Trong các hố khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng nghìn mảnh gốm, xương, răng động vật, đá nguyên liệu bằng sa thạch, công cụ lao động. Tuy nhiên, di cốt người vẫn chưa tìm thấy. Đồ gốm tất cả đều bị vỡ, hầu hết đều có hoa văn trang trí và hoa văn kỹ thuật như khắc vạch, văn thừng, gạch chéo, chấm tròn… Một số mảnh gốm dính than tro đen, có thể là đồ dùng như nồi, chõ dùng để đun nấu; một số mảnh gốm bên ngoài được tô màu đỏ. Xương gốm thô, bở, có trộn nhiều bột vỏ nhuyển thể. Xương động vật khá phong phú gồm đốt sống, xương bàn chân, xương óng, xương bánh chè, xương vai của lợn rừng, chim, rùa, hươu, nai, cá, tê giác. Có nhiều xương được đốt cháy và mài nhẵn để làm công cụ. Công cụ lao động có các hòn nghiền, rìu có vai, bàn mài, dấu Hòa Bình. Tất cả đều được ghè đẻo công phu và mài dũa cẩn thận.
Địa tầng của các hố khai quật được phân thành nhiều lớp. Lớp đất mặt là lớp đất mùn chứa nhiều chất hữu cơ có màu đen. Lớp đất thứ hai có tầng văn hóa dày màu đen chứa nhiều nhuyển thể như sò, điệp và các hiện vật. Lớp thứ ba là lớp cát vàng. Lớp cuối cùng là lớp đất sét nguyên thổ.
Qua các phát hiện trên, bước đầu cho thấy người Thạch Lạc cổ đã biết chế tác công cụ lao động và biết nấu chín thức ăn. Thức ăn của họ khá đa dạng nhờ việc khai thác thác tự nhiên như săn bắn được nhiều động vật hoang dã. Họ cũng có trình độ thẩm mỹ nhất định khi họ đã biết cách làm đẹp trên các đồ dung sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, khẳng định lại, đối với di chỉ Thạch Lạc, địa bàn cư trú của người sống và nơi an nghỉ của người chết không phải lúc nào cũng nằm một chỗ.
Đợt khai quật này là cơ sở để các nhà khảo cổ kiểm tra, xác định lại niên đại di tích tạo cơ sở để kết nối theo tự thời gian của các di chỉ khảo cổ Rú Dầu, Đức Đồng (Đức Thọ), Rú Nài (thành phố Hà Tĩnh), Thạch Lạc, Rú Điệp, Cồn Lôi Mốt, Đức Lâm (Thạch Hà), Phôi Phối – Bãi Cọi (Nghi Xuân)…trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.
Trần Phi Công