Bánh kẹo Trung Quốc không rõ ngày sản xuất
Dạo một vòng qua các cổng trường tiểu học, trung học trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ dễ nhìn thấy các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần được bày bán nhan nhản.
Các quầy hàng tạp hóa mọc lên dày đặc trước các cổng trường. Phần lớn những mặt hàng ở đây chủ yếu là bánh kẹo, đồ chơi…Những sâu kẹo hồ lô, kẹo sao xanh ,đỏ rồi đến bim bim hay thịt hổ khô.. ghi toàn chữ Trung Quốc được bày bán rất nhiều.
Dừng chân tại cổng trường Trung học cơ sở Đặng Dung (Tùng Lộc-Can Lộc) chúng tôi được “tận mục sở thị” các loại bánh kẹo này. Khi có tín hiệu ra chơi hàng chục học sinh ùa ra vây kín các hàng bánh kẹo hay thịt hổ .. là những món ăn thu hút các “thực khách nhí”.
Để hiểu rõ hơn tôi cũng tiến vào hỏi mua, vừa thấy tôi bà chủ quán đã đon đã “mua gì đấy em” khi tôi chưa kịp trả lời thì bà lại vui vẻ “mua thịt hổ khô phải không?”. Với tay lấy gói kẹo bà không quên quảng cáo “loại này bán chạy lắm em à. Hàng chị mới lấy về, có đủ loại, mùi vị ngon lắm! Chỉ có 3 ngàn đồng/gói nên bọn học sinh mua nhiều lắm đấy”
Cầm gói thịt hổ khô trên tay ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi hàng chữ in bằng chữ Trung Quốc đã nhòe nhoẹt, màu sắc vô cùng bắt tôi thử bóc ra xem, mỡ đã ngấm ướt cả ra bên ngoài bao bì. Bên trong có từng miếng nhỏ xếp dính vào nhau, được tẩm bằng một loại phẩm màu gì đó mà khi đưa lên mũi ngửi thì có mùi thơm thơm, hăng hăng giống mùi ngủ vị hương. Tuy nhiên sau một lúc lại có mùi hôi nồng khó chịu thậm chí khi ăn mới đầu có vị ngọt, cay, nhai kĩ thì đắng và dai như lớp xốp người ta dùng để lót hàng dễ vỡ không tài nào nuốt nổi. Một điều đáng nói ở đây là sau xong khi ăn thì phẩm màu bám vào lưỡi một lớp hơi vàng vàng và nó để lại mùi rất lâu. 5 phút ra chơi từng nhóm học sinh chen lấn nhau mua kẹo làm cho không khí trong quán tạp hóa trở nên nhộn nhịp, ở một góc nhỏ một nhóm học sinh đang chia nhau những miếng thịt hổ vừa đi miệng vừa nhai nhồm nhoàm cho kịp giờ vào lớp.
Các mặt hàng thịt bò khô, thịt hổ được bày bán trước cổng trường
Không chỉ riêng khu vực trường học mà hầu hết tất cả các quầy tạp hóa trong các xóm khắp toàn xã chỗ nào cũng không vắng bóng các loại thức ăn rất được ưa chuộng này.
Kẹo Trung Quốc “3 không”
Không nguồn gốc, không thành phần, không chất lượng đó là những gì dễ nhận thấy từ những món quà vặt này. Chỉ cần bỏ ra 2-3 nghìn đồng, bất cứ học sinh nào cũng có thể mua được một gói thịt hổ khô với đủ chủng loại, màu sắc.
Bản thân các chủ quán cũng không thể khẳng định được đây là loại thịt gì. Khi được hỏi về nguồn gốc của những loại kẹo này họ chỉ lắc đầu và cho biết “Hàng chị lấy từ các đại lý lớn, lấy về rồi mang bán với lại buôn bán nhỏ lẻ thì mấy ai quán tâm tới nguồn gốc xuất xứ, thấy bán chạy thì lấy về bán thôi!
Đảo mắt một lượt qua quẩy tạp hóa chưa tới 15m2 nhưng bày la liệt các loại kẹo bánh và không chỉ riêng thịt hổ mà các loại sản phẩm khác như xúc xích hay cá viên chiên…ở đây đều có nguồn gốc xuất xứ hay bao bì đều in chữ Trung Quốc.
Được chị chủ quán giới thiệu là “hàng mới về” nhưng lạ thay tôi không thể tìm thấy thông tin gì trên lớp bao bì đã dính đầy lớp mỡ. Họa chăng nếu có ghi thì ngày sản xuất (được in trên bao bì là NSX) chỉ ghi là từ tháng 1 đến tháng 12 nhưng không ghi cụ thể là năm nào còn hạn sử dụng (HSD) thì hoàn toàn trống.
Thiết nghĩ, đây là một địa điểm tập trung của 3 ngôi trường mần non, tiểu học và trung học của toàn xã , nơi mà hàng ngày có hàng trăm em học sinh của 3 trường học tập. Liệu cấp ủy chính quyền xã có hề hay biết?. Nhà trường, gia đình có tuyên truyền, hướng dẫn gì cho các em hay không? Các ngành chức năng có kiểm tra xử lý. Tại sao những mặt hàng không nguồn gốc, không xuất xứ, không chỉ dẫn tiếng việt lại ngang nhiên bầy bán với giá rẻ như vậy. Như vậy, vô tình họ đã và đang tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ tiêu thụ cho con em các dân tộc mình. Vì ham lợi trước mắt, đánh vào tâm lý các em học sinh xã khó khăn thích mua quà rẻ tiền mà tiểu thương đã bày bán ngay trước cổng trường. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao.
Mặc dù chưa có tình trạng ngộ độc thực phẩm nào xảy ra nhưng trước những nguy cơ đó gia đình và nhà trường cần có biện pháp khắc phục, nên trang bị cho các em kiến thức để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Nguyễn Thị Chắt, Lớp Báo chí k35A, Trường ĐHKH Huế