Đền thờ Bình Ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên. Ảnh: internet
Tuy nhiên, Bộ VHTTDL lưu ý một số vấn đề sau: Nội dung dự án đề cập đến việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục gốc của di tích, do đó, theo quy định tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, Hồ sơ cần lập thành Dự án tu bổ, tôn tạo di tích, nội dung Dự án thực hiện theo điều 19 của Nghị định này và các Điều 17, 18, 19, 20, 21 của Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Theo đó, Hồ sơ Dự án cần bổ sung và làm rõ các nội dung: Báo cáo khảo sát hiện trạng (tổng thể di tích và từng hạng mục công trình); ảnh chụp hiện trạng; bản vẽ hiện trạng và bản vẽ phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thuyết minh (phương án tu bổ, phục hồi, xây mới, các giải pháp kỹ thuật, vật liệu và phương án thiết kế hạ tầng kỹ thuật, phòng chống mối mọt, phòng chống cháy…).
Giữ nguyên cấu trúc gỗ của công trình, vật liệu thay thế cần có cùng chủng loại với vật liệu gốc, các trang trí bằng vữa, đá được tu bổ, phục hồi trên cơ sở hiện trạng hiện còn tại di tích và tham khảo một số công trình tương tự khác ở địa phương để làm mẫu thiết kế; Không lát, ốp bệ thờ bằng đá granit tự nhiên, sơn giả gỗ cột và mái; Việc phục hồi sơn trong và ngoài nhà Thượng điện cần dựa trên các cơ sở khoa học; Bổ sung kích thước trong các bản vẽ; Lưu ý văn phong và sử dụng từ ngữ trong Hồ sơ.
Bộ VHTTDL có ý kiến để UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai lập Dự án tu bổ di tích đền thờ Nguyễn Biên trên cơ sở điều chỉnh Báo cáo kinh tế – kỹ thuật theo nội dung góp ý nêu trên để Bộ xem xét, thỏa thuận theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên ở làng Cát Thiên hay làng Hầu Thượng, tổng Vân Tán nay là xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên. Đền Nguyễn Biên ban đầu cũng chỉ là 1 miếu nhỏ, về sau được nhân dân cả tổng Vân Tán góp công của xây dựng to lớn với 3 toà lộng lẫy, tương truyền mộ ông được chôn ở phía sau đền. Ngày 12/8 âm lịch là ngày lễ tế của đền. Kiến trúc đền thờ hiện nay gồm có cổng tam quan đã bị xuống cấp, 2 toà hạ và thượng điện cấu trúc theo kiểu chữ Nhị (=), ngoảnh hướng nam. Các đồ thờ tự trong đền chủ yếu mới được bổ sung trong những năm gần đây. Trong đền có nhiều câu đối ca ngợi thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Biên./.