Chỉ trong thời gian ngắn, Hà Tĩnh đã có bước chuyển mình chóng mặt về kinh tế. Năm 2014, ngân sách của địa phương này đã đạt 12.000 tỷ, gấp đôi Nghệ An và dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Sự tăng trưởng thần tốc đang khiến mảnh đất vốn nghèo khó thay đổi từng ngày.
-
Hà Tĩnh: Vùng đất đặc biệt từng được coi là ‘điểm nóng’
-
Cuộc di dời không tưởng ở ‘công xưởng’ Vũng Áng
-
Hà Tĩnh: Kí ức nghèo đói của lão ăn xin bên siêu Dự án tỷ đô
Động lực từ nguồn vốn FDI
Trước khi bàn về sự thay đổi chóng mặt của tỉnh nghèo Hà Tĩnh, xin được kể lại một câu chuyện nhỏ từ tháng giêng 2013. Thời điểm đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh có buổi tiếp đoàn công tác Bộ GTVT vào ‘xông đất’ dự án nâng cấp mở rộng QL1A, tổ chức tại TP. Vinh.
Trong buổi làm việc, ông Võ Kim Cự khi ấy đang là chủ tịch tỉnh nhấn mạnh địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tốt nhất nhà đầu tư.
Toàn cảnh ‘đại công xưởng’ Formosa tại Vũng Áng. Đại dự án này là động lực phát triển kinh tế của Hà Tĩnh trong những năm qua, thể hiện rõ nhất hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI của địa phương này. |
Đặc biệt, ông Cự nói vui rằng, trước giờ lãnh đạo địa phương chỉ nhìn sang bên kia cầu Bến Thủy (chỉ Nghệ An), là thở dài và trăn trở phải tìm mọi cách để thu hút được nguồn vốn đầu tư về địa phương!
Thời điểm đó có lẽ không ai nghĩ rằng, chỉ vài ba năm sau, Hà Tĩnh đã vượt lên không chỉ Nghệ An mà toàn vùng Bắc Trung Bộ về tăng trưởng kinh tế. Dòng vốn đầu tư rất lớn từ nước ngoài đang khiến bộ mặt kinh tế ở đây thay đổi chóng mặt.
Theo số liệu mới nhất từ Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, địa phương này hiện đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Hà Tĩnh hiện có 64 dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận với số vốn trên 16,5 tỷ USD.
Nhà máy nhiệt điện lớn nhất VN vừa được khánh thành ở Vũng Áng. |
Hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới lần lượt đổ bộ về Hà Tĩnh. Một số nhà đầu tư nước ngoài đang lập các dự án quy mô lớn như Tập đoàn Formosa đầu tư dự án lọc hóa dầu với số vốn dự kiến 12 tỷ USD; Mitsubishi (Nhật Bản) đầu tư dự án Nhà áy nhiệt điện Vũng Áng 2 (2,5 tỷ USD); Sam Sung (Hàn Quốc) với dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 (trên 2,5 tỷ USD)…
Không chỉ các đơn vị nước ngoài, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam cũng đổ vốn đầu tư vào Hà Tĩnh như Tập đoàn dầu khí quốc gia, Than khoáng sản, Lilama, Sabeco… Các doanh nghiệp trong nước đã đổ vào Hà Tĩnh gần 80 ngàn tỷ đồng cho hàng trăm dự án. Hàng ngàn tỷ vốn ODA cũng đã giải ngân cho nhiều chương trình kinh tế lớn.
Năm 2014, tổng thu ngân sách Hà Tĩnh xấp xỉ 12.000 tỷ đồng (gấp đôi Nghệ An, dẫn đầu Bắc Trung Bộ), GDP tăng trưởng gần 24%. Năm 2015 tổng thu ngân sách ước đạt trên 15.000 tỷ.
Đây có lẽ là con số ‘không tưởng’ kể cả với người làm chính sách bởi mới năm năm trước, ngân sách Hà Tĩnh chỉ đạt 1450 tỷ đồng (2010).
Choáng ngợp với khu công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á
Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh), tổ hợp công nghiệp nặng rộng trên 3.300 ha (gồm cả diện tích mặt nước) là động lực phát triển kinh tế của Hà Tĩnh trong vài năm qua.
Đến thời điểm hiện tại, xấp xỉ 8 tỷ USD đã đổ vào dự án Formosa ở Hà Tĩnh, nhiều hạng mục sắp được hoàn thiện. |
Là người gắn bó với đại dự án này ngay từ những ngày đầu, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL khu kinh tế Hà Tĩnh thừa nhận rằng có lúc ông cũng cảm thấy choáng ngợp trước quy mô của dự án.
Ông ví von rằng mảnh đất Kỳ Anh ngàn đời nghèo khó và mưa nắng khắc nghiệt nhưng đầy tiềm năng to lớn về vị trí, địa chất…, và đã được ‘đánh thức’ đúng thời điểm.
“Việc thu hút, lựa chọn nhà đầu tư được tỉnh thẩm định kỹ và có sự đồng ý của Chính phủ. Nhà đầu tư là một tập đoàn quốc tế tầm cỡ, có trách nhiệm. Thành quả ngày hôm nay ở Vũng Áng nói chung và Formosa nói riêng, vượt ra ngoài tưởng tượng của những người làm quản lý”, ông Tuấn khẳng định.
Đại dự án này chính là nơi thể hiện rõ nhất sự thay đổi chóng mặt của kinh tế, xã hội Hà Tĩnh. Sau thời gian làm thủ tục cấp phép đầu tư và bàn giao mặt bằng, tháng 7/2008, dự án đã được khởi công với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 7,9 tỷ đô la, sau đó được điều chỉnh lên 10,5 tỷ USD.
Theo số liệu từ Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, đến nay giá trị thực hiện của dự án đã ở mức xấp xỉ 8 tỷ USD. Các hạng mục quan trọng đều sắp hoàn thiện và có thể xuất phôi và sản xuất thép dây từ tháng 9/2015.
“Khu kinh tế Vũng Áng vốn có xuất phát điểm rất thấp, nhà đầu tư được ưu đãi nhiều chính sách đặc biệt trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Hà Tĩnh luôn tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ”, Trưởng BQL Hồ Anh Tuấn cho biết.
“Tập đoàn chọn Vũng Áng để xây dựng nhà máy bởi khu vực này có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm gần các khu vực cung cấp nguyên liệu như Brazil, Úc hơn các nhà máy thép ở Đông Á. Hơn nữa tại đây có cảng nước sâu có thể cập cảng các loại tàu cỡ vài trăm nghìn tấn.
Đặc biệt, Hà Tĩnh có môi trường đầu tư rất hấp dẫn. Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư. Có thể nói các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương đều nỗ lực tạo môi trường đầu tư tốt đẹp cho chúng tôi”, ông Thái Quốc Dương, Trưởng phòng Ngoại giao Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đại diện Formosa tại Vũng Áng trả lời báo VietNamNet.
Thủ tướng: Phải phát triển nội lực, không được tự mãn
Tại Lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (ngày 17/9), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận nỗ lực thu hút đầu tư của Hà Tĩnh trong những năm qua. Bằng chứng là nhiều tập đoàn lớn, nhiều dự án lớn với số vốn khủng đang đổ về Hà Tĩnh.
Toàn cảnh phía Nam thị xã Kỳ Anh. |
Thủ tướng gọi sự kiện khánh thành nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 là ‘bước ngoặt’, tạo động lực phát triển kinh tế cho Hà Tĩnh và khu vực. Trong chừng 5 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của Hà Tĩnh luôn ở chiều ‘thẳng đứng’. Từ một tỉnh nghèo, Hà Tĩnh đã gia nhập ‘câu lạc bộ’ trên 10 ngàn tỷ!
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh thu hút nước ngoài, Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung phải đẩy mạnh phát triển nội lực. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam đầu tư và thi công, là ví dụ về sự phát triển nội lực.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cam kết rằng địa phương sẽ tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính; để Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có môi trường tốt nhất, hấp dẫn nhất, nâng lên tầm quốc gia và quốc tế.
Một chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và quy hoạch TP. Hà Tĩnh đã được Tập đoàn Monitor (Mỹ) nghiên cứu, xây dựng có tầm nhìn đến 2030. Một giai đoạn phát triển mới với rất nhiều kỳ vọng cho Hà Tĩnh.
Cao Thái – Văn Đức – Duy Tuấn / VNN