Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Lý giải hàng loạt học sinh nhập viện sau khi tiêm vắc xin Sởi – Rubella

Hưởng ứng đợt tiêm phòng mở rộng do Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh phát động, hơn 300 học sinh của trường THCS Giang Đồng đã được tiêm vắc xin Sởi – Rubella. Tuy nhiên, sau thời gian tiêm khoảng 30 phút, hàng chục học sinh đã có những triệu chứng bất thường như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi,… phải nhập viện để theo dõi. Tình trạng này đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi tiêm phòng phải hoang mang, lo ngại.

Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, PV báo đã đến tận nơi tìm hiểu sự việc.

Học sinh phản ứng thuốc hàng loạt

Ngày 25/11, trường THCS Giang Đồng phân hiệu 2, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phối hợp với trạm xá xã Kỳ Đồng tổ chức tiêm phòng vắc xin Sởi – Rubella cho hơn 300 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Do số lượng học sinh đông nên trường chia ra hai lần tiêm sáng và chiều chia đều cho các khối. Sáng 25/11, sau khi tiêm phòng, 11 em học sinh bắt đầu có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi… nên nhà trường phải đưa tới trạm xá xã Kỳ Đồng để sơ cứu.

Em T.K.H, học sinh lớp 8A, một trong số những em bị phản ứng thuốc của trường THCS Giang Đồng cho biết: “Sau khi tiêm xong, em cảm thấy chóng mặt, đau đầu. Được thầy, cô cho uống thuốc thì cũng thấy đỡ nhưng đến tối các triệu chứng ấy lại quay trở lại. Trước khi đến trường để tiêm, em cũng đã ăn cơm ở nhà rồi mới đi”.

Cùng quan điểm, em H.T.H, học sinh lớp 8A, trường THCS Giang Đồng cho biết thêm: “Mặc dù sáng hôm đó, em đã ăn sáng đầy đủ ở nhà nhưng sau khi tiêm xong ngoài đau đầu, chóng mặt em còn cảm thấy trong người nôn nao, khó chịu. Tối đến, em còn có cảm giác buồn nôn và không thể tập trung vào bài học được”.

Hà Tĩnh: Lý giải hàng loạt học sinh nhập viện sau khi tiêm vắc xin Sởi – Rubella - Ảnh 1

Nữ học sinh H.T.H.

Phụ huynh em H.T.H kể lại: “Sau khi được nhà trường thông báo về tình hình của cháu, tôi đã rất lo lắng. Buổi tối về nhà, thấy cháu có biểu hiện uể oải, buồn nôn, tôi đã bảo cháu đi ngủ sớm vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện tại, tôi và một số phụ huynh đang cảm thấy rất hoang mang, thắc mắc vì sao các bạn khác không bị mà con chúng tôi lại bị?”.

Bày tỏ nỗi lo lắng của mình, thầy Nguyễn Tiến Thống, Hiệu phó trường THCS Giang Đồng chia sẻ: “Ngoài 11 em ra thì ngay ngày hôm sau, có thêm 1 em nữa báo nghỉ học vì có triệu chứng tương tự. Trước tình hình này, tôi cũng đã trao đổi với trạm xá để tìm nguyên nhân nhưng trước mắt chỉ mới nhận được câu trả lời là do cơ thể các em phản ứng với thuốc chứ chưa có kết luận cụ thể nào. Điều khiến chúng tôi thắc mắc là, hầu hết các em bị phản ứng thuốc đều tập trung vào hai lớp 6A và 8A. Trước sự việc này, tôi cũng rất lo lắng và hy vọng sẽ không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra với học sinh”.

Sở Y tế vào cuộc

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết loại vắc xin Sởi – Rubella sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng năm 2014 – 2015 do hãng Serum Institule, Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định của Tổ chức Y tế thế giới, do Liên minh toàn cầu Vắc xin và Tiêm chủng hỗ trợ kinh phí, được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) mua và cung ứng cho Việt Nam.

Đối tượng tiêm vắc xin là tất cả các trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi. Vắc xin được đóng gói dưới dạng lọ thủy tinh 10 liều/lọ và dung môi 5ml/l đã được pha hồi chỉnh trước khi sử dụng.

Hà Tĩnh: Lý giải hàng loạt học sinh nhập viện sau khi tiêm vắc xin Sởi – Rubella - Ảnh 2

Lô vắc xin đã sử dụng để tiêm cho học sinh.

Trước nỗi hoang mang, lo sợ của các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh, ông Nguyễn Anh Hân, Trạm trưởng y tế xã Kỳ Đồng chia sẻ: “Các phản ứng nhẹ có thể gặp, đối với vắc xin Sởi là sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng. Hầu hết, các trường hợp tự khỏi trong vòng 2 – 3 ngày mà không cần chăm sóc y tế. Sốt nhẹ chiếm 5 – 15% sau khi tiêm và kéo dài trong 1 – 2 ngày. Phát ban xảy ra trong khoảng 2% người được tiêm, thường bắt đầu từ 7 – 10 ngày sau khi tiêm và kéo dài 2 ngày. Với vắc xin Rubella, chủ yếu gây ra các dấu hiệu ở khớp như đau khớp (25%), viêm khớp (10%) ở trẻ vị thành niên và phụ nữ, thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần. Sốt nhẹ và phát ban, nổi hạch, đau cơ, dị cảm là những triệu chứng thường gặp”.

“Chính vì vậy, khi các em được đưa đến trạm xá, chúng tôi đã sơ cứu kịp thời bằng cách cho các em uống nước đường hoặc sữa để giảm tác dụng của vắc xin. Sau khi được chăm sóc, khoảng 12h30’, sức khỏe của các em trước mắt đã ổn định trở lại. Hơn nữa, chúng tôi đã dặn dò kỹ lưỡng đối với các trường học về việc nhắc nhở học sinh ăn uống đầy đủ trước khi tiến hành tiêm vắc xin nhưng một số em do thể trạng yếu đã dẫn đến mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt. Một số em khác chỉ là phản ứng dây chuyền về tâm lý sau khi tiêm chủng, tức là một người bị sẽ tác động đến nhiều người, kích thích sự lo lắng về tinh thần dẫn tới những người khác cũng gặp phải triệu chứng tương tự”, ông Nguyễn Anh Hân lý giải thêm.

Để nhận định rõ hơn về hiện tượng này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh cho biết: “Biểu hiện phản ứng thuốc sau khi tiêm vắc xin Sởi – Rubella hay còn gọi là triệu chứng của y tế học đường. Yếu tố nguy cơ là có sự kích thích tác động gây lo lắng, nữ thường gặp nhiều hơn nam dẫn tới các hiện tượng chóng mặt, buồn nôn, suy nhược, đau đầu và ngất xỉu. Tính năng điển hình là xuất hiện cấp tính, lây lan nhanh chóng. Các biểu hiện này, đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo đối với lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi có sự thay đổi về trạng thái tâm lý khi tham gia tiêm chủng vắc xin”.

Để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho các em nhỏ, sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát động và kêu gọi các bậc phụ huynh cho con trẻ tiêm phòng đúng thời gian quy định. Tránh những trường hợp xấu, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, cấp ủy chính quyền các địa phương cùng các trường học tổ chức tốt việc tiêm phòng Sởi – Rubella cho trẻ, đảm bảo mục tiêu trên 90% trẻ từ 1 – 14 tuổi được tiêm vắc xin mở rộng.

Đồng thời tổ chức tập huấn triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và cán bộ quản lý các trường học, tập huấn cấp cứu sốc phản vệ cho 16 trưởng trạm và trên 80 nhân viên y tế xã, phường. Phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, tác dụng, lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin Sởi – Rubella đến tận người dân bằng nhiều hình thức, đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng theo quy định, hướng dẫn của bộ Y tế.

Đã có những lý giải của các cá nhân có trách nhiệm liên quan đến vấn đề các học sinh phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin. Thế nhưng, trước những sự việc liên quan đến công tác khám, điều trị trong thời gian vừa qua trên cả nước, sự lo lắng của các bậc phụ huynh ở Hà Tĩnh vẫn chưa thuyên giảm. Phần đa các phụ huynh cho rằng, cần những giải thích xác đáng hơn nữa để bản thân họ và chính con em của họ có thể sớm vượt qua được nỗi hoang mang để trở lại với công việc lao động, học tập thường ngày.

Tăng cường giám sát chiến dịch tiêm phòng tại địa phương

Sau khi nhận được thông báo từ các huyện xã về vụ việc nói trên, trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh đã phân công, tăng cường thêm người đến giám sát chiến dịch tiêm phòng tại địa phương, trao đổi, tư vấn kỹ càng những khả năng có thể xảy ra sau khi các em được tiêm vắc xin Sởi – Rubella để các bậc phụ huynh có thể yên tâm hơn. Đặc biệt, nhiều em sau khi phản ứng với thuốc đã quay trở lại lớp học vẫn được trạm xá và nhà trường phối hợp quan tâm và theo dõi. Sau vụ việc nêu trên, các cán bộ y tế đã đến hướng dẫn, tư vấn giúp các em ổn định tâm lý, kèm theo những khuyến cáo trước sau khi tiêm để các bậc phụ huynh được thấu rõ và cho con em mình tiêm phòng đúng thời gian quy định. Với những động thái tích cực nói trên từ cơ quan chức năng có liên quan ở Hà Tĩnh, người dân đã bớt hoang mang và đồng ý cho con mình tiêm loại vắc xin này.

MINH HUỆ – ANH TRƯỜNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP