Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: Tranh nhau chỗ cúng ở chùa thiêng

Ở Hà Tĩnh, chùa Hương Tích (huyện Can Lộc) được xem là ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất. Vì lẽ đó, ngay từ đầu năm, lượng người đổ về đây lễ bái đã rất đông đúc. Ngay từ đêm Giao thừa, nhà chùa đã mở cửa cho người dân địa phương đến lễ. Bắt đầu từ sáng mùng 1 Tết, khách phương xa cũng đã tìm về đây để làm các nghi thức cầu an, giải hạn.

Hà Tĩnh: Tranh nhau chỗ cúng ở chùa thiêng 1

Đua nhau thoa đầu tượng hổ ở chùa Hương Tích, Hà Tĩnh.

Không giống những ngôi chùa ở miền Bắc, lễ cầu an, giải hạn ở chùa Hương Tích không tổ chức tập trung và kéo dài mà chỉ diễn ra một vài lần. Hòa thượng Thích Quảng Nguyên (sư Lâm) trụ trì chùa Hương Tích cho biết, sở dĩ nhà chùa không làm lễ cầu an, dâng sao, giải hạn tập trung vì muốn nhường không gian chật hẹp của chùa cho các phật tử đảnh lễ chư Phật. Phong tục này đã được duy trì từ nhiều năm nay
.
Mặc dù nhà chùa không đứng ra làm lễ cầu an, dâng sao, giải hạn nhưng trong chùa lại có một đội ngũ khoảng 20 thầy chuyên đi khấn thuê, có mặt ở khắp các ban thờ trong khuôn viên chùa để sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của “Thượng đế”. Trong số các thầy, có cả những người chỉ học lỏm được đôi ba bài cúng cũng bước vào hành nghề.
Theo tìm hiểu, các thầy muốn “tác nghiệp” tại đây đều phải đăng kí trước với ban quản lý khu di tích. Đổi lại, các thầy lại được tự do “thu phí” sau mỗi khóa lễ. Chính vì đó mà mức phí “khấn thuê, lễ hộ” cũng bát nháo, loạn xạ.

Bà Ngô Thị Phương (52 tuổi) đến từ TP Vinh (Nghệ An) cho biết, bà cùng 4 hộ gia đình trong tổ 8, phường Trường Thi đã 4 năm nay, năm nào cũng tìm về chùa Hương Tích để cầu an, dâng sao, giải hạn cho các thành viên trong đại gia đình. Vì nhà chùa không tổ chức lễ nên đoàn của bà phải nhờ các thầy ở đây lễ hộ. Các thầy chỉ việc khấn và đọc sớ còn toàn bộ lễ vật đoàn phải tự sắm. Phí cho mỗi lần lễ như thế, có thầy lấy 300.000 đồng, có thầy thu 500.000 đồng nhưng cũng có thầy đòi tiền triệu.

Điều đáng nói là vì khuôn viên điện Tam Bảo của chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) rất nhỏ nên thường xuyên xảy ra tình trạng tranh giành cúng khấn giữa các thầy. Thậm chí, vì không đủ chỗ, các thầy “trưng dụng” luôn cả nhà thờ tổ, điện thánh mẫu, am Phật bà, nhà bia… để làm lễ cầu an, giải hạn khiến ngôi chùa mất đi sự tôn linh đáng có.
Thêm vào đó, việc cầu cúng được thực hiện sơ sài, đưa vàng mã vào ban thờ Phật, đốt hương quá nhiều, chờ đợi nhau để được lễ ở ban thờ Tam Bảo… càng khiến không gian ngôi cổ tự này trở nên ngột ngạt.

Hà Tùng Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP