Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Xập xệ Tỉnh lộ ĐT.553

Tỉnh lộ ĐT.553 chạy qua xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang xuống cấp thê thảm. Dù được gọi là tỉnh lộ, nhưng gần 10km đường chạy qua địa phận xã Lộc Yên chẳng khác đường... làng của những năm 90 trở về trước. Đường được tạo nên bởi bùn đất và lởm chởm đá cuội phong hóa…

Người dân hai bên tuyến phải tưới nước thường xuyên để đối phó với gió bụi


Da ngõ thôn, hồn tỉnh lộ

Tỉnh lộ 553 (ĐT553) là đường Tỉnh 17 cũ, có điểm đầu từ xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Km0+00 Giao đường tránh QL1) đến điểm cuối là Mốc N9 (Km74+680) với tổng chiều dài 74,68 km. Trong đó, từ Thạch Lâm (Km0+00) - Trạm Bù (Km6+500), dài 6,50 km đã hoàn thành bê tông nhựa; từ Trạm Bù (Km6+500) - Cầu Lộc Yên (Km45+00), dài 38,50 km vẫn chưa thông tuyến; từ Cầu Lộc Yên (Km45+00) - Mốc N9 (Km74+680) dài 29,68 km đã hoàn thành láng nhựa.

Chúng tôi đến xã Lộc Yên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vào những ngày trung tuần tháng Tư. Dưới tiết trời hừng hực bị hun nóng bởi nắng và gió Lào, Tỉnh lộ 553 trong ghi nhận đầu tiên là bụi. Bụi tấp thành từng lớp nhuốm nhà cửa và cây cối dọc hai bên đường một màu vàng đục, sền sệt. Được gọi là tỉnh lộ, nhưng quy mô đoạn đường gần 10km này không khác gì những tuyến đường làng được tạo nên bởi đất và đá cuội hình thành từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ 20 ở các xã miền núi huyện Hương Khê.

Gió và thời gian bào mòn mặt đường tạo thành những chiếc “bẫy” đá dăm

Theo ghi nhận, Tỉnh lộ 553 đoạn qua xã Lộc Yên có chiều dài khoảng gần 10km, bắt đầu từ cầu Lộc Yên và kết thúc ở đập Khe Táy (Sông Tiêm); đường rộng 3,5m, có đoạn hẹp hơn, mặt đường hiện đang cấp phối đất đồi và đá cuội. Trong con mắt của người dân địa phương, Tỉnh lộ 553 như tấm lưng trần của kẻ hành khất gầy gò đã bị gió và thời bào mòn, chỉ còn trơ lại lớp đá lởm chởm.

Ông Nam (60 tuổi), người dân sống bên Tỉnh lộ 553 trăn trở: đoạn đường gần 10km này vốn là tuyến giao thông chính của xã Lộc Yên (Hương Khê). Hằng ngày, chúng tôi buộc phải lưu thông trên tuyến đường này. Mưa thì nhão nhoẹt bùn lầy, nắng thì bụi tung mù mịt, khổ nhất là khi có xe tải chạy qua cuốn theo bụi đất đỏ bay vào nhà.

Cụ cố Tâm (93 tuổi, xã Lộc Yên), miệng móm mém nhai trầu, tay chống gậy lom khom ra nói: “Trước khi về với tổ tiên, cụ chỉ mong con đường trước ngõ (Tỉnh lộ 553) có bê tông, ra đường không cần đi dép và vào nhà không lo chân dính đất”.

Trăn trở của chính quyền địa phương

Mang tâm sự của người dân sống hai bên tuyến đường trao đổi với ông Trần Đình Lâm, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) được biết: Tỉnh lộ 553 đoạn qua xã Lộc Yên khoảng 10km, chạy qua 6 thôn, tuyến này từ khi hình thành cho đến nay vẫn là đường đất. Mỗi năm, địa phương chi hàng trăm triệu đồng để tu sửa, bảo dưỡng để bà con thuận tiện hơn trong việc đi lại, nhưng chỉ qua vài trận mưa là nước cuốn trôi và hỏng hết.

Ông Lâm, cùng một số cán bộ UBND xã Lộc Yên dẫn chúng tôi thực tế sơ bộ một vòng đoạn Tỉnh lộ 553: “Ngoài bụi đất bởi nắng và gió, sình lầy hình thành từ những trận mưa, những lớp đá dăm lởm chởm ở một số đoạn do bề mặt cấp phối bị bào mòn theo thời gian cũng là mối đe dọa cho các phương tiện giao thông khi chạy qua đây như xe con, xe tải. Lớp đá dăm lởm chởm sắc lẹm này sẵn sàng cắt đứt lốp xe nếu tài xế không cẩn thận” - ông Lâm nói.

Vị lãnh đạo Đảng ủy xã Lộc Yên trăn trở: “Thương nhất là các cháu học sinh, nhẩm tính, có hơn 500 em học sinh 3 cấp học hằng ngày buộc phải đi qua tuyến tỉnh lộ này để đến trường. Mưa, các em lấm lem bùn đất, nắng, bụi nhuộm áo trắng thành áo vàng. Trời mưa, các em buộc phải bỏ xe đi bộ hàng cây số để đi học. Thương lắm, nhưng nguồn lực địa phương có hạn, chú ạ!”

Địa phương rất muốn xây dựng, cấp phối bê tông nhựa cho gần 10km tuyến Tỉnh lộ 553 đoạn chạy qua xã Lộc Yên, huyện Hương Khê với cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng và vật liệu xây dựng và người dân góp công. Nhưng, tuyến tỉnh lộ này vốn thuộc chức năng quản lý của Sở GTVT Hà Tĩnh, nếu địa phương xây dựng, do nguồn lực không mạnh nên quy mô của tuyến sẽ không đảm bảo. Quan trọng nhất là sẽ gây sự lãng phí trong xây dựng cơ bản, bởi đây là tuyến đường tỉnh, sau vài năm dự án về, buộc phải phá tuyến để xây dựng lại theo quy mô của tuyến tỉnh lộ. Đó là tâm sự của lãnh đạo UBND huyện Hương Khê.

Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, hoàn thành được mặt đường bê tông dài gần 10km là một trong những tâm tư, nguyện vọng lớn nhất của cán bộ và nhân dân địa phương trong nhiều năm qua. Bởi theo ông, ngoài hơn 1.000 người dân và hàng trăm em học sinh các cấp học hằng ngày phải chịu ảnh hưởng bởi tuyến đường, việc phát triển văn hóa xã hội, kinh tế thị trường của địa phương cũng quan trọng không kém.

“Lộc Yên là xã miền núi, sự phát triển dựa trên kinh tế trang trại, trồng và chăm sóc rừng, Lộc Yên cũng là địa phương có nhiều đặc sản như bưởi, cam, mít... Việc vận chuyển hàng hóa, giao thương nhiều năm qua gặp rất nhiều khó khăn, trở trở ngại khi tuyến đường chính ở xã này không thể lưu thông được” - ông Huấn nói.

Nếu có dự án về, cán bộ và người dân xã Lộc Yên sẽ hỗ trợ hết sức mình, dân sẵn sàng hiến đất để giải phóng mặt bằng. Chỉ mong có một tuyến đường tử tế phục phụ nhu cầu đi lại thiết yếu cho họ. Đó là tâm nguyện chung của hàng nghìn người dân xã Lộc Yên và lãnh đạo xã, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Tác giả: Lê Mỹ

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP