Hà Tĩnh ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh minh hoạ: Internet |
Trao đổi với Nhadautu.vn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, do đó nhu cầu về sử dụng điện và hạ tầng về điện là rất lớn và cần thiết.
Ông Lĩnh cho hay thời gian qua, Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII. Theo đó, Hà Tĩnh đã chủ động rà soát, đánh giá tổng thể các quy hoạch, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và đã có nhiều văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương để điều chỉnh, bổ sung các dự án nguồn điện, lưới điện vào quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia.
Về định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng, Hà Tĩnh sẽ tập trung vào các nội dung:
Thứ nhất, đề xuất chuyển đổi Trung tâm điện lực Vũng Áng - Hà Tĩnh công suất 2.400 MW từ sử dụng nhiên liệu đốt than sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng và nâng tổng công suất lên 4.500 MW.
Thứ hai là về điện gió, Hà Tĩnh có dải bờ biển dài, được đánh giá có tiềm năng gió tốt, hệ thống đường dây đấu nối và giải tỏa công suất thuận lợi, do vậy đề nghị bổ sung, cập nhật 8 dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Thứ ba là về lưới điện, đề xuất bổ sung danh mục công trình cấp điện cho khu công nghiệp quy mô 1.200 ha (thuộc Khu kinh tế Vũng Áng) của Tập đoàn Vingroup đầu tư.
Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 6 nhà máy điện đã đi vào hoạt động gồm: Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Formosa, Thủy điện Hương Sơn, Thủy điện Hố Hô, Thủy điện Kẻ Gỗ, Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa và Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hưng.
Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Hà Tĩnh có tổng mức bức xạ mặt trời tương đối cao, trung bình 1.562 kWh/m2/năm, số giờ nắng trung bình trên 1.600 giờ/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để đầu tư các dự án điện mặt trời.
Cùng với nguồn bức xạ mặt trời khá lớn, Hà Tĩnh có 137km bờ biển và nhiều diện tích hoang hóa chạy dọc bờ biển từ Nghi Xuân vào đến Kỳ Anh. Đây là mặt bằng lý tưởng để đầu tư, lắp đặt các nhà máy điện gió, điện mặt trời.
Cùng với tiềm năng từ thiên nhiên, Hà Tĩnh cũng là địa phương có hạ tầng truyền tải điện khá tốt với 2 trạm biến áp 500kV, 5 tuyến đường dây 500kV; 2 trạm biến áp 220kV, 9 tuyến đường dây 220kV; 9 trạm biến áp 110kV, 13 tuyến dây 110kV và hơn 2.640km đường dây trung, hạ áp. Đây là hạ tầng quan trọng để doanh nghiệp đầu tư các nhà máy sản xuất điện và truyền tải lên lưới.
Do đó, thời gian qua Hà Tĩnh đã tập trung ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu, khảo sát, lựa chọn địa điểm triển khai các dự án nhà máy điện mặt trời như: Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty German Asean Power (Cộng hòa Liên bang Đức)…
Một lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết đơn vị đã hướng dẫn các chủ đầu tư khảo sát địa điểm, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Công Thương điều chỉnh, bổ sung các dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đấu nối vào lưới điện quốc gia, hợp đồng mua bán điện, theo dõi, giám sát hoạt động của các dự án…
Danh sách các dự án năng lượng tại Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Tác giả: Trương Hoa
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư