Người đương thời

Hà Tĩnh: Khởi nghiệp từ ngôi nhà bỏ hoang

 

Câu chuyện của chúng tôi với Nguyễn Công Vương (sinh năm 1987, quê quán thôn Quý Hải, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch hà, Hà Tĩnh; Chủ nhiệm tổ hợp tác sản xuất tổng hợp thuộc đoàn xã Thạch Ngọc) bắt đầu từ ngôi nhà bỏ hoang. “Chí Phèo và Thị Nở thì gắn liền với lò gạch cũ bỏ hoang; còn ba anh em chúng cháu (gồm Nguyễn Công Vương, Trần Phương Nam, Nguyễn Viết Hải) lại bắt đầu khởi nghiệp từ ngôi nhà cũ bỏ hoang này”. Vương vừa nói, vừa cười .

  >> Hà Tĩnh: Rời phố về quê thành tỷ phú

  >> ‘Đất nở Hoa’ dưới chân núi Hồng Lĩnh

Nguyễn Công Vương kiểm tra nấm.
Nguyễn Công Vương kiểm tra nấm.

Ngôi nhà cũ bỏ hoang mà Vương nói  cách đây hơn nửa thế kỷ vốn là Hội trường Hợp tác xã Quý Hải. Khi Hợp tác xã “tan đàn sẻ nghé”, hội trường  để trống. Sau đó  trường MN xã Thach Ngọc xin sửa chữa làm lớp học. Năm 2010, trường MN chuyển sang cơ sở mới, dãy nhà 5 phòng bỏ hoang. “  Nhà xây cấp 4, kèo sắt, lợp ngói đã hết thời gian sử dụng”. Ồng Trần Hậu Công – Thôn trưởng thôn Quý Hải trao đổi.

Năm 2013, được sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo Huyện đoàn, xã đoàn, tổ hợp tác thanh niên 3 người do Nguyễn Công Vương làm chủ nhiệm ra đời. Tổ hợp tác đầu tư vào lĩnh vực  sản xuất nuôi trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

“Ngày đầu bàn tay trắng lập nghiệp, chúng cháu được xã cho mượn dãy nhà 5 phòng và hơn 4000m2 đất để làm nhà xưởng, lán trại. Cũng nhờ ngôi nhà bỏ hoang này mà chúng cháu có nơi che nắng, che mưa, có nơi ở, làm việc, có kho để chứa nguyên vật liệu và một phần có không gian để thí nghiệm. Chập chững những ngày đầu khởi nghiệp, 5 gian nhà trống bỏ hoang ấy là cả một vấn đề. Chúng cháu đã tận dụng nó để hiện thực hóa các ý tưởng”. Trần Phương Nam nhớ lại.

Theo Nguyễn Công Vương gian nhà là không gian thử nghiệm những bịch nấm đầu tiên. Khi thử nghiệm thành công, tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư sản xuất. “ Gia đình chúng em đều nghèo nên không thể hỗ trợ vốn. Cho nên ngay từ ban đầu chúng em quyết định vay ngân hàng 300 triệu đồng, đầu tư vào chuồng trại nuôi gà và nhà nuôi trồng nấm. Công việc triển khai trên đà thuận lợi, bất ngờ tháng 10/2013 trận lốc xoáy xóa sổ công trình nhà nấm, mất gần 200 triệu, gần như là trắng tay, chỉ còn ngôi nhà 5 gian nữa. Loay hoay sau 1 năm lao vào sản xuất, nhà hoang lại hoàn nhà hoang”. Vương nhớ lại.

 BCH huyện đoàn khuyến khích động viên tổ hợp tác của Vương (trong ảnh: Đ/c Dương Anh Dũng  - Bí thư huyện đoàn) đến thăm CSSX nấm của tổ hợp tác thanh niên do Nguyễn Công Vương làm chủ nhiệm
BCH huyện đoàn khuyến khích động viên tổ hợp tác của Vương (trong ảnh: Đ/c Dương Anh Dũng – Bí thư huyện đoàn) đến thăm CSSX nấm của tổ hợp tác thanh niên do Nguyễn Công Vương làm chủ nhiệm

Ngọn lửa khát vọng vươn lên của tuổi trẻ…

Sau thất bại, Vương và tổ hợp tác không nản lòng, nhụt chí. UBND huyện Thạch Hà hỗ trợ 50 triệu đồng, BCH Huyện đoàn Thạch Hà, BCH xã đoàn Thạch Ngọc kêu gọi đoàn viên thanh niên giúp dọn dẹp sửa sang lại mặt bằng, tổ hợp tác lại tiếp tục vay ngân hàng đầu tư xây dựng nhà  sản xuất bán kiên cố bằng cột bê tông.

Khát vọng vươn lên làm giàu của tuổi trẻ khiến Vương, Nam, Hải lên kế hoach vừa xây dựng, vừa sản xuất, vừa học tập rút kinh nghiệm. Nào là tiếp tục học tập nắm vững kỹ thuật trồng nấm do thầy Nguyễn Văn Sáu – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện; nào là liên hệ với Sở khoa học và công nghệ Hà Tĩnh, Trung tâm nấm Thạch hà, Công ty TNHH Phú Cường, nào là tranh thủ tham gia lớp học nghề ngắn hạn chăn nuôi phòng trị bệnh cho gà, nào liên hệ với trại giống, liên hệ với các trang trại trong, ngoài địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm sản xuất.

“ Trong chúng em, cháy lên ngọn lửa khát khao phải bằng mọi giá, quyết tâm thành công. Vì vậy, ngày cũng như đêm, thức cũng như ngủ, đi đâu hình ảnh những bịch nấm, hình ảnh những đàn gà cứ ngày một lớp phổng phao hiện lên trước mắt, vừa cỗ vũ, vừa khích lệ chúng em tìm ra được bí quyết”. Vương nói.        

Nhờ sức mạnh dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, nên mặc dầu mới đầu tư vào lĩnh vực nuôi nấm, nhưng Vương đã nhanh chóng rút được kinh nghiệm nuôi nấm ở ngoài trời hiệu quả hơn là trong nhà kín. Trong 2 năm 2014, 2015 tổ hợp tác của Vương đã sản xuất được 8 tấn nấm, cho doanh thu 640 triệu đồng.  Còn gà, mỗi năm tổ hợp tác của Vương nuôi được 3 lứa, mỗi lứa 1500 con, hai năm vừa qua nuôi được khoảng 8500 con, đạt doanh thu 1,4 tỷ. Với thu nhập như vậy, tổ sản xuất của Vương đã trả được nợ ngân hàng và có tích lũy đầu tư cho sản xuất.

Máu thịt với nghề nông

Ngoài nuôi trồng nấm, chăn nuôi gia cầm, gia súc, Vương gắn bó máu thịt với ruộng đồng. Tôi không hiểu vì sao một mình Vương lại có thể canh tác 4 mẫu lúa.  Tất tần tật từ cày bừa, gieo, chăm sóc, thu hoạch, Vương đã làm một cách gọn gàng. Ông Trần Lê Hòa – Bí thư Chi bộ thôn Quý Hải cho biết: “ Tuổi trẻ như Vương thật hiếm có. Hầu hết các cháu thanh niên bây giờ học hết lớp 12 không đậu đại học thì cũng bỏ quê vào Nam đến các Khu công nghiệp tìm kiếm việc làm, không mấy ai mặn mà với đồng ruộng. Vừa rồi, UBND xã quy hoạch lại ruộng đồng để sử dụng một cách hiệu quả nguồn đất. Cháu Vương nhận 4 mẫu sản xuất lúa. Mà thanh niên tuổi trẻ, chí cao, dám nghĩ dám làm, dám đầu tư thiết bị máy móc, điều mà nông dân thủ cựu như chúng tôi không nghĩ đến”.

Chúng tôi đã đến nhà Vương. Người thanh niên này đã mua sắm máy cày, máy bừa máy gặt. Với máy móc hiện đại ấy đã giúp Vương sản xuất, thu hoạch đúng thời vụ. Tại nhà riêng, Vương còn nuôi bồ câu, giống bồ câu Pháp. Cả một sân đầy bồ câu, gần 500 con. Vương tâm sự: “ Cháu sản xuất lúa là để chăn nuôi. Mỗi năm cháu thu hoạch khoảng 15 tấn lúa. Số thóc dự trữ để chăn nuôi, gà vịt, ngan, ngỗng, lợn, cá,  chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, đặc biệt là nguồn thức ăn sạch”.

Với cách làm như vậy, từ ngôi nhà trống Vương và tổ hợp tác đã trả hết nợ cho ngân hàng, có thêm kinh nghiệm để tự tin đầu tư vào sản xuất.  

Được biết khu đất mà tổ hợp tác  của Vương mượn lâu nay sẽ được UBND xã thu hồi. Vương có ý định mua lại một phần và mở rộng trang trại theo đúng quy hoạch của UBND xã. “ Lần này, chúng cháu sẽ quy hoạch, xây dựng chuồng trại, làm cho ra tấm ra món”. Vương nói.

Mô hình tổ hợp tác của đoàn viên Nguyễn Công Vương rất phù hợp với  hoàn cảnh thực tế của địa phương. Ban cháp hành Huyện đoàn chúng tôi khuyến khích đoàn viên thanh niên học tập, nhân rộng mô hình của Vương trên địa bàn toàn huyện

(Dương Anh Dũng- Bí thư Huyện Đoàn)

 

Lê Văn Vỵ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP