Khoảng trên 150 tấn lúa tại xã Thuận Lộc đã bị lên mầm |
Khi vụ lúa Hè Thu đang vào độ chín, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch rộn rã thì xuất hiện cơn bão số 4 (bão Podul) khiến người nông dân nháo nhào thu hoạch. Họ huy động mọi nhân lực, phương tiện, thậm chí thuê máy gặt lúa chạy bão.
Sau khi thu hoạch về, do trời mưa triền miên nên không thể đem lúa ra phơi. Lúa được trải ra sân, sàn nhà và mọi nơi có thể. Số còn lại đành phải đóng bì, chất đống trong nhà.
Do bị ủ nóng, lúa lên mầm rất nhanh |
Nhiều hộ dân do nhà cửa chật hẹp, lại không có kho chứa, nên buộc phải sử dụng đường làng, ngõ xóm để tập kết. Mặc dù vẫn được che chắn, phủ kín bằng lớp bạt dày, nhưng sau nhiều ngày mưa lớn, nước không thoát kịp nên bị ướt sũng. Do được trùm kín bạt, độ ẩm cao nên lúa nảy mầm rất nhanh.
Khi trời hửng nắng, hàng chục hộ dân tranh thủ ra đường dỡ bạt phơi lúa thì bất ngờ phát hiện lúa đã bị nảy mầm. Cả tuyến đường dài, với hàng trăm tấn lúa đều bị mọc mầm, có những mầm dài gần 8cm.
Phía trong đống lúa, mầm lên trắng cả đám |
Có mặt tại đây, cảm nhận của PV là lúa đã bắt đầu bị thối. Một mùi chua nồng nặc xông lên tận mũi. Bao công sức của bà con nông dân xem như đổ biển.
Bà Nguyễn Thị Hường, trú thôn Thuận Trung cho biết: “Gia đình tôi gặt được 5 sào với hơn 1 tấn lúa nhưng không có chỗ phơi nên bị lên giá, ngoài đồng còn 3 sào nữa đang bị ngập lụt”.
Bên trong đống lúa này, mầm đã mọc rất dài |
Gặp PV, bà Song, cùng trú thôn Thuận Trung thông tin, số lúa ở nhà còn mọc mầm dài hơn nữa, mặc dù gia đình đã bật quạt điện suốt ngày đêm để cho thoáng mà cũng không được.
Một trong những hộ làm nhiều ruộng nhất trên địa bàn là gia đình chị Hường Cảnh. Vụ Hè Thu vừa qua, hộ dân này cấy gần 5 mẫu, đã gặt hơn hai mẫu với khoảng trên 4 tấn lúa, bị nảy mầm khoảng 50%, còn gần 2 mẫu đang bị ngập lụt.
Thứ ngoài đồng bị mất đã đành, thứ gặt về cũng không còn giá trị |
Một người dân cho cay đắng nói: “Không gặt thì không được, mỗi sao chúng tôi phải thuê 130 ngàn tiền gặt, 80 ngàn tiền vận chuyển. Chưa kể tiền cày cấy, phân bón, phòng trừ sâu bệnh. Thứ này gà vịt nó cũng chẳng thèm ăn nữa”.
Trao đổi với Infonet, ông Bùi Quang Liêm, Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc cho biết: “Do tranh thủ chạy bão nên người dân địa phương thuê máy gặt với số lượng lớn, vì thế không có chỗ để, phải tấp theo từng đống từ trong nhà ra ngoài đường”.
“Toàn xã có trên 320 ha diện tích lúa Hè Thu, hiện còn khoảng 80 ha đang ngoài đồng, trong đó 60 ha bị ngập hẳn. Thứ ngoài đồng bị mất thì đã đành, thứ đã gặt về cũng không còn giá trị bởi tính bình quân có khoảng 50% đã bị lên mầm tương đương trên 150 tấn lúa”, ông Liêm nói thêm.
Tác giả: Trần Hoàn
Nguồn tin: Báo Infonet