Thạch Hà

Hà Tĩnh: Kỳ lạ người già và người tàn tật phải đóng các loại quỹ không phiếu thu

Câu chuyện người nghèo, người già cả neo đơn, người tàn tật, thậm chí người đã chết gần 1 năm nhưng vẫn có trong danh sách đóng nộp các loại quỹ năm 2016 đang gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân tại xã Thạch Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) và dư luận.

Quỹ tự nguyện hay bắt buộc?

Thạch bàn là một xã nghèo, đời sống người dân chủ yếu dựa vào diêm nghiệp, phần lớn là không có việc làm ổn định. Tuy nhiên, những ngày qua câu chuyện nộp tiền nghĩa vụ đang gây bức xúc trong làng, xã sau khi được nghe loa phát thanh của thôn đọc tổng số tiền mỗi hộ gia đình phải nộp.

Không biết là những tiền gì, thôn trưởng cứ đọc tổng các khoản lại rồi ai có tiền thì đưa lên nộp, ai không có thì vay mượn… là điều đã quen thuộc với người dân xóm Thanh Long, xã Thạch Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Chỉ khổ cho những người già neo đơn, người tàn tật, những hộ nghèo hoàn cảnh khó khăn, bình thường ăn chẳng đủ lấy đâu ra tiền mà nộp cho thôn, cho xã…

Chúng tôi tìm đến nhà bà Bùi Thị Mày, khi đến nơi, chúng tôi không còn biết dùng câu gì mới nói lên được hết sự bần cùng hơn nữa. Bà bị mù từ thửa lọt lòng, sau khi cha mẹ mất, bà không có nhà phải ở nhờ nhà em trai. Năm 2014 được hỗ trợ xin xây một căn nhà nhỏ trên mảnh vườn của em để có chỗ chui vào chui ra, ấy vậy mà đợt thu ngân sách nào của xã bà cũng không tránh khỏi.

hatinh24h (2)

Bà Bùi thị Mày là người tàn tật nhưng năm nào cũng phải đóng các loại quỹ của xã

Quệt ngang giọt nước mắt bà Mày tâm sự: “Mắt đui chẳng làm được gì, khổ quá xin xây một túp lều nhỏ để ở mà khi nhà xây xong tiền xã cũng mới đưa được một ít, tiền công thợ, tiền vật liệu đang nợ của người ta, mấy lần họ dọa không có tiền trả sẽ đập nhà nhưng tôi cũng nào làm được gì đâu. Mấy hôm nay nghe thôn lại loa phải đóng thêm 60 nghìn tiền ngân sách nữa giờ biết lấy tiền đâu mà đóng đây”.

Bà Mày cho hay: Đất đai không có, ruộng vườn cũng không, trước đây còn đi ở đợ cho người ta kiếm ít tiền sống qua ngày chứ như bây giờ sức khỏe yếu, chẳng thể làm được gì nữa.Bây giờ đến tháng chỉ biết trông chờ vào hơn 400 nghìn tiền trợ cấp dành cho người tàn tật để mà sống.

 “Năm ngoái tôi mù lòa không đến nộp là thôn họ vào tận nhà thu, năm này chắc cũng thế thôi”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh dù chồng chết đã gần được 1 năm nhưng khi thôn gọi lên đóng nộp tiền ngân sách gia đình bà vẫn phải gánh hai lao động trong khi nhà có 3 người mà 2 người con đang đi học.

Ông Phạm Văn Trường – chồng bà Thanh dù đã mất gần 1 năm nhưng vẫn có tên trong danh sách đóng nộp quỹ

Bà Thanh bức xúc nói: “Trước đây chồng ốm nằm liệt giường không làm lụng được gì, xin xã giảm cho tiền thuế vậy mà cũng không được giảm. Giờ chồng đã mất gần 1 năm trời thế mà đến khi thôn gọi lên nộp thuế gia đình tôi vẫn phải đóng 2 lao động thế có vô lý không. Tôi từ trước đến nay một mình đầu tắt mặt tối kiếm tiền lo cho con ăn học. Kiếm được đồng nào cũng vừa lo đóng tiền học cho con, tiền trang trải cuộc sống, mà đến khi chồng chết rồi vẫn còn chịu 1 lao động. Chẳng lẽ đến người chết cũng phải nộp thuế hay sao?”

“May là tôi để ý chứ không là có biết đâu, nhìn vào bảng thu ngân sách rõ ràng thấy đề 2 lao động thật vô lý. Tôi hỏi xóm trưởng ông còn bao biện rằng chắc là do đứa con gái đi lấy chồng chưa cắt khẩu nên họ tính vào. Các cô thấy hay không, con gái tôi đi lấy chồng hơn 2 năm nay, mọi quyền lợi gì ở xã đều bị cắt hết chả nhẽ chỉ đến khi phải nộp thuế xã mới nhớ tới nó?” – Bà Thanh nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Khánh thuộc hộ già cả, neo đơn, dù đã 86 tuổi, một thân một mình sống trong căn nhà nhỏ lụp xụp, hàng ngày phải có con cháu chạy tới chạy lui để chăm sóc, ấy vậy mà cụ vẫn được gọi tên lên để nộp thuế.

Cụ nguyễn xuân khánh đã 86 tuổi vẫn nằm trong danh sách nộp các loại quỹ

Ở tuổi của cụ, tự lo cho bản thân của mình còn khó chứ nói gì đến làm việc mà nuôi sống bản thân. Hàng tháng cụ chỉ biết dựa vào tiền của con cháu chu cấp, tiền trợ cấp 270 nghìn nhà trước trợ cấp tiền cho người già thế mà chưa năm nào là cụ không nằm trong danh sách nộp các loại quỹ của xã.

Cụ Khánh cho hay: “Hôm vừa rồi nhờ đứa cháu mang tiền lên thôn nộp, xin không nộp các khoản tiền tự nguyện như hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, hội khuyến học, hội vì người nghèo… có được không vì tôi già cả thế này có tiền đâu mà đóng, thế mà ông Đức xóm trưởng bảo nếu không đóng thì khi có quà bên trên cho về thì cụ sẽ không được nhận. Nói là tự nguyện chứ năm nay cụ không đóng thì họ lại ghi nợ vào đấy bắt năm sau phải trả”.

Nộp tiền không có phiếu thu hay biên lai

Khi PV hỏi người dân thôn Thanh Long về việc trước khi xã đọc thông báo nộp tiền người dân có được họp hay thông báo công khai về các khoản thu, cũng như mức thu hay không thì tất cả người dân ở đây đều lắc đầu không có.

Họ bàn bạc đâu bên trên rồi lập danh sách với tổng số tiền bao nhiêu đó chúng tôi cứ biết thế mang đến nộp chứ đâu có họp hành gì. Ai cẩn thận đến nộp còn xem gia đình mình phải đóng những khoản gì, còn không thì cứ theo số tổng thôn trưởng đọc trên loa đó mang đến mà nộp. Có những hộ gia đình đi khỏi địa phương 4 năm rồi mà chưa chuyển khẩu vẫn có trong danh sách thu các loại quỹ – một người dân cho biết.

Khi PV thắc mắc việc nộp tiền thuế, tiền quỹ này là thì phải có phiếu thu, chứ sao lại không biết gia đình mình phải nộp những khoản nào. Một người dân cho hay, ở đây mấy chục năm nay có khi nào chúng tôi nộp tiền mà có phiếu thu hay biên lai gì đâu, cứ biết thôn loa lên nộp tiền, nộp xong cứ thế mà về thôi.

Danh sách đóng nộp tiền quỹ của thôn Thanh Long vẫn có tên bà Mày và Cụ Khánh

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc qua điện thoại với ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn, nhưng nhiều lần ông Hải từ chối với lý do bận họp. Sau đó, PV đã đến trực tiếp tại phòng Chủ tịch thì ông Hải nói việc này anh giao cho kế toán, bọn em liên hệ kế toán làm việc, anh giờ bận chuẩn bị họp.

Thông tin về vấn đề này, bà Trần Thị Quế Hoa – Kế toán xã Thạch Bàn cho biết, xã lập danh sách các thôn vào thu đúng theo quy định của nhà nước, bọn chị không hề thu thêm một khoản nào.

Theo danh sách kế toán cung cấp thì xã chỉ thu tiền thuế đất phi nông nghiệp, cùng 4 loại quỹ đó là quỹ QP – AN, quỹ đền ơn đáp nghĩa; bảo trợ trẻ em; phòng chống thiên tai còn ngoài ra xã chỉ thu giúp các loại quỹ khác cho các hội như người cao tuổi, hội chữ thập đỏ, khuyến học, quỹ vì người nghèo… Đây cũng là các loại quỹ do các hội nhờ xã thu hộ chứ nếu ai thắc mắc xã không chịu trách nhiệm về các khoản thu này – Chị Hoa giải thích.

Không những thế theo quy định các đối tượng được miễn là người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, gia đình người có công, gia đình chính sách được miễn các loại thuế, loại quỹ theo luật định và vận động nhưng ngược lại ở đây các loại quỹ tự nguyện vì sao ở đây họ vẫn đóng thì được xã giải thích cái này là do thôn và do các hội chứ xã không nắm.

Trong khi hỏi đến phiếu thu thì chị Hoa chỉ giải thích: Bọn chị đã mua về chỉ tại thôn không lên lấy, đó là lỗi của thôn không phải lỗi của bọn chị.

Đúng là ngỡ ngàng khi người thực thi trách nhiệm còn nói như vậy thì những người dân lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn thì họ biết đằng nào mà hỏi, đằng nào mà đòi quyền lợi khi đóng tiền mà không biết nguồn đó đi về đâu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Đông, Phó trưởng phòng Tài chính – Kế toán huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, việc thu các loại thuế thu theo sắc lệnh phải dựa vào quy định của nhà nước để thu, còn các loại thu tự nguyện, đặc biệt để xây dựng NTM thì phải dựa vào hướng dẫn quyết định 409 của Sở tài chính và nghiêm cấm các khoản thu khác chi vào mục đích thường xuyên.

Ông Đông nói rõ các quỹ hội thì những hộ nghèo, gia đình chính sách, người già, trẻ em, người tàn tật chúng tôi đã có hướng dẫn không được huy động. Bên cạnh đó tất cả các khoản thu được phép thu thì phải có biên lai của Sở tài chính ban hành. Tất cả các khoản thu đều được đóng vào ngân sách nhà nước nhà nước nên phải có phiếu thu, nếu xã không có phiếu thu thì chính họ đã làm trái với quy định nhà nước hiện nay.

(Còn nữa)

Nhóm PV/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP