Người đương thời

Hà Tĩnh: Người giữ hồn hò chèo cạn Nhượng Bạn

Suốt hơn 27 năm qua, ông Trương Văn Hứa (84 tuổi, ở thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã không ngừng sưu tầm, cải biên sáng tạo, truyền dạy và bảo tồn hò chèo cạn Nhượng Bạn – một làn điệu dân ca cổ mang đậm nét văn hóa đặc trưng truyền thống của ngư dân vùng bãi ngang ven cửa biển Cửa Nhượng.

Làn điệu dân ca cổ

Một ngày tháng 9-2015, trời mưa lất phất, chúng tôi men theo tuyến đường ven biển Thạch Khê – Vũng Áng để tìm về nhà ông Trương Văn Hứa ở thôn Xuân Bắc. Đã 84 tuổi, nhưng ông Hứa nhìn vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn, yêu đời và đam mê ca hát dân ca. Nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về làn điệu hò chèo cạn Nhượng Bạn, ông Hứa phấn khởi chia sẻ: “Đây là làn điệu dân ca cổ đã xuất hiện hàng trăm năm trước, được ông cha sáng tác từ trong thực tiễn lao động, cuộc sống rồi truyền dạy, bảo tồn cho các thế hệ sau…”.

hatinh24h 01Ông Trương Văn Hứa biểu diễn minh họa một đoạn trong làn điệu hò chèo cạn Nhượng Bạn

Ông Hứa sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm nghề đi biển và nổi tiếng là giàu truyền thống ca hát dân ca ví, giặm, hát chầu văn, hò chèo cạn ở làng Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên). Năm 1960, ông làm việc tại một xí nghiệp hải sản ở Hải Phòng, làm thuyền trưởng trên tàu đánh cá rong ruổi khắp các vùng biển phía Bắc của Việt Nam. Đến năm 1988, ông nghỉ hưu trở về địa phương.

Ông Hứa tâm sự, trước đây bố ông (là Trương Văn Học) được ông cố, ông nội truyền dạy làn điệu hò chèo cạn Nhượng Bạn. Những năm trước và sau chiến tranh chống Pháp, ông Học tiếp tục sưu tầm rồi về truyền dạy lại cho nhiều bà con ngư dân trong làng, tổ chức lập đội hò chèo cạn. Từ đó, hò chèo cạn Nhượng Bạn trở thành một nếp sinh hoạt đặc trưng không thể thiếu vào các dịp lễ hội văn hóa của làng. Tuy nhiên, năm 1978, khi ông Học mất thì hò chèo cạn Nhượng Bạn bắt đầu bị mai một dần. “Khi nghỉ hưu trở về địa phương, tôi thấy các cụ cao niên trong làng có hiểu biết về hò chèo cạn Nhượng Bạn ngày một già yếu đi, nhiều cụ qua đời, còn thế hệ trẻ thì hầu như không ai biết gì. Từ lúc còn nhỏ, nhờ có chất giọng truyền cảm và niềm đam mê, tôi đã được đi theo ông nội và bố học hát hò chèo cạn trên sông, trên biển. Đây là những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tâm huyết của các bậc tiền nhân, nên tôi quyết tâm bằng mọi giá phải phục hồi, bảo tồn cho con cháu mai sau, không thể để bị thất truyền”.

Ông kiên trì tìm cách tiếp cận, gặp gỡ, thuyết phục và dần dần truyền thụ lại làn điệu hò chèo cạn Nhượng Bạn cho một số người, rồi nhiều người, tổ chức thành lập lại đội hò chèo cạn mới. Công sức của ông đã không uổng phí, đến nay đội hò chèo cạn Nhượng Bạn đã quy tụ được trên dưới 20 người tâm huyết, trong đó nhiều người có chất giọng hò rất hay và triển vọng sẽ “kế nghiệp” ông Hứa trong tương lai, như Hoàng Văn Lý (40 tuổi), Nguyễn Văn Đồng (36 tuổi)…

Mong muốn thành lập câu lạc bộ hò chèo cạn

Để làn điệu hò chèo cạn Nhượng Bạn ngày càng hấp dẫn và thu hút được nhiều người, nhất là với thế hệ trẻ, ông Hứa tìm đến các cụ lớn tuổi ở trong và ngoài làng để học hỏi, sưu tầm, lắng nghe những ý kiến đóng góp về câu từ, vần điệu cho đến từng động tác di chuyển của các “trai bạn” trong đội chèo, thậm chí ông còn bỏ công sức đi vào tận các xã vùng ven biển phía Nam sưu tầm, bổ sung thêm câu hò mới, sau đó về viết thành nhiều tập trên giấy, từng bước truyền dạy lại cho các lớp người kế cận. Đặc biệt mới đây, sau thời gian dày công nghiên cứu, ông Hứa đã cùng với các cụ trong làng sáng tác, cải biên lồng ghép nhuần nhuyễn vào trong hò chèo cạn Nhượng Bạn cổ các chủ đề mới ngoài liên quan đến hoạt động lao động sản xuất, văn hóa, sinh hoạt của ngư dân vùng ven biển, còn có về chủ đề thương binh, liệt sĩ, quê hương đất nước, nhớ ơn Đảng, Bác Hồ…

Đội hò chèo cạn Nhượng Bạn đang biểu diễn hò và chèo tại lễ hội cầu ngư ở cửa biển Cửa Nhượng

Ông Hứa cho biết, hò chèo cạn Nhượng Bạn có khoảng 40 câu, hò trong khoảng 20 phút. Theo phong tục của ngư dân Cửa Nhượng, nếu năm nào mà ngư dân được mùa, no ấm thì có thể tổ chức hò chèo cạn ba lần, gồm các ngày âm lịch mùng 8-4, 12-8 và 25-10; năm nào không được mùa thì tổ chức một lần vào ngày mùng 8-4 âm lịch. Hiện nay, một đội hò chèo cạn Nhượng Bạn thường có từ 13 đến 15 người, đều là nam giới, trong đó người lớn tuổi nhất từ 50 đến 60 tuổi, trẻ nhất là 15-16 tuổi và những người được chọn vào đội phải có niềm đam mê, tâm huyết thực sự. Hình thức hò chèo cạn là đứng trong một khung thuyền ghép thanh gỗ hoặc tre có dán tượng trưng hình rồng, các thành viên trong đội gọi là “trai bạn”, vừa hò đáp “khoan hò, hò khoan…” vừa khua mái chèo trên bãi cát, chèo từ miếu Đức Ngư Ông ở xã Cẩm Nhượng ra đến mặt nước biển khoảng 150m, ở giữa thuyền có 1 người làm tổng mũi chỉ huy và 2 người vừa làm hề vừa thể hiện các động tác tát nước, chèo…

Sau 27 năm ông Hứa dồn hết tâm huyết, Đội hò chèo cạn Nhượng Bạn của huyện Cẩm Xuyên đã nổi tiếng khắp cả vùng biển Hà Tĩnh. Ghi nhận việc làm đóng góp hoàn toàn tự nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của ông Hứa cho sự bảo tồn, giữ gìn làn điệu hò chèo cạn Nhượng Bạn, chính quyền địa phương các cấp ở Hà Tĩnh đã trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen, đặc biệt hiện Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh cũng đang xem xét trình cơ quan chức năng công nhận “Nghệ nhân hò chèo cạn” cho ông Hứa.

Ông chia sẻ: “Tâm nguyện tha thiết lớn nhất hiện nay của tôi là sớm thành lập được Câu lạc bộ hò chèo cạn Nhượng Bạn mang tính quy mô và chuyên nghiệp hơn, qua đó sẽ góp phần giữ gìn, bảo tồn làn điệu hò đặc trưng của ngư dân ven biển…”.

Cẩm Nhượng là xã bãi ngang ven biển có 11 thôn, 2.565 hộ dân với 10.050 nhân khẩu, trong đó hơn 50% làm nghề đánh bắt hải sản. Toàn xã có 154 tàu thuyền các loại, tổng công suất máy đạt 8.200CV với gần 1.000 lao động. Sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 3.200 – 3.500 tấn. Ngoài các nghề truyền thống như mành, câu khơi, lưới mực, bà con ngư dân còn có thêm một số nghề khai thác mới như bóng mực lá, bóng ghẹ, kéo dạ…

DƯƠNG QUANG

[dailymotion id=”x37kag5″]

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP