Tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá, Hữu chọn cho mình một hướng đi mạo hiểm, vay mượn gần 2 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi gà.
Trước khi quyết định mở trang trại, Hữu xin làm thêm tại một cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, vừa để kiếm thêm thu nhập vừa có điều kiện tiếp cận nhiều chủ trang trại, nhiều mô hình chăn nuôi tích lũy kinh nghiệm. Sau gần 2 năm học hỏi, Hữu bắt đầu ấp ủ, rồi chọn cho mình hướng đi – nuôi gà trắng theo mô hình khép kín hiện đại. Hữu khẳng định: “Chăn nuôi gà trắng rất hiệu quả, thời gian chăm sóc ngắn nên giảm bớt được nhiều rủi ro, và chi phí”.
Anh Nguyễn Quý Hưởng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Đức Thọ cho biết, anh Hữu là một thanh niên giàu nghị lực, dám nghĩ dám làm. Mô hình nuôi gà của anh Hữu rất hiệu quả, cho thu nhập cao, mở ra một hướng đi mới cho thanh niên trong vùng làm kinh tế.
Để yên tâm hơn, Hữu học thêm một khóa học ở trang trại chăn nuôi loại gà này và một khóa học khác do Cty JAPFA Việt Nam tổ chức. Được Cty này hỗ trợ vốn và kĩ thuật chăn nuôi gà trắng, Hữu mạnh dạn mua lại 600m2 đất, xây dựng trang trại, mua thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh, chính thức theo đuổi mô hình nuôi gà trắng khép kín.
Để tiết kiệm chi phí, Hữu và gia đình làm việc cật lực không kể ngày đêm, lấy công bù vốn, vất vả cả năm trời mới xây được một trang trại quy mô, đạt tiêu chuẩn. Năm 2012, anh bắt đầu thả lứa gà trắng đầu tiên với quy mô 7.000 con. Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ về kiến thức lẫn thiết bị chăn nuôi nhưng Hữu vẫn vấp phải những thất bại đau đớn. Do thường xuyên bị mất điện bất ngờ, lứa gà đầu tiên không đủ ấm nên cứ chết dần, chết mòn, đến khi xuất chuồng chỉ còn lại 4.000 con. Lỗ nặng nhưng Hữu vẫn quyết tâm theo đuổi con gà trắng. Cải tạo được hệ thống điện sưởi ấm thì lứa thứ hai Hữu lại gặp những rắc rối về thức ăn và nguồn nước. Gà nuôi mãi không lớn, xù lông, kéo dài thời gian nuôi nên rất tốn kém chi phí. Đến khi gà có thể xuất chuồng thì lại rớt giá thảm hại. Được sự động viên của vợ và gia đình Hữu vực dậy, lấy thất bại làm kinh nghiệm.
Hữu tìm đến kĩ sư trong ngành của Cty học hỏi, tìm hiểu thêm kiến thức chăn nuôi loại gà này. Tự tin về kiến thức nhưng lại thiếu kinh nghiệm, Hữu tiếp tục tìm đến những chủ trang trại giàu kinh nghiệm chăn nuôi gà, xin được làm việc không công để học hỏi. Từ đây, anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm chăn nuôi gà quý giá, giải đáp được nguyên nhân thất bại của mình là do khâu vệ sinh chuồng trại chưa tốt, chuồng chưa đủ ấm. Rồi Hữu mượn thêm vốn làm thêm lò sưởi bằng than củi và mua hai máy nổ đề phòng lúc mất điện để bổ sung nguồn nhiệt.
Khắc phục xong, Hữu tự tin lấy hơn 10.000 gà về nuôi. Lần này, Hữu cẩn thận hơn. Hữu không ngủ ở nhà mà mắc võng tại chuồng để quan sát biểu hiện của gà từng ngày.
Gà đẻ trứng vàng
Anh Hữu là người đầu tiên ở Hà Tĩnh áp dụng mô hình chăn nuôi gà trắng khép kín hiện đại. Trang trại gà của anh từ khâu chọn giống đến khâu thu mua đều do Cty JAPFA Việt Nam chịu trách nhiệm nên rất ổn định về đầu ra của sản phẩm.
Trang trại của anh áp dụng hệ thống sưởi ấm tự động từ nguồn điện và than củi nên độ ấm luôn được điều hòa ổn định, không chịu tác động của khí hậu bên ngoài. Hệ thống thông gió, lọc gió giúp môi trường chuồng trại luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.
Hiện tại trang trại gà của anh nuôi 10.000 con/lứa. Một năm anh nuôi được 5 lứa, cứ 45 ngày cho xuất bán với trọng lượng hơn 3 kg/con. Trừ tất cả chi phí mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 600 – 700 triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động với thu nhập cao. Từ chỗ nợ nần, anh Hữu trở thành một tỷ phú trẻ với cơ ngơi khang trang, thu nhập ổn định. “Để nuôi thành công giống gà này, mình phải mất đến 4 năm vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm vừa xây dựng chuồng trại đúng kĩ thuật. Thực ra nuôi gà này không khó, quan trọng mình phải trang bị những dụng cụ, kiến thức cần thiết và chăm sóc kĩ lưỡng”, anh Hữu khẳng định.
Bước qua tuổi 28, Dương Thúc Hữu đã là chủ sở hữu của trang trại gà lớn nhất huyện Đức Thọ, cho thu nhập mỗi năm hơn 1,5 tỷ đồng, xứng đáng là tấm gương sáng đáng để nhiều thanh niên học tập.
Quang Hải – Minh Thùy