, khi các sắc phong được số hóa để nghiên cứu, người trong dòng họ rất vui mừng vì giá trị của văn hóa dòng họ, của làng Ích Mỹ cũng từ đây được nhân lên. Hướng ra nhà thờ tể tướng Nguyễn Văn Giai, ánh mắt ông Tân lộ rõ lo lắng: “Qua thời gian dài một số sắc phong đã bị hư hỏng, mục nát. Bảo vật chỉ lưu giữ trong nhà, không có biện pháp bảo vệ tốt hơn nên cũng rất lo thời gian nữa sẽ bị mục nát”. Gần 30 năm trông coi bảo vật dòng họ với ông Tân đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, bởi người trông giữ sắc phong phải là tộc trưởng trong dòng tộc, am hiểu văn chương, lịch sử, nghi thức tế tự, đặc biệt phải được “thần linh” ứng chọn.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Tiền phong