Được thành lập năm 1996, hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh là sợi dây kết nối những người con xa quê, hướng về quê hương, khơi dậy truyền thống đoàn kết, thân ái, nghĩa tình của người Hà Tĩnh.
Với rất nhiều hội viên thành đạt trên nhiều lĩnh vực, những năm qua, Hội đồng hương Hà Tĩnh không chỉ khẳng định được sự đóng góp to lớn của mình đối với sự nghiệp chung của đất nước mà còn xây dựng thành công nhiều chương trình hướng về quê hương. Ngoài những hoạt động có tính chất thường niên như khuyến học, đền ơn đáp nghĩa thì trong những năm Hà Tĩnh gặp thiên tai, hội cũng đã quyên góp và kêu gọi hỗ trợ được nhiều tỷ đồng chia sẻ với người dân trong hoạn nạn.
Đặc biệt, truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương luôn in đậm dấu ấn trong những người con, trở thành niềm tự hào và động lực thôi thúc hành động, trong đó Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại đã trở thành mối quan tâm thường xuyên của hội. Năm 2006, tại TP Hồ Chí Minh, hội đã mời các nhân chứng lịch sử chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc vào tham gia chương trình giao lưu “Như những thiên thần” nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tiếp đó, năm 2008, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đồng Lộc, hội đã phối hợp với Báo Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “10 bông hoa trinh liệt” thu hút được sự tham gia của 84 tác phẩm và sự quan tâm theo dõi của đông đảo công chúng. Trong đó, nhà thơ Hồng Ánh (Báo Công an TP Hồ Chí Minh) – người con quê hương Lộc Hà là một trong những cá nhân tích cực nhất. Không chỉ tham gia ý tưởng xây dựng và thiết kế chương trình 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, chị Hồng Ánh còn thành lập quỹ từ thiện mang tên Ngã ba Đồng Lộc nhằm mục đích đền ơn, đáp nghĩa các anh hùng, liệt sỹ trên toàn quốc đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao Bằng khen cho BCH các Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh nhân buổi gặp mặt đầu xuân Quý Tỵ
Cùng với việc tích cực tham gia phong trào chung, rất nhiều người con Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh còn giúp đỡ quê hương bằng trí tuệ và sức lực. Trong dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, tuyển tập thơ “Đường về Hà Tĩnh” do tác giả Hồng Oanh (quê Thạch Hải – Thạch Hà) biên soạn dày 2.000 trang đã chứng tỏ tấm lòng của người con quê hương. Trước đó, những chương trình ân nghĩa như dự án chăn nuôi bò sữa Hương Sơn do anh Trần Minh Văn – Giám đốc điều hành Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk tài trợ hay nghề may bóng do anh Trần Đình Mai (quê ở xã Thạch Hải, Thạch Hà) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao Gherustar mang về cho bà con xã Thạch Hải và xã Đức Giang (Vũ Quang) nguồn thu nhập ổn định… Những nghĩa cử cao cả ấy đã chứng minh rằng dù sinh sống và lập nghiệp ở đâu, truyền thống nhân ái, trọn vẹn của người Hà Tĩnh cũng luôn được phát huy.
Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP HCM tặng học bổng cho sinh viên nghèo Hà Tĩnh và tặng quỹ Khuyến học đất Hồng Lam
Hiện nay, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh đang duy trì các quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, hàng năm thu được hàng trăm triệu đồng ủng hộ quê hương. Ngoài ra, Hội cũng mới thành lập quỹ hỗ trợ con em Hà Tĩnh đang học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. BCH các chi hội cũng rất tích cực hoạt động hướng về quê hương. Trong năm 2012 vừa qua, BCH Hội đồng hương Thạch Hà đã quyên góp giúp đỡ quê hương xây dựng 1 trạm xá trị giá 4,5 tỷ đồng, xóa 35 nhà tre dột nát và xây dựng đường liên thôn trị giá gần 1,2 tỷ đồng. BCH Hội đồng hương Nghi Xuân đã kêu gọi con em thực hiện chương trình trồng 3 ngàn cây cảnh dọc các tuyến đường giao thông chính của huyện, mua 40 tấn gạo về quê cấp cho các hộ nghèo kỳ giáp hạt, thực hiện chương trình cấp 10 con bò giống cho hộ nghèo. BCH Hội đồng hương huyện Cẩm Xuyên cũng đã vận động ủng hộ xây dựng Trung tâm Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, dioxin của tỉnh tại Cẩm Xuyên 2,2 tỷ đồng, xây nhà tình nghĩa và ủng hộ các tổ chức xã hội của huyện hơn 100 triệu đồng…
Hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực là nghĩa cử cao cả của những tấm lòng xa quê. Thông qua những hoạt động đó, truyền thống quê hương Hà Tĩnh anh hùng mà nhân ái càng thêm tỏa sáng và được truyền lại cho đời sau, để câu hát “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh” luôn vang lên cháy bỏng mà da diết trong tâm hồn những đứa con xa quê, luôn ấm áp trong trái tim những người dân bản xứ…
Tuệ Mẫn
Báo Hà Tĩnh