Bị thu hẹp dần diện tích
Công trình bến neo đậu tàu thuyền nghề cá tại phường Kỳ Phương thuộc dự án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Dự án được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ năm 2014 với tổng mức hơn 107 tỷ đồng, do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình khởi công tháng 6/2014, hoàn thành ngày 30/8/2015.
Theo ngư dân địa phương thì phía ngoài tuyến đê chắn sóng của bến thuyền có cồn cát lớn nên mỗi khi sóng đánh mạnh thì cát lại tuồn vào gây nên hiện tượng bồi lắng. |
Tuy nhiên, từ ngày đưa vào sử dụng bến neo đậu, tránh trú tàu thuyền, diện tích âu thuyền càng ngày càng bị thu hẹp dần do tác động của thiên nhiên. Đặc biệt từ cơn bão số 10 năm 2017, mùa mưa bão năm 2019 và đợt mưa lũ tháng 10 năm 2020, bến neo đậu tàu thuyền bị bồi lấp nghiêm trọng, nhiều khu vực bờ neo, tường chắn sóng bị gãy đổ khiến tàu thuyền rất khó khăn để ra vào neo đậu, gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân.
Ngoài ra, theo các ngư dân địa phương thì việc đơn vị chọn vị trí xây dựng bến neo đậu tàu thuyền này chưa phù hợp sát với tình trạng thực tế của vùng biển này.
Do bị cát bồi lắng nên diện tích bến thuyền mỗi năm lại bị thu hẹp dần. |
Cụ thể, theo ngư dân Mai Xuân Đạo, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi thì vị trí ngay sát phía ngoài đê chắn sóng (kiềng 3 chân chắn sóng) có một cồn cát, mỗi lần biển động lượng cát này sẽ theo sóng lọt qua bờ đê bồi lắng phía trong bến.
“Nếu người ta làm bờ đê chắn sóng ra tầm khoảng 50m đến 100m thì cát sẽ không bị sóng cuốn vào bồi lắng”, ông Đạo nói.
Có nhiều thuyền, ghe của ngư dân bị vỡ do va đập vào bãi đá ngầm khi thủy triều xuống. |
Ông Mai Văn Chất - Thôn trưởng Đông Yên III thông tin, từ khi nhường đất cho dự án để lên đây thì chúng tôi rất vui mừng khi được đầu tư cho một bến thuyền để tránh trú bão và hoạt động đánh bắt thủy sản hằng ngày. Tuy nhiên, việc đưa vào sử dụng bến thuyền xuất hiện tình trạng “lợi bất cập hại” khi âu thuyền bị cát bồi lắng quá nhiều khiến việc thuyền ra vào tránh trú gặp khó khăn; nhiều thuyền, ghe của người dân bị vỡ do va đập...
“Xây dựng nhưng không tham vấn các sở, ngành liên quan...”
Theo ông Lê Xuân Vượng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, Bến neo đậu tàu thuyền nghề cá phường Kỳ Phương chủ yếu phục vụ hoạt động nghề và neo đậu tàu thuyền cho khoảng 2.000 hộ dân thuộc 4 thôn của xã Kỳ Lợi: Đông Yên 1, Đông Yên 2, Đông Yên 3, Đông Yên 4 và một số ngư dân ở các phường lân cận trên địa bàn
Theo thiết kế, bến có thể làm nơi neo đậu cho 230 tàu có công suất dưới 20CV, 106 tàu có công suất từ 20CV đến 200CV và phục vụ các hoạt động hằng ngày cho bà con ngư dân.
Dãy tường chắn sóng bị sóng đánh hư hỏng. |
“Vào năm 2019 thị xã Kỳ Anh có dự án nạo vét bến âu thuyền này nhưng rồi đâu lại vào đấy vì cát cứ theo sóng đổ dồn vào bến. Chúng tôi mong các cấp tỉnh Hà Tĩnh có phương án lâu dài để bà con yên tâm hành nghề đánh bắt thủy sản”, ông Vượng cho biết.
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng Ban quản lý dự án thị xã Kỳ Anh, dự án bến neo đậu tàu thuyền do Ban Quản lý KKT tỉnh làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng vẫn chưa quyết toán được các hạng mục công trình, nên chưa bàn giao giá trị tài sản cho địa phương.
Theo ông Thắng, vào năm 2020 đơn vị chủ quản là Ban Quản lý KKT tỉnh chỉ mới bàn giao quản lý và sử dụng cho địa phương còn tài sản công trình vẫn thuộc về ban nên thị xã chưa thể đầu tư dự án duy tu, nâng cấp công trình này.
Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp thiết của bến tàu thuyền đối với ngư dân và đặc biệt là sau các cơn bão mạnh, vào năm 2019 thị xã Kỳ Anh có triển khai dự án nạo vét bến neo đậu tàu thuyền phường Kỳ Phương với tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ đồng.
“Trước đó chúng tôi có trình UBND tỉnh các phương án để giải quyết vấn đề cát biển bồi lắng, tuy nhiên, do ngân sách lớn nên chỉ có thể nạo vét tạm thời nhưng rồi việc nạo vét giống như “công dã tràng” nên không triển khai tiếp”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho biết thêm, thời điểm đầu tư xây dựng, đơn vị chủ quản không tham vấn các sở ngành liên quan như Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tác giả: HÀ VŨ
Nguồn tin: Báo Giao Thông