Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nhà máy gạch Tuynel Phù Việt liệu có “âm thầm” nâng công suất?

Nhà máy gạch ngói Tuynel Phù Việt đã dừng sản xuất 4 năm nay. Tuy nhuên, sau khi “đổi chủ” sang Công ty Cổ phần vật liệu Thuận Lộc PV thì đang “hồi sinh”. Tuy nhiên, việc “sống lại” này lại đang khiến dư luận nghi ngờ và lo lắng.

Không nâng công suất nhưng lại xin lắp thêm trạm điện

Nhà máy gạch ngói Tuynel Phù Việt có địa chỉ tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) sau gần 4 năm dừng hoạt động, nay đã được sang nhượng cho chủ sở hữu mới. Theo đó, Công ty CP vật liệu Thuận Lộc PV được cho là chủ đầu tư mới.

Công nghệ sản xuất của Nhà máy gạch Tuynel Phù Việt vẫn phù thuộc chính vào nguồn đất sét. Tuy nhiên, đến nay đơn vị vẫn chưa xin được giấy phép khai thác nguyên liệu. Liệu hoạt động trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Mặc dù phía chủ đầu tư cho rằng, đang trong giai đoạn sửa chữa lại nhà máy vì thiết bị mà đơn vị trước đó để lại không còn sử dụng được nữa để tái khởi động trở lại.

Thế nhưng, dư luận lại kg cho là thế. Ông Nguyễn Văn Bằng, trú tại xã Việt Tiến phản ánh: “Thời gian qua, mặc dù tạm dừng sản xuất gạch nhưng hoạt động vận chuyển nguyên liệu về nhà máy vẫn diễn ra. Do phải đi qua khu dân cư nên việc phương tiện chở đất quá khổ, quá tải đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, an toàn giao thông đối với người dân nơi đây”.

Ông Nguyễn Văn Quang - Đại diện Công ty CP vật liệu Thuận Lộc PV khẳng định: “Không có chuyện đơn vị lắp đặt thiết bị để nâng công suất mà giữ nguyên công suất 15 triệu viên/ năm theo văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư từ đơn vị sang nhượng. Những việc chúng tôi đang làm chỉ là cải tạo, sửa chữa hệ thống thiết bị sản xuất bao gồm nhà kính phơi gạch mộc, nhà bao che lò nung tuynel… đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hoa - Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: “Mới đây Nhà máy gạch ngói Tuynenl Phù Việt trình bày có nhu cầu nâng công suất sản xuất nên đã làm hợp đồng xin lắp đặt thêm một trạm biến áp có công suất 750 KVA. Hiện tại, phía đơn vị chúng tôi đã triển khai thực hiện và chuẩn bị bàn giao cho chủ đầu tư”.

Mặc dù chưa được cấp giấy phép khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng bãi chứa vật liệu của Nhà máy gạch tuynel Phù Việt vẫn có hàng chục ngàn m3 đất sét tập kết

Được biết, trước khi nhận sang nhượng, phía nhà máy gạch đã hợp đồng với với điện lực lắp đặt trạm biến áp 560 KVA. Như vậy, với 2 trạm biến áp được lắp đặt thì tổng công suất điện mà Nhà máy gạch Tuynel Phù Việt có nhu cầu sử dụng là 1.310 KVA, đảm bảo đủ điều kiện về điện để cung ứng cho dây chuyền nhà máy sản xuất gạch trên 60 triệu viên/năm.

Vậy nếu chỉ “giữ nguyên công suất 15 triệu viên/năm” như ông Quang nói, thì nhà máy xin lắp đặt thêm trạm điện mới lên đến 750 KVA để làm gì?

Chỉ được phép “cải tạo, sửa chữa”

Qua tìm hiểu được biết, thông thường các nhà máy gạch khi nâng công suất hay gọi cách khác là điều chỉnh mở rộng dự án thì chủ đầu tư phải thực hiện lại hồ sơ. Sau khi được UBND tỉnh đồng ý, có văn bản chấp thuận thì khi đó mới bắt đầu triển khai theo hướng dẫn.

Phía bên trong nhà xưởng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục để nhà máy đi vào hoạt động

Nghi ngờ động thái của Nhà máy gạch Tuynel Phù Việt, đại diện một số nhà máy gạch tuynel trên địa bàn Hà Tĩnh đã có đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Hà Tĩnh. Và cho rằng, sau khi mua lại Nhà máy gạch tuynel Phù Việt thì Công ty CP vật liệu Thuận Lộc PV đã phá dỡ và đầu tư mới hoàn toàn, với công suất lớn hơn. Việc này các cơ quan chức năng sở tại cần kiểm tra, thẩm định và đánh giá để tránh những tác động xấu đến môi trường kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân xung quanh.

Được biết, trước đó, ngày 25/6/2020, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã thành lập đoàn kiểm tra công tác quy hoạch và trật tự xây dựng của Nhà máy gạch tuynel Phù Việt. Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đang triển khai thi công hạng mục nhà kính phơi gạch mộc, nhà bao che lò nung tuynel; Chủ đầu tư thực hiện cải tạo, sửa chữa nhà máy nên đang tạm dừng việc sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Thanh tra Sở xây dựng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các phần việc tiếp theo đảm bảo an toàn, đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Trước khi đưa từng phần hoặc toàn bộ dự án vào hoạt động phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu theo quy định tại Điều 32, Nghị định 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Trao đổi với ông Trần Xuân Thạch - Trưởng phòng Quản lý vật liệu xây dựng thuộc Sở xây dựng Hà Tĩnh thì: “Hiện tại Công ty cổ phần vật liệu Thuận Lộc PV chỉ được phép sữa chữa, cải tạo nhà máy gạch tuynel Phù Việt. Trong trường hợp nếu muốn thay đổi công suất thì chắc chắn phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền…”.

Thông báo số 14/TB-VPCP, ngày 9/1/2018 về Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017 nêu rõ: giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi cấp phép các dự án đầu tư sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng theo quy định; dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; kiểm soát đầu tư phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt sản xuất gạch đất sét nung và các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường

Báo Điện tử TN&MT sẽ tiếp tục phản ánh.

Tác giả: Đức Cảnh

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP