Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2010, rất nhiều những dự án thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đã được cấp phép và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, với vốn đầu tư từ hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng.
Từ những dự án này, chính quyền địa phương kỳ vọng vào một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đột biến. Còn người dân thì đã mơ về những món tiền bồi thường khổng lồ cùng hàng vạn công việc mới sẽ được tạo ra.
Nhưng gần 10 năm sau, tất cả đã thay đổi…
‘Đếm cua trong lỗ’
Tháng 9/2009, Dự án mỏ sắt Thạch Khê được phát lệnh khởi công. Thời điểm này, ông Nguyễn Sinh Hùng (khi đó là Phó thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định rằng khai thác mỏ sắt Thạch Khê là một dự án trọng điểm quốc gia, tạo điều kiện cho Hà Tĩnh phát triển trở thành trung tâm công nghiệp ở khu vực Bắc Trung bộ.
Mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh) được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được phát hiện từ năm 1960 nhưng việc lập dự án khai thác mới được khởi động từ những năm đầu của thế kỷ 21.
Sau 8 năm, Dự án mỏ sắt Thạch Khê vẫn đang gặp bế tắc, nảy sinh nhiều hệ lụy. |
Chủ đầu tư Dự án là Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), thành lập ngày 17/5/2007 với 2.400 tỷ đồng vốn điều lệ, gồm 9 cổ đông: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh; Tổng Công ty Thép Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Tập đoàn Sông Đà; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam - Vinashin; Công ty TNHH Sản xuất, XNK Bình Minh và Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long.
Vào thời điểm năm 2007, sự góp mặt của các ‘ông lớn’ như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà hay Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam trong thành phần cổ đông được xem như một sự đảm bảo chắc chắn cho sự thành công của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê.
Cũng trong năm 2007, dự án Nhà máy thép Vạn Lợi của Cty CP Gang thép Hà Tĩnh được cấp phép đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng, với vốn đầu tư 1.700 tỉ đồng trên diện tích 25 hecta.
Nhà máy thép Vạn Lợi dự kiến sẽ cho ra lò mẻ thép thương phẩm vào tháng 8/2010, với công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn thép/năm, giai đoạn 2 nâng lên 500.000 tấn/năm.
Ngày 22/1/2008, Nhà máy tuyển quặng (cũng thuộc Cty CP Gang thép Hà Tĩnh) với vốn đầu tư 158 tỉ đồng đã được cấp phép hoạt động ở xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang. Nhà máy này có công suất 500.000 tấn/năm với mục đích cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy thép Vạn Lợi.
Một loạt các dự án trăm tỉ, nghìn tỉ lần lượt được cấp phép đầu tư đã mở ra viễn cảnh mà ở đó, mọi công đoạn được tiến hành hoàn hảo từ khai thác, tuyển quặng đến sản xuất thép thương phẩm. Những người lạc quan thì bắt đầu đinh ninh rằng: ‘không thành công mới là chuyện lạ’!
Tan giấc mơ ‘đại công trường khai khoáng’
Ngày 18/11/2017, tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê, chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê đang sống cảnh khó khăn, thiếu nước sinh hoạt. |
Đây không phải lần đầu tiên trong vài năm gần đây, Hà Tĩnh đề nghị dừng dự án này. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đang dần hết kiên nhẫn với một dự án đã gây quá nhiều hệ lụy trong khi tính khả thi lại không được đảm bảo.
Trên thực tế, hơn 8 năm sau ngày khởi công, việc khai thác quặng tại mỏ sắt Thạch Khê gần như chưa thực hiện được. Địa phương vẫn đang loay hoay trong công tác giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống người dân vùng chịu ảnh hưởng. Việc bóc đất tầng phủ chưa có tiến triển đáng kể.
Nguyên nhân của việc trì trệ này được cho là do năng lực tài chính của chủ đầu tư (Công ty CP Sắt Thạch Khê – TIC) không đủ đáp ứng theo tiến độ. Bên cạnh đó là những lo ngại về đầu ra sản phẩm và những vấn đề về môi trường như cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải…
Về các dự án tuyển quặng và sản xuất gang thép của Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh, ngày 7/8/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho Cty CP Gang thép Hà Tĩnh khai thác quặng sắt tại xã Sơn Thọ.
Nguyên nhân của việc thu hồi giấy phép này là do phía chủ đầu tư đã không thực hiện việc đầu tư khai thác và không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Nhà máy tuyển quặng tại Sơn Thọ (Vũ Quang) đang bị bỏ hoang. |
Trước đó, vào tháng 5/2015, Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đã có Văn bản số 647/KKT-QLDN ‘Về việc chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy Liên hợp gang thép Vạn Lợi’ gửi đến các ngân hàng đã cho chủ đầu tư dự án này vay tiền.
Nhà máy Liên hợp gang thép Vạn Lợi bị bỏ hoang từ năm 2010 đến nay. Có gần 1000 tỉ đồng đã được đầu tư vào dự án này. Trong đó, hơn 750 tỉ đồng là vốn vay từ các ngân hàng và việc thu hồi vốn là rất khó khăn, vì tài sản thế chấp cho việc vay vốn chỉ là những trang thiết bị máy móc thì nay đã bị bỏ hoang, cũ nát và hoen gỉ.
Bên cạnh những dự án thuộc hàng ‘khủng’ như đã nêu, hàng loạt các mỏ vật liệu xây dựng cũng đã bị chính quyền Hà Tĩnh buộc ngừng hoạt động. Chỉ tính riêng trong ngày 10/8/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành liên tiếp 7 quyết định, đóng cửa mỏ đối với 6 mỏ đá và 1 mỏ đất sét trên địa bàn huyện Kỳ Anh.
Cùng với việc thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ đối với các dự án chậm triển khai, các mỏ khoáng hoạt động không đúng quy định thì chính quyền và các ngành chức năng tại Hà Tĩnh cũng cần tìm giải pháp để khắc phục hậu quả như: thu hồi vốn, phục hồi môi trường, bố trí việc làm và ổn định đời sống người dân vùng chịu ảnh hưởng…
Tác giả: Phạm Tường
Nguồn tin: Thời báo Doanh nhân