Cùng đó, nhiều địa điểm xung yếu trên tuyến kè chắn sóng ven biển xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cũng bị sóng cuốn sập, sạt lở và xâm lấn sâu vào đất liền, trực tiếp đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Bãi Soi mất đất
Hàng chục năm nay người dân sinh sống ở địa bàn bãi Soi luôn thấp thỏm, lo lắng vì tình trạng sập, sạt lở đất dọc bờ sông La ngày càng đe dọa nghiêm trọng, nhiều hécta đất sản xuất hoa màu, cây xanh… bị dòng nước sông cuốn trôi và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu không có phương án khắc phục, bãi Soi có nguy cơ bị xóa sổ. Người dân ở đây cho biết, bãi Soi vốn có diện tích khoảng 40ha, chiều dài khoảng 1,5-2km.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ, tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan, kéo dài đã làm cho lòng sông La bị khoét sâu, thay đổi dòng chảy khiến diện tích đất ở bãi Soi bị sập, sạt lở thu hẹp nghiêm trọng, nay chỉ còn khoảng 25ha. Nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa khỏi bãi Soi đến vùng đất khác định cư để đảm bảo an toàn.
Có mặt tại bãi Soi, chúng tôi chứng kiến tại nhiều vị trí dọc bờ sông xung quanh bãi Soi, các mảng đất bị nước cuốn sạt lở trôi tuột xuống lòng sông với chiều dài hàng chục mét, sâu 1-2m, để lộ nhiều đường nứt toác, nguy cơ tiếp tục sập bất cứ lúc nào. Cạnh đó nhiều gốc cây bạch đàn, keo tràm, phi lao, bụi tre được người dân trồng từ mấy chục năm về trước để giữ đất, chống xói mòn, bảo vệ xóm làng cũng bị nước cuốn bật trơ gốc nham nhở.
Nhiều diện tích đất ở bãi Soi đã bị cuốn sập, sạt lở nghiêm trọng |
Ông Nguyễn Đình Yên (80 tuổi, ở thôn Châu Trinh) cho biết: Trước đây, diện tích bãi Soi rộng và kéo dài ra đến gần giữa sông La. Thời gian qua, người dân đã rất nhiều lần cầu cứu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhưng vẫn không có giải pháp khả thi để ngăn chặn tình trạng này. Hậu quả là cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn, luôn trong tình trạng nơm nớp, lo sợ.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Doãn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh, cho biết: Trước đây ở bãi Soi (tên gọi cũ là thôn Hà Châu, nay sáp nhập thành thôn Châu Trinh) có khoảng 30 hộ dân sinh sống, nhưng do mưa lũ phức tạp, sạt lở đất nên phải di dân vào trong đê thôn Châu Trinh và Đông Thái…
Hiện nay, chỉ còn lại khoảng 14 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu đang sinh sống ở bãi Soi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng là do quá trình làm cầu, lấn kè, khi đến mùa mưa lũ làm dòng chảy đổ thẳng rất mạnh về bãi Soi, ngoài ra cũng có nguyên nhân tác động từ việc khai thác cát trái phép. Giờ muốn giữ được diện tích đất còn lại cần phải đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để xây dựng tuyến kè bờ đê kéo dài gần 1km, thế nhưng nguồn ngân sách của địa phương không có nên cũng bất lực.
Kè chắn sóng ven biển sạt lở
Nhiều điểm xung yếu tại tuyến kè chắn sóng ven biển ở thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà được xây dựng bằng bê tông, gạch đá, cát sỏi cũng đã bị sóng biển đánh sập, sạt lở nghiêm trọng; nhiều diện tích đất, cây xanh, đường đất trong kè bị cuốn trôi, đổ sập.
Ông Võ Gia Hải (62 tuổi, ở xã Thạch Kim), lo lắng: Trước đây tuyến kè chắn sóng ven biển thôn Long Hải dài gần 1km và nằm phía ngoài biển hàng trăm mét. Nhưng do bão lũ ngày càng phức tạp, sóng biển đánh mạnh đã khiến tuyến kè bị sập, sạt lở, nay chỉ còn lại khoảng 500m.
Người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần vận chuyển hàng ngàn khối đất, gạch đá, cát sỏi đến ứng cứu, nhưng tuyến kè vẫn bị sập, sạt lở và ăn sâu vào trong đất vườn nhà dân, đe dọa đến tính mạng, tài sản, nhà cửa của hàng trăm hộ dân. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh, cần đầu tư kinh phí khẩn cấp xây dựng lại tuyến kè này, nhưng không có kết quả. Người dân rất lo lắng, mùa bão lũ sắp đến, nếu vẫn không có phương án khắc phục tuyến kè kịp thời thì sẽ thêm nhiều đất đai, nhà cửa ở vùng này sẽ bị sóng biển cuốn trôi.
Một cán bộ UBND xã Thạch Kim cho biết, tuyến kè chắn sóng ven biển qua thôn Long Hải sau mỗi mùa bão lũ là lại bị đánh sập, sạt lở và xâm thực lấn sâu vào trong đất liền. Chịu ảnh hưởng trực tiếp là 482 hộ dân với 2.536 nhân khẩu của thôn. Theo Ban quản lý Cụm công nghiệp huyện Lộc Hà, tuyến kè chắn sóng ven biển kéo dài từ thôn Long Hải đến cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim có tổng chiều dài khoảng 2km.
Nhưng địa điểm đang bị sóng biển đánh sập, sạt lở nghiêm trọng nhất và trực tiếp đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân là khoảng 500m đoạn qua thôn Long Hải. Thời gian qua, nhằm hạn chế tuyến kè này tiếp tục bị cuốn sập, sạt lở, UBND huyện Lộc Hà đã đầu tư kinh phí khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nhưng do vốn ít nên việc sửa chữa cũng mang tính chất chắp vá, tạm thời. Vậy nên, mùa bão lũ sóng biển lại đánh kè sạt lở, kéo theo đó là nhiều khối cát, rác bẩn tấp vào chôn vùi nhiều cây cối, đất đai của người dân.
Trước đây tuyến kè chắn sóng ven biển xã Thạch Kim đã từng được tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương phê duyệt đầu tư xây dựng mới giai đoạn 2016-2020 với số vốn khoảng 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kinh phí để triển khai. Do đây là tuyến kè biển trọng yếu cấp bách, trong thời gian qua huyện đã nhiều lần đề nghị lên tỉnh xem xét ưu tiên cấp vốn đầu tư xây dựng lại tuyến kè, nhưng vẫn chưa có phản hồi.
Tác giả: DƯƠNG QUANG
Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng