Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: Phát hiện thêm một số mộc bản cổ ở Trường Lưu

Vừa qua, Chi hội Di sản văn hóa Hà Tĩnh (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu làng cổ Trường Lưu, thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Tai đây, các nhà nghiên cứu phát hiện thêm một số mộc bản cổ quý hiếm liên quan đến ngôi làng này và dòng họ Nguyễn Huy.

Trang bìa của mộc bản được khắc in nổi bằng chữ Hán cổ.

Số mộc bản cổ nói trên đang được gia đình Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ lưu giữ cẩn thận. Mộc bản được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván bằng âm bản tinh xảo trên cả hai mặt, chữ Hán và chữ Nôm được khắc nổi theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18 đến 20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ. Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy: 30cm, rộng 20cm, dày 2cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao.

Các mộc bản là bộ sách: “Tứ thi ngũ kinh” của Khổng giáo.

Các mộc bản này có niên đại thời Lê (thế kỷ 18), nội dung khá phong phú, liên quan đến dòng họ Nguyễn Huy, trong đó có những mộc bản cổ có giá trị quý hiếm, như cuốn sách: “Mai đình mộng ký” của danh nhân Nguyễn Huy Hổ, một số mộc bản khác do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên soạn phục vụ công tác giảng dạy học trò trong và ngoài vùng giai đoạn nửa cuối thế kỷ 18, cùng một số sách “Tứ thư ngũ kinh” của Khổng giáo. Đây là những cuốn sách của Phúc Giang thư viện (Phúc Giang tàng thư), một thư viện nổi tiếng khắp cả nước của dòng họ Nguyễn Huy, tồn tại từ thời Lê (thế kỷ 18) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ đang giới thiệu về số mộc bản cổ được phát hiện tại Trường Lưu.

Hiện, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành lập Hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận mộc bản Trường Lưu là Di sản văn hóa cấp Quốc gia, đồng thời đề nghị xem xét hồ sơ công nhận di sản Quốc gia của UNESCO nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của mộc bản cổ Trường Lưu.

HẠNH LÊ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP