Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Lỗ hổng trong quản lý kinh doanh cát sỏi tự phát

Bước vào mùa cao điểm xây dựng, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện rất nhiều bãi tập kết cát sỏi tự phát gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng.

Nở rộ bãi tập kết cát sỏi tự phát

Thời điểm này, dọc Quốc lộ 1A và các tuyến Tỉnh lộ, đường dân sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có rất nhiều bãi tập kết cát sỏi mọc lên ven đường. Quy mô kinh doanh khác nhau, nhưng điểm chung của hầu hết các bãi tập kết cát sỏi đều được hình thành một cách tự phát, chủ yếu để phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở và một số công trình dự án.

Những địa bàn cách xa các mỏ khai thác cát ở sông La, sông Lam như: TP Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh,... số điểm, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi tự phát mọc lên ngày càng nhiều hơn so với trước đây.

Bãi tập kết cát của gia đình anh Lê Văn Hải ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên vi phạm hành lang giao thông, cát vương vãi, gây ô nhiễm môi trường trên Quốc lộ 1A.


Sau nhiều năm trăn trở tìm hướng làm ăn, nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Lê Văn Hải ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên quyết định làm nghề kinh doanh cát sỏi. Không có bãi tập kết cát sỏi theo đúng quy hoạch, anh đã phải tận dụng khoảng đất trống ngay sát Quốc lộ 1A để thu mua cát từ khắp mọi nơi về buôn bán, kinh doanh. Kể từ khi bãi tập kết, kinh doanh cát hình thành, mỗi ngày có hàng trăm m3 cát được đưa về đây rồi bán đi phục vụ các công trình xây dựng.

Trao đổi với phóng viên, anh Hải thừa nhận: Do là bãi tập kết cát sỏi nằm ngoài quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh nên điều kiện hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường và các hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định. Cũng theo anh Hải, bãi tập kết cát hiện chưa có tường rào và cây xanh bao quanh nên nhiều lúc phương tiện vận chuyển ra vào đã xảy ra tình trạng cát vương vãi khắp nơi làm hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 1A.

Kinh doanh cát sỏi ngay dưới cột điện ở xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn lưới điện.


“Làm nghề kinh doanh cát sỏi, dù cá nhân hay doanh nghiệp, dù có giấy phép hay tự phát cũng đều phải đầu tư mua sắm máy móc xúc cát, phương tiện vận tải để duy trì hoạt động. Bãi tập kết cát của tôi nằm sát Quốc lộ 1A trên thực tế rất thuận lợi trong kinh doanh, nhưng dù ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn giao thông. Điều này đã được chính quyền địa phương và các ngành chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm, về phía cá nhân đang từng bước khắc phục. Nguyện vọng là thời gian tới sẽ có một địa điểm phù hợp, nằm trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng để tôi làm các hồ sơ, thủ tục pháp lý, duy trì nghề kinh doanh cát lâu dài nhằm ổn định cuộc sống, thu nhập và phục vụ nhu cầu của nhân dân”, anh Hải chia sẻ.

Quản lý lỏng lẻo?

Bãi tập kết cát sỏi tự phát mọc lên nhan nhản vào thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng được cho là nhu cầu tất yếu của thị trường. Bởi, tại Hà Tĩnh, sau Tết Nguyên đán đến mùa Hè là thời điểm mà người dân, doanh nghiệp thường tập trung xây dựng nhà ở và các công trình dự án.

Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng cao, rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh tay “rót vốn” đầu tư kinh doanh cát sỏi. Vậy nhưng, điều nghịch lý là hầu hết bãi tập kết cát sỏi suy cho cùng chỉ tận dụng khoảng đất trống ven đường, vườn nhà ở hoặc thậm chí ngay cả trong khu vực đô thị, nơi có đông dân cư sinh sống để kinh doanh theo thời vụ. Đó là chưa kể đến một số nơi cát sỏi được tập kết, kinh doanh ngay dưới chân cột điện, nguy cơ mất an toàn lưới điện, an toàn cháy nổ luôn tiềm ẩn.

Bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi tự phát quy mô lớn ven tuyến Tỉnh lộ 17, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà.


Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Phạm Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 34 điểm, bãi tập kết kinh doanh cát sỏi, nhưng mới chỉ có 2 bãi tập kết cát sỏi nằm trong quy hoạch và có các hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định. Các điểm, bãi tập kết cát sỏi còn lại đều tự phát mọc lên, không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện liên quan trong kinh doanh cát sỏi. Trước tình hình đó, huyện đã tăng cường kiểm tra, rà soát, lập biên bản xử lý vi phạm, yêu cầu các hộ kinh doanh cát sỏi giải tỏa, ngừng hoạt động trái quy định trước ngày 15/8/2021.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi, vậy tại sao các bãi tập kết cát sỏi tự phát vẫn ngang nhiên hoạt động mà chưa bị giải tỏa, đình chỉ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khối lượng cát sỏi của các hộ kinh doanh tồn dư nhiều nên chưa thể xử lý kịp thời, dứt điểm. Hệ lụy là gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, văn bản xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, thuyết phục trong kinh doanh cát sỏi. Trước mắt, huyện yêu cầu các chủ hộ không được tiếp tục thu mua, tập kết cát sỏi về kinh doanh, buôn bán và có kế hoạch chuyển đổi nghề lao động phù hợp để ổn định sinh kế lâu dài.

Các bãi tập kết ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa đất cát lầy lội vương vãi khiến người dân bức xúc.


“Huyện cũng đã làm văn bản trình Sở Xây dựng Hà Tĩnh đưa vào quy hoạch 11 bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi. Sau khi hệ thống điểm, bãi tập kết kinh doanh cát sỏi lòng sông được phê duyệt, huyện sẽ đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, trình UBND tỉnh phê duyệt. Qua đó, nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm, thiết bị máy móc... để thuê đất kinh doanh cát sỏi theo đúng quy định của pháp luật”, ông Phạm Hoàng Anh nói.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện chỉ có 30 điểm, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi có đủ điều kiện và các hồ sơ, thủ tục pháp lý kinh doanh. Còn lại có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm điểm, bãi tập kết cát sỏi tự phát mọc lên tại nhiều địa bàn trong tỉnh.

Về vấn đề này, ông Trần Xuân Thạch - Phó Trưởng phòng Quản lý nhà, thị trường bất động sản và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Hà Tĩnh thông tin: Nguyên nhân xuất hiện nhiều bãi tập kết cát sỏi tự phát là do lợi nhuận kinh doanh, thị trường tiêu thụ lớn, nhất là ở các huyện không có mỏ khai thác cát sỏi lòng sông. Qua rà soát thực tế và đề xuất của các huyện, Sở Xây dựng đã lập đề cương, nhiệm vụ về chương trình phát triển vật liệu xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt.

“Liên quan đến hạ tầng bến bãi, địa điểm kinh doanh và những vấn đề về nguồn gốc cát sỏi, công bố hợp chuẩn, hợp quy, Sở Xây dựng đang yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tập trung phối hợp kiểm tra, rà soát, đánh giá khách quan về hoạt động kinh doanh cát sỏi. Qua đó nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục kịp thời việc kinh doanh khai thác cát sỏi không đúng quy trình, quy định; kiểm soát, hạn chế tối đa tình trạng khai thác lậu, hoặc tiếp tay cho khai thác cát lậu, tiêu thụ cát sỏi không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, các khoản thuế của Nhà nước”, ông Trần Xuân Thạch khẳng định.

Kinh doanh tự phát gây nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc, công bố hợp chuẩn, hợp quy cát sỏi.


Công bằng mà nói những động thái từ phía Sở Xây dựng và các bên liên quan trong chấn chỉnh hoạt động kinh doanh cát sỏi tự phát là hết sức tích cực, đầy trách nhiệm. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thêm, việc để xẩy ra tình trạng kinh doanh, buôn bán cát sỏi tự phát nở rộ "mọc lên" ở nhiều nơi, suốt một thời gian dài phần nào cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng của các cấp, các ngành chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh. Sự thờ ơ, buông lỏng quản lý trong kinh doanh cát sỏi, hay những biểu hiện tiêu cực đối với những lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm nói chung, cát sỏi nói riêng rất khó có thể chấp nhận. Đó là chưa kể đến những câu hỏi mà dư luận đặt ra về có hay không vấn nạn “bảo kê”, hoặc các cấp có thẩm quyền phớt lờ tiếp tay cho kinh doanh cát sỏi trái quy định của pháp luật?

Cát sỏi là vật liệu xây dựng thông thường, không thuộc diện cấm trong kinh doanh, nhưng đã kinh doanh thì phải đảm bảo các điều kiện theo quy định. Việc ở tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện rất nhiều bãi tập kết cát sỏi tự phát "mọc lên" trong mùa xây dựng cho thấy công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước vẫn còn bất cập, lỏng lẻo. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cấp, các ngành chức năng đối với những tổ chức, cá nhân kinh doanh cát sỏi tự phát gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và đủ sức răn đe dẫn đến bãi tập kết cát sỏi tự phát cứ thế mọc lên trong sự bức xúc, hoài nghi của dư luận?

Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP