Kỳ 1: Mập mờ chuyện thu hồi sổ sách, cắt chế độ
“Tôi tham gia Quân đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen các loại. Do hai lần bị thương, sức khỏe yếu, đơn vị cho xuất ngũ về địa phương, được hưởng chế độ Thương binh hạng Một vĩnh viễn và chế độ bệnh binh 61%. Tháng 10-1987, cán bộ Thương binh – Xã hội xã đến thu hồi sổ bệnh binh và thẻ thương binh, rồi sau đó cắt luôn chế độ của tôi mà không rõ nguyên nhân. Gần 30 năm tôi khiếu nại hết các cấp nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh vẫn thờ ơ, vô cảm. Phải chăng có sự mập mờ nào trong đó?”- ông Dương Đình Tiến chia sẻ.
Nhận được đơn kêu cứu của ông Tiến gửi đến Báo, phóng viên đã vào cuộc điều tra, xác minh và được biết cụ thể sự việc như sau: Ông Dương Đình Tiến (SN 1944), trú tại xã Kỳ Lâm, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nhập ngũ ngày 5-4-1963, vào quân đội trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và chiến trường Quảng Trị. Trong quá trình chiến đấu, ông đã hai lần bị thương, được giám định tỷ lệ thương tật và cấp sổ Thương binh hạng Một vĩnh viễn. Tháng 12-1976, ông xuất ngũ về địa phương. Năm 1984, do sức khỏe yếu, ông được đi giám định lại sức khỏe, được Ty Thương binh xã hội Nghệ Tĩnh ban hành Quyết định số 3034/TBXH, ngày 1-7-1984 trợ cấp chế độ bệnh binh với tỷ lệ bệnh tật 61% và được cấp giấy chứng nhận bệnh binh.
Tháng 10-1987, cán bộ TB-XH xã Kỳ Lâm là ông Phạm Hồng Lân, Phó Ban chuyên trách TB-XH xã đã đến thu hồi sổ bệnh binh và thẻ thương binh của ông Tiến để nộp lên trên. Sau đó, ông Tiến cũng bị cắt luôn hai chế độ bệnh binh và thương binh. Từ đó đến nay, ông Tiến đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi từ địa phương đến Trung ương, nhưng tất cả đều vô vọng, mặc dù một số cơ quan ở Trung ương đã có nhiều văn bản chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc nhưng các cơ quan chuyên môn của tỉnh cứ đùn đẩy trách nhiệm.
Gần đây, sau khi nhận được đơn và đọc trên facebook của ông Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chỉ đạo quyết liệt thì Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh mới chịu vào cuộc trong sự lúng túng. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói, đó là cơ quan chuyên môn các cấp từ xã cho đến tỉnh không có một cơ quan nào lưu giữ bất cứ một loại giấy tờ nào liên quan đến chế độ chính sách của ông Tiến.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm về cơ sở để tìm hiểu ngọn ngành sự việc. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc ông Tiến có phải là đối tượng chính sách của xã và có hay không việc thu hồi sổ bệnh binh, thẻ thương binh của ông Tiến? Ông Phạm Hồng Lân (SN 1953, trú thôn Hải Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nguyên Phó Ban chuyên trách TB-XH xã Kỳ Lâm đã thừa nhận: “Tôi khẳng định, ông Dương Đình Tiến là đối tượng chính sách của xã. Chính tôi là người đi nhận chế độ trên cấp về cấp cho ông Tiến hàng tháng. Thời điểm đó, tôi là người trực tiếp nhận sự chỉ đạo của Phòng TB-XH huyện Kỳ Anh đến thu sổ bệnh binh 61% của ông Tiến để nộp lên trên. Sau khi thu xong, tôi nộp cho ông Nguyễn Thái Cảnh, cán bộ phụ trách công tác TB-XH huyện. Một thời gian sau, tôi nghe Trưởng phòng TB-XH huyện là bà Nguyễn Thị Hưng nói là cắt chế độ ông Tiến. Việc cắt chế độ của ông Tiến hoàn toàn không có một văn bản nào”.
Ông Nguyễn Văn Niện (SN 1958, trú Thôn Bắc Hà, xã Kỳ Lâm), nguyên Phó trưởng Ban TB-XH xã Kỳ Lâm từ năm 1983-1985 cũng xác nhận ông Dương Đình Tiến là đối tượng chính sách được hưởng chế độ thương binh và bệnh binh của xã. “Thời điểm đó không những tôi mà cả xã ai chẳng biết ông Tiến là thương binh và bệnh binh, biết rằng vào giai đoạn đó, theo quy định, người được hưởng hai chế độ như ông Tiến chỉ được nhận một chế độ, chế độ nào trợ cấp cao hơn thì nhận, ông Tiến có chế độ bệnh binh cao hơn nên nhận chế độ trợ cấp bệnh binh”.
Còn ông Lê Hồng Phong (SN 1955), Bí thư Chi bộ thôn Kim Hà, xã Kỳ Lâm, là người giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong xã thời kỳ đó và là người giải quyết đơn khiếu nại của ông Tiến khi bị mất chế độ cũng đã thừa nhận là ông nắm rất rõ việc ông Tiến là đối tượng chính sách của xã. “Ông Tiến là bệnh binh hạng hai, thời điểm đó, tôi là đại biểu HĐND xã, Trưởng Ban văn hóa xã, kiêm Bí thư Đoàn xã nên tôi nắm rất chắc. Sau khi ông Tiến có đơn khiếu nại việc bị cắt chế độ, lúc đó tôi là Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp giải quyết và có đề nghị lên trên phục hồi chế độ cho ông Tiến nhưng mãi vẫn không thấy. Tôi cũng mong rằng các cấp cần sớm phục hồi chế độ cho ông Tiến vì ông Tiến là người thực việc thực”.
Ngoài ra, còn nhiều nhân chứng khác mà chúng tôi đã đến tìm hiểu, tất cả đều xác nhận đã từng sống, chiến đấu và công tác cùng ông Tiến, đã nắm rất rõ quá trình ông Tiến bị thương và sau đó được hưởng chế độ thương binh, bệnh binh tại địa phương sau khi xuất ngũ. Tuy nhiên, điều mọi người đều phân vân là không hiểu nguyên nhân vì sao ông Tiến lại bị cắt chế độ một cách vô cớ (?!).
Xuân Hoàng – Võ Việt
Kỳ 2: Cơ quan chức trách vô cảm