Đối với các gia đình bị lũ cuốn trôi 100% hoặc hư hỏng toàn bộ lương thực, thiếu đói thì được hỗ trợ 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 3 tháng; những hộ bị trôi một phần lương thực, có nguy cơ thiếu đói thì UBND cấp xã xét, đề xuất UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ mức 15kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian từ 1-2 tháng, nguồn hỗ trợ từ nguồn lương thực tỉnh cấp và do các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ trực tiếp cho các hộ khắc phục hậu quả bão, lũ.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng hỗ trợ kinh phí mua xăng, dầu, thuê tàu, thuyền, xe, vật tư thiết yếu phục vụ chỉ đạo, cứu hộ nhân dân và chi phí cho lực lượng xung kích tham gia ứng cứu nhân dân…
Bên cạnh đó, còn hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất. Đối với diện tích lúa mùa bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30-70% được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.
Gia đình có trâu, bò nuôi tại nhà bị lũ cuốn trôi mất hoặc chết được hỗ trợ 4 triệu đồng/con, hươu 2 triệu đồng/con; lợn thịt có quy mô từ 100 con trở lên bị trôi, chết hỗ trợ 300.000 đồng/con nhưng tối đa không quá 35 triệu đồng/hộ; gia cầm (gà, vịt, ngan) của các hộ chăn nuôi tập trung có quy mô từ 300 con trở lên đối với loại đẻ trứng và từ 500 con trở lên đối với nuôi lấy thịt bị lũ cuốn trôi, chết, được hỗ trợ 15.000 đồng/con nhưng tối đa không quá 12 triệu đồng/hộ.
Các gia đình nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên, bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 7 triệu đồng/ha, nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ.
Đối với gia đình có đất sản xuất nông nghiệp (trồng cây hằng năm) bị xói, lở; đá, cát, sỏi vùi lấp có khả năng cải tạo để sản xuất thì UBND các huyện xác định cụ thể diện tích, mức độ xói, lở, vùi lấp của từng hộ, sau đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, tổng hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Hà Xuân
Chính phủ