Tuỳ bút Quê hương

Hà Tĩnh: Ký ức về một trung đội anh hùng

Chiến tranh, cũng như một phần của lịch sử dân tộc, nhiều khi chỉ được ghi lại đầy đủ nhất trong ký ức của nhân dân. Với Trung đội súng máy phòng không 12 ly 7, tập trung từ năm 1965 đến 1972, nhận nhiệm vụ bảo vệ thị xã Hà Tĩnh và từng bắn rơi bốn máy bay Mỹ là một trường hợp đặc biệt. Ðặc biệt hơn, đây là một trung đội chủ yếu là nữ, phần đông là học sinh mới 17, 18 tuổi. Sau chiến tranh, Trung đội đã giải tán, nhưng ký ức về họ sẽ còn mãi…


Gặp những người “bắn rơi thần sấm”


Hơn 37 năm sau chiến tranh, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người làm nên chiến tích bắn rơi F4H – được “mệnh danh’’ là “thần sấm’’. Những người lập chiến công như huyền thoại ngày xưa, giờ đang lặng lẽ mưu sinh trên những con phố họ đã từng chiến đấu bảo vệ.


Ông Huỳnh Minh Lâm, 65 tuổi, người từng cùng Trung đội chiến đấu trong giai đoạn đầu tiên từ năm 1965 đến 1968, có một vẻ hài hước ẩn sâu trong một thân hình gầy. Là xạ thủ số một, ông là một trong những người đã trực tiếp bắn rơi máy bay. Ông vẫn giữ Bằng khen của Tỉnh đội Hà Tĩnh trong ngăn tủ nhà mình, mặc dù khi lấy cho chúng tôi xem, tấm Bằng khen đã rách. Bằng khen ký ngày 1-5-1967 ghi rõ: “Ðồng chí Huỳnh Minh Lâm, Chiến sĩ du kích Thị xã Hà Tĩnh. Ðã có thành tích chiến đấu, góp phần chiến thắng bắn rơi máy bay giặc Mỹ trong hai ngày 10 và 19-4-1967”. Ông kể: “Tui nhớ lần đầu tiên bắn rơi máy bay là tại trận địa Cồn Mít. Lúc đó vào khoảng một, hai giờ sáng, có báo động, cả khẩu đội đang ngủ, mình tui ra nhìn vào cái điểm nhấp nháy trên trời bắn hai điểm xạ. Ðến ngày hôm sau, người ta mới báo về là tui bắn rơi được một máy bay. Chớ lúc đó tui có biết mô”. Hỏi thêm nữa thì ông lại nhớ về đồng đội. Ông kể nhiều về người Trung đội trưởng đầu tiên, ông Phan Văn Thịnh – là người duy nhất có kinh nghiệm chiến đấu vì Thịnh là cựu binh thời chống Pháp, còn lại anh em đều là học sinh, xã viên HTX, chỉ được huấn luyện cấp tốc mấy ngày rồi cứ thế vác đại liên ra trận địa. Hỏi về cái lần bắn rơi máy bay thứ hai sau đó chín ngày, thì trong ký ức ông Lâm như có điều gì đó lóe sáng. Ông nhớ về người đồng đội đã vác khẩu 12 ly 7 chạy từ trận địa này sang trận địa khác. Ðến đây, ông Lâm vốn đang ốm yếu bỗng bật dậy, chạy phăm phăm dọc theo phòng khách để mô tả lại hành động cõng cả khẩu súng máy của đồng đội. Rồi ông bật cười sảng khoái.


Theo lời kể của ông Lâm cùng sự tận tình của Thiếu tá Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự TP Hà Tĩnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Duy Hưởng ở phường Nam Hà – trước đây là xã Thạch Phú, TP Hà Tĩnh. Khi nhìn thấy người đàn ông cao lớn, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng nước da vẫn đỏ như đồng hun, nói cười oang oang, chúng tôi thật sự tin câu chuyện vác cả khẩu 12 ly 7 chạy từ trận địa này sang trận địa khác không phải là “huyền thoại”. Sau này chúng tôi được biết, cả khẩu súng này nặng 126,5 kg. Ông Hưởng kể, bắn trúng được máy bay ở trận địa Cồn Than, sợ lộ trận địa, cho nên cả khẩu đội lập tức di chuyển về Hồ Dâu, cách đó khoảng hơn một cây số. Bình thường, bảy người trong khẩu đội sẽ chia nhau mỗi người một việc, người gánh đạn, người vác nòng, vác chân, người đẩy xe ba gác chở thân súng… Nhưng vì quá gấp gáp, không có thời gian dỡ ra từng thứ một, ông Hưởng đã cõng ào cả khẩu 12 ly 7 mà chạy. “Khi đó kể chi mô, chiến tranh mà. Hồi đó tui mới 24 tuổi, cao 1m73, nặng tới 72 cân, khỏe lắm. Ðồng đội vẫn gọi tui là “con voi của Trung đội” mà”. Năm 1968, ông Hưởng là một trong số 15 chiến sĩ nam của trung đội đã cùng bốn khẩu 12 ly 7 gia nhập quân đội, vào chiến trường miền nam. Khi nhập ngũ, ông lại có danh “con voi của tiểu đoàn” (Tiểu đoàn Hồng Lam) vì từng vác cả tạ lương thực leo lên núi hơn một nghìn mét. Vừa kể chuyện, ông vừa lục tủ lôi ra hai tấm Bằng khen và một Giấy khen đều đã mủn mục, trong đó có Bằng khen về việc góp phần chiến thắng máy bay Mỹ trong các ngày 26 và 31-3-1965, lúc Trung đội mới thành lập. Kể về lần vác khẩu 12 ly 7 nặng tạ hai chạy phăm phăm ấy, ông Hưởng không nhận mình giỏi giang, chỉ vì khỏe, cho nên làm được điều ấy. Mà ông luôn nhắc đến “chị Thống” – bà Trương Thị Thống, Trung đội trưởng từ năm 1969, thì giỏi thật sự vì: “Chị ấy cao chưa được mét rưỡi, nặng hơn 40 cân, rứa mà gánh bốn thùng đạn chạy bộ 28 cây số”.


Ký ức nối ký ức


Tài liệu chính thức về Trung đội súng phòng không 12 ly 7 ở TP Hà Tĩnh hầu như không nhiều. Chiến tranh kết thúc, hàng chục năm sau, vẫn ít người nhắc đến một đơn vị từng làm nên các kỳ tích như thế. Tới đầu năm 2011, xét thấy đây là trường hợp đặc biệt, có thành tích xuất sắc, được quần chúng nhân dân suy tôn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh thu thập tư liệu, mong muốn đề nghị tuyên dương Trung đội Anh hùng. Tư liệu chỉ còn lại vài ba tấm ảnh, một bảng lương viết bằng tay, có chữ ký và con dấu xác nhận của Thị đội Hà Tĩnh năm 1968, một tờ danh sách nhận quân trang có tên tuổi của cả trung đội cũng có chữ ký và dấu xác nhận của Thị đội, một Huân chương Chiến công hạng ba năm 1967, một Huân chương Chiến công hạng nhì năm 1969… Chỉ có trong ký ức của ông Phan Văn Thịnh, Nguyễn Duy Hưởng, bà Trương Thị Thống, là lịch sử gần như còn nguyên vẹn.


Trong trí nhớ của ông Phan Văn Thịnh, lịch sử về Trung đội vẫn còn rõ nét. Trung đội được thành lập tháng 2-1965, khi đó chỉ có 35 người, gồm 20 nữ và 15 nam, chủ yếu là thanh niên, học sinh từ 17 đến 20 tuổi, một số xã viên HTX nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của thị xã Hà Tĩnh. Họ được trang bị bốn khẩu đại liên và một số súng trường để bắn máy bay tầm thấp. Ngày 26-3-1965, Trung đội đã sát cánh cùng các đơn vị quân đội pháo cao xạ và lực lượng dân quân tự vệ địa phương bắn rơi 12 máy bay Mỹ. Trận thắng đầu tiên còn ghi rõ trong ký ức của người dân Hà Tĩnh, nhiều người dân vẫn có thể đọc thuộc lòng bài thơ Mừng chiến thắng trời quê của nhà thơ Duy Thảo và bài vè Thần Sấm ngã của tác giả Lê Thanh Bình, vốn là công nhân của công trường 20-4.


Năm 1968, toàn bộ Trung đội súng máy do ông Phan Văn Thịnh làm Trung đội trưởng nhận nhiệm vụ mới, hành quân vào chiến trường Bình Trị Thiên. Thị xã Hà Tĩnh khi đó vẫn phải chống chọi với mưa bom, bão đạn, trong khi hầu hết đàn ông đã ra chiến trường, Trung đội lại được tập trung với quân số chủ yếu là phụ nữ. Trung đội trưởng là bà Lê Thị Cẩm Thạch. Ðến năm 1969, thì Trung đội tạm giải thể. Một năm sau, khi Mỹ tiếp tục leo thang bắn phá miền bắc, Hà Tĩnh trở thành trọng điểm ác liệt, Trung đội được thành lập lại. Từ năm 1969 đến 1972, bà Trương Thị Thống giữ chức Trung đội trưởng. Suốt mấy năm, Trung đội đã tham gia nhiều trận chiến đấu ở khu vực Cầu Ðông, Cầu Phủ, Thạch Hòa, Thạch Yên, Cồn Cò, Ðồng Quế, rồi cơ động lên tận Khe Giao, chợ Gát, Thạch Vịnh, Thạch Ðài. Những năm tháng ấy, đối với bà Thống, bà Liên, bà Hoa là niềm vui đánh trận, là hăng say lập công, thật sự coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Thường trực chiến đấu trong các năm tháng giặc Mỹ leo thang bắn phá miền bắc, trực tiếp bắn rơi bốn máy bay Mỹ, Trung đội có ba lần mừng công. Trải qua ba thời kỳ bổ sung, toàn Trung đội có 95 người, đến khi hết nhiệm vụ, có 10 liệt sĩ, 25 thương binh. Sau khi kết thúc chiến tranh, Trung đội giải thể, những người anh hùng ấy lại trở về đời sống bình dị hằng ngày, chẳng ai hay biết. Từ năm 1991, Ban liên lạc Trung đội được thành lập và kết nối được hầu hết những đồng đội. Họ lấy ngày 26-3 làm ngày truyền thống.


Lịch sử cần ghi danh


Khó có thể hình dung người đàn ông bé nhỏ, mấy chục năm ngồi sửa chữa xe đạp ở góc đường trong thị xã nhỏ bé này từng là Trung đội trưởng đầu tiên của một Trung đội Anh hùng. Năm 1972, Trung đội súng máy phòng không 12 ly 7 của thị xã Hà Tĩnh giải thể, ông Phan Văn Thịnh vẫn ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1973, ông giải ngũ và lặng lẽ trở về sửa xe đạp ở góc đường. Ðó là công việc mà trước chiến tranh ông vẫn thường làm để nuôi sống gia đình. Mấy năm gần đây, sức khỏe yếu, ông không ngồi sửa xe đạp nữa. Cũng may là có bà vợ tháo vát, đảm đang với quầy hàng khô ngoài chợ tỉnh. Và hàng xóm lại quen với hình ảnh một ông già gầy gò mỗi trưa nắng cũng như mưa, đều đặn đạp xe với cặp lồng cơm trên ghi-đông, mang ra chợ “tiếp tế” cho vợ. Buổi trưa, khi chúng tôi có mặt ở nhà ông, ông vừa đi bệnh viện ở Hà Nội về. Bệnh tim rất nặng khiến hai mắt ông thâm quầng, gương mặt hốc hác xanh xao. Nhưng vẻ nhanh nhẹn, tinh anh của người chỉ huy ngày nào như vẫn còn nguyên. Ông có thể ngồi kể hàng giờ, rõ ràng rành mạch về Trung đội của mình. Ký ức của ông như một pho sử sống. Rồi chúng tôi thấy lại trong những tràng cười vang sảng khoái và hài hước của ông Nguyễn Duy Hưởng – sau chiến tranh ông là thương binh, mất một tay. Người vợ của ông cũng là thương binh, cùng lần giở lại những Bằng khen, kể về quá khứ với nụ cười tươi rói. Mặc dù hai ông bà đều mang trên mình thương tật, cũng chẳng có công việc gì cụ thể, lần hồi nuôi nhau và nuôi con cái trưởng thành. Sau chiến tranh, vợ chồng ông bà được Phó Chủ tịch tỉnh ký ưu tiên cho mua một cái xe đạp. Ðó là tài sản lớn nhất, cũng là kỷ vật quý giá nhất của ông bà.


Còn bà Trương Thị Thống, người trung đội trưởng cuối cùng hiện giờ sống nhờ vào việc làm đá lạnh bán lẻ gần chợ tỉnh. Bà kể chuyện gánh đạn, chuyện chị em háo hức “săn máy bay” đến nỗi mắc sai lầm rồi bị lộ mục tiêu và hy sinh mất ba người vào ngày 21-7-1972, bà quệt nước mắt vì đến giờ vẫn thương các em non dại quá. Hàng đá lạnh của bà, chốc chốc lại có một em nhỏ đến mua, bà treo túi ni-lông đá lên ghi-đông của khách, tay cầm mấy đồng tiền lẻ cất đi. Nhìn bà bây giờ, thật khó hình dung đó là người Trung đội trưởng nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ và quyết liệt một thời. Bà Thống vẫn nhớ từng người trong Trung đội thân thương. Người còn sống thì lặng lẽ trong cuộc sống đời thường, chưa được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào. Tuy nhiên, Thiếu tá Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, hiện đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Trung đội theo trường hợp cá biệt mới phát hiện và thành tích đặc biệt xuất sắc.


Dù chuyện được phong Anh hùng còn nhiều khó khăn vì tài liệu giấy tờ liên quan hiện không còn giữ được. Nhưng với các thành viên Trung đội hiện còn sống, mỗi năm vẫn đều đặn gặp nhau một lần vào dịp 26-3 để cùng kể lại cho nhau nghe những câu chuyện hào sảng một thời.


HỒNG MINH, THẢO LÊ

Baimoi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP