Tin Hà Tĩnh

Tín dụng thắt chặt, bất động sản Hà Tĩnh nguy cơ 'đóng băng'

Việc các ngân hàng thương mại tại Hà Tĩnh đồng loạt siết tín dụng nhiều tháng qua khiến doanh nghiệp địa phương điêu đứng, nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản (BĐS) khi mà dòng vốn chảy vào lĩnh vực này bị thu hẹp đột ngột.

Một dự án BĐS tại thành phố Hà Tĩnh cũng đang khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ảnh Trương Hoa


Lãnh đạo Công ty BĐS TL, thành phố Hà Tĩnh cho biết, từ mấy tháng gần đây doanh thu từ bán hàng của công ty gần như bằng 0, khiến các hoạt động liên quan đến xây dựng phải dừng lại trong khi đó công ty đã nợ lương, hoa hồng của nhân viên kinh doanh từ tháng 9. Do ngân hàng không cho vay nên các nguồn tiền khác cũng đóng băng hết, kể cả nguồn thu từ khách hàng mua BĐS. Hiện mỗi tháng chi phí cố định gồm lương, thuê mặt bằng, trả lãi vay…cũng đã rất lớn.

Đại diện một tập đoàn BĐS lớn ở thành phố Hà Tĩnh cho hay, công ty hiện đang đầu tư hàng loạt khu đất nền và căn hộ Shophouse. Để có tiền thực hiện dự án, doanh nghiệp phải đi vay vốn từ ngân hàng. Nếu như trước đây tới hạn trả rồi vay lại được, còn nay tới hạn phải trả mà không thể vay mới. "Dù biết là vậy, nhưng không trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng thì không được vì sẽ bị nhảy nhóm nợ xấu, sẽ còn chết nhanh hơn", vị này than. Giải pháp hiện nay là doanh nghiệp phải tạm dừng tất cả các dự án, nằm im một chỗ đợi tín hiệu mới của chính sách tiền tệ.

"Một thực tế, không chỉ siết tín dụng mà thủ tục hành chính, chính sách, pháp lý cũng khó khăn. Pháp lý không ra được, dự án không có, thậm chí muốn đóng tiền sử dụng đất để làm dự án cũng không được. Trước đây thường 1 dự án khi đóng được tiền sử dụng đất, làm đủ các thủ tục chỉ cần 12 - 16 tháng ra sổ đỏ. Doanh nghiệp căn cứ vào đây cam kết với khách ra sổ. Nhưng nay dù doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, cơ quan chức năng cũng yêu cầu rà soát lại. Khó khăn trăm bề nên doanh nghiệp phải vay nóng, thế chấp tài sản để cầm cự", một doanh nghiệp đang xây dựng khách sạn, nhà nghỉ tại huyện Lộc Hà cho hay.

Trên đây là thực trạng khó khăn chung của lĩnh vực bất động sản ở Hà Tĩnh hiện nay. Họ đã tìm nhiều cách thức để xoay xở, có doanh nghiệp đã đề xuất ngân hàng nâng lãi vay. Thậm chí có lãnh đạo một công ty BĐS ở Hà Tĩnh sẵn sàng cầm cố dự án để vay "nóng" với lãi suất trên 20%. Tuy nhiên, việc vay ngoài với số tiền lớn lúc này là không dễ dàng bởi tình trạng khan hiếm tiền và khi thị trường đóng băng, ai cũng có tâm lý "tiền mặt là vua".

Trao đổi với Nhadautu.vn, một lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh thẳng thắn trả lời: "Những tháng cuối năm 2022 khi mà lãi suất tăng lên, chúng tôi hạn chế hẳn việc cho doanh nghiệp, cá nhân buôn bán, kinh doanh BĐS khi vay vốn đầu tư. Bởi thực tế, tín dụng đối với BĐS độ an toàn không cao".

Sacombank chi nhánh Hà Tĩnh cũng yêu cầu hạn chế cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS, ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua, xây, sửa BĐS để ở. Sacombank cho biết việc tạm ngưng cho vay BĐS chỉ mang tính thời điểm và sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Phía ngân hàng cũng giải thích, việc hạn chế cho vay BĐS thời điểm này là nhằm tuân thủ quy định chung của NHNN, kiểm soát tín dụng BĐS, kiểm soát lượng cung tiền trên địa bàn một cách thận trọng hơn.

Về phần mình, SHB chi nhánh Hà Tĩnh cho hay dịp cuối năm ngân hàng gần như cạn vốn. Dịp này chủ yếu là tập trung cho việc huy động vốn, hạn chế cho vay bất động sản, trừ trường hợp doanh nghiệp có đầu tư thực và thủ tục hồ sơ hợp lý.

Theo lãnh đạo NHNN Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh, thời gian qua, tín dụng vào BĐS đã được kiểm soát rất chặt chẽ, giờ đến dịp cuối năm sẽ kiểm soát chặt hơn nữa. Tuy nhiên, nguồn vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thật, hạn chế đáp ứng cho mục đích đầu cơ.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP