Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Khi cán bộ đoàn kết, người dân đồng thuận…

Xã Thạch Thắng nằm ở phía Đông Nam của huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh, trải dài trên 5 thôn, 1/3 dân số là đồng bào có đạo. So với những xã lân cận, Thạch Thắng có nhiều khó khăn bởi địa hình sâu trũng, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Trong nhiều năm trước, tình hình nội bộ thiếu thống nhất, nhân dân mất niềm tin vào cán bộ… Thế nhưng, sự chuyển biến mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền trong điều hành, chỉ đạo cũng như quyết tâm cao của người dân đã đưa xã về đích trước 2 năm so với kế hoạch xây dựng nông thôn mới.

Nhân dân xã Thạch Thắng ra quân làm giao thông nội đồng - Nguồn: nongnghiep.vn

Đạt được kết quả đó, theo đồng chí Nguyễn Văn Tài - Bí thư Đảng ủy chính là nhờ xã có những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác cán bộ, củng cố tổ chức bộ máy Đảng, hệ thống chính trị..., trước tiên là trong công tác xây dựng Đảng và cán bộ. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã tiến hành kiện toàn lại đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, tạo sự thống nhất, đoàn kết trong chỉ đạo điều hành.

Đảng ủy xã tập trung nâng cao trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải đủ uy tín, năng lực để tập trung được sức mạnh của tập thể, thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng. Đảng ủy cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch của huyện, tình hình thực tiễn của địa phương, giải quyết những vụ việc tồn đọng, những vấn đề nhân dân bức xúc, tạo tình hình ổn định, đồng thời ban hành các nghị quyết, cơ chế thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Kế hoạch đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã là phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2019, tuy nhiên, nhờ những chuyển biến tích cực về mọi mặt, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, cuối năm 2016, huyện lựa chọn chỉ đạo Thạch Thắng về đích trong năm 2017. Là xã có điểm xuất phát thấp, khi bước vào xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí cứng như cơ sở hạ tầng, trường học, cơ sở vật chất văn hóa hầu như không đảm bảo…

Địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn trong khi nguồn lực thiếu. Xã đã nhìn nhận đánh giá một cách khách quan về những thuận lợi hết sức căn bản của một địa phương có 300 đảng viên, nhân dân luôn duy trì được đoàn kết, nhất là khối đoàn kết lương giáo. Đặc biệt, sự chuyển biến của cấp ủy, chính quyền cả hệ thống chính trị sau đại hội nên đã tạo được niềm tin, khí thế cũng như sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân nên khi đưa ra kế hoạch phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm, từ đảng viên đến người dân đều đồng tình, nhất trí.

Xác định đây là cuộc cách mạng toàn diện, trong đó người dân chính là chủ thể, cơ chế dân chủ trong Đảng, trong nhân dân được thực hành nghiêm túc. Tất cả các công trình từ đường giao thông, nhà văn hóa, đến chủ trương nhập thôn… đều được nhân dân bàn bạc công khai rồi đi đến thống nhất thực hiện. Xã, huyện chỉ hỗ trợ những phần còn thiếu, những tiêu chí khó. Nhờ có chủ trương đúng nên các phần việc diễn ra hết sức trôi chảy. Chẳng hạn, trong chủ trương nhập thôn, từ chỗ người dân còn băn khoăn không muốn thay đổi địa điểm sinh hoạt mới, chần chừ trong thực hiện nhưng bằng quá trình tuyên truyền, vận động, thậm chí tổ chức cho nhân dân đi tham quan thực tế ở những đơn vị làm tốt để thay đổi nhận thức và tạo được sự đồng tình.

Chỉ một thời gian ngắn, 10 thôn đã được nhập lại còn 5 thôn, giúp xã giảm ngân sách, giảm cán bộ, tập trung được nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. Các công trình nhà văn hóa, đường giao thông… đều huy động tối đa sức dân để hoàn thành. Sau nhập thôn, các nhà văn hóa đều chuyển ra địa điểm mới song nhờ tranh thủ tối đa nguồn lực cấp trên, sự đóng góp của cộng đồng, nhất là sức dân, 4/5 nhà văn hóa thôn đều được xây mới theo hình thức tiết kiệm, trị giá khoảng trên dưới 600 triệu đồng/nhà.

Cơ chế dân chủ không chỉ khuyến khích người dân tự nguyện đóng góp mà qua đây còn khơi dậy được tình làng, nghĩa xóm trong nhân dân. Những gia đình có nhân lực, có điều kiện hơn đã cùng các đoàn viên, hội viên xắn tay giúp đỡ gia đình neo đơn, khó khăn trong việc dọn dẹp, chỉnh trang, thậm chí còn góp tiền mua vật liệu tu sửa nhà cửa, di dời các công trình một cách hợp lý. Khi người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của nông thôn mới, càng vào giai đoạn nước rút, sự vào cuộc càng mạnh mẽ hơn.

Sự nỗ lực của người dân đã đưa lại những thành quả to lớn. Hệ thống giao thông nông thôn, đường làng ngõ xóm được xây dựng khang trang, đã cứng hóa đạt chuẩn 40,559 km các tuyến trục xã, thôn, trục chính nội đồng, làm mới 5,598 km hệ thống thoát nước khu dân cư, trồng 2,53 km cây xanh bóng mát. Bức tranh về cảnh quan, hạ tầng, khu dân cư mẫu nông thôn mới, vườn mẫu… đã mang lại những đổi thay toàn diện trên vùng quê này.

Cùng với nguồn lực từ cấp trên, xã đã tranh thủ sự chỉ đạo, điều hành sát sao của lãnh đạo, cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, huyện, đơn vị đỡ đầu là Văn phòng hội đồng nhân dân tỉnh, con em xa quê và hàng ngàn ngày công lao động của các hội viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sĩ trong, ngoài huyện, ngân sách địa phương, tính chung tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 4,4 tỷ đồng.

Điểm nhấn mà địa phương tạo được không thể không kể đến đó là xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Ngoài 14 vườn công nhận mẫu thì 100% vườn đều được quy hoạch, chỉnh trang, bố trí các loại cây trồng hợp lý, đem lại giá trị kinh tế. Điều quan trọng trong xây dựng khu dân cư mẫu ở Thạch Thắng như ông Trần Văn Cửu - Thôn trưởng thôn Nam Thắng là chủ trương xây dựng nông thôn mới dường như đã thấm vào da thịt người dân, giờ đây, cứ vào từng khu vườn, dạo quanh từng con đường đã thấy đổi khác. Người dân biết làm đẹp, biết chỉnh sửa gọn gàng từ nhà ra vườn, từ vườn ra ngõ…

Ý thức về xây dựng môi trường sạch, vùng quê đáng sống đã hình thành trong tư duy, nhận thức, hành động của mỗi người. Bởi thế, một thôn trải dài với dân số đông, bán kính rộng mà Nam Thắng đã hoàn thành một cách thuyết phục các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu. Không chỉ ở khu dân cư mẫu mà khắp đường làng ngõ xóm ở các thôn đều sạch đẹp, nhà cửa, vườn tược được xây dựng, chỉnh trang khang trang. Nhà văn hóa, khu thể thao từ xã đến huyện rộng rãi với đầy đủ trang, thiết bị, thiết chế, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt, vui chơi của nhân dân. Trên từng gương mặt ai nấy đều hiện lên niềm vui, phấn khởi, sự hài lòng, khát vọng về sự đổi thay.

Không chỉ khai thác hiệu quả kinh tế từ chính khu vườn của mình mà người dân còn làm giàu từ các ki ốt, mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ từ nhỏ đến lớn. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 32 mô hình kinh tế, trong đó có 3 mô hình cho thu nhập từ 2-3 tỷ đồng/năm, thành lập 6 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 4 doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,58 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,4%.

Mặc dù đã cán đích song vẫn còn nhiều phần việc để hoàn tất trong chặng đường phía trước. Bài học luôn được đúc kết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đó là biết phát huy dân chủ, vai trò của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, vì một khi cán bộ đồng tình, đoàn kết thì người dân mới đồng thuận. Tin rằng, với sự đoàn kết, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, xã Thạch Thắng sẽ tiếp tục tạo được những bước tiến vững chắc hơn nữa./.

Tác giả: Phan Hương

Nguồn tin: Tạp chí Cộng Sản

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP