Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Đất rừng bị ‘xẻ thịt’ làm khu du lịch sinh thái và trải nghiệm (!)

Nhiều tháng nay, dự án Khu du lịch sinh thái và trải nghiệm giáo dục Hoa Hồng rộng hàng nghìn m2 được triển khai và hoạt động một cách quy mô, rầm rộ tại thôn Tân Sơn, xã Nam Hương (Thạch Hà, Hà Tĩnh) khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục có liên quan, gây bức xúc trong dư luận.

Mới chấp thuận chủ trương nhưng đã triển khai và đưa vào hoạt động

Với mục tiêu phát triển kinh tế, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngày 24/12/2018, UBND huyện Thạch Hà đã có Quyết định số 9950/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án dịch vụ Du lịch sinh thái và Tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng tại Nông trại Hoa hồng của ông Hà Huy Thành, thuộc vùng dốc Ba Dội, thôn Tân Sơn, xã Nam Hương (Thạch Hà - Hà Tĩnh).

Theo dự án, diện tích sử dụng đất dự kiến 4.850m2 với các hạng mục như: San lấp mặt bằng, xây dựng nhà điều hành với diện tích dự kiến 200m2, khu vực nhà Homestay với diện tích 200m2, nhà trải nghiệm và giáo dục kỹ năng với 400m2, khu cắm trại và vườn hoa diện tích 1.500m2, khu vực nhà hàng có diện tích 200m2, khu vực bể bơi diện tích 100m2, còn lại là diện tích đường cho giao thông, khu vực trải nghiệm khác, vườn ươm cây và các hạng mục khác…

Toàn cảnh Dự án Khu du lịch sinh thái và trải nghiệm giáo dục Hoa Hồng.

Sau khi ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và trải nghiệm giáo dục Hoa Hồng, UBND huyện giao ông Hà Huy Thành trong thời gian 3 tháng phải hoàn thành hồ sơ, thủ tục liên quan để triển khai xây dựng dự án theo quy định của pháp luật. Nếu thực hiện không đúng thì UBND huyện sẽ xem xét chấm dứt hiệu lực Quyết định chủ trương đầu tư mà không bồi thường.

Tuy nhiên, tính từ thời điểm ký quyết định, đến nay đã gần 4 tháng, nhóm phóng viên ghi nhận được chủ đầu tư đã hoàn thiện các hạng mục: làm 4 khu nhà lợp tranh tre nứa, xây dựng công trình vùng trồng hoa, làm hồ nhân tạo, trồng cam và các loại cây ăn quả cũng như đưa vào sử dụng dịch vụ kinh doanh ăn uống, bán vé tham quan cho du khách và hoạt động trải nghiệm cho học sinh…

Theo người dân địa phương, mấy tháng gần đây, khu trang trại này có khá đông khách đến, mua vé vào chơi,….

Chính quyền có buông lỏng quản lý?

Việc nhà đầu tư không chấp hành theo đúng trình tự khi chưa đủ hồ sơ, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất sang mục đích khác mà đã thực hiện dự án và tiến hành làm nhiều hạng mục, đưa vào hoạt động, tiến hành thu vé tham quan và phí sử dụng dịch vụ đi kèm như ăn uống… đã gây bức xúc và hoài nghi trong dư luận về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.

Một số hạng mục đã được chủ đầu tư triển khai và đi vào hoạt động.

Để tìm hiểu vấn đề, phóng viên được ông Nguyễn Đình Thơ địa chính xã Nam Hương, cho biết: “UBND xã đã nhiều lần vào đề nghị chủ trang trại là ông Thành thực hiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hai lần lập biên bản. Hiện tại xã chưa nhận được một hồ sơ thủ tục giấy tờ gì về chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.

Theo Biên bản kiểm tra về việc kiểm tra rừng và đất lâm nghiệp ngày 6/12/2018 và ngày 12/3/2019, phía UBND xã yêu cầu hộ gia đình dừng các hoạt động xây dựng công trình trên đất, dừng tác động lên phần đất này đến khi được UBND cấp có thẩm quyền cho phép và xử lý vệ sinh môi trường trên diện tích đang sử dụng.

Mặt khác, theo ý kiến của Hạt Kiểm lâm Thạch Hà trong biên bản kiểm tra về việc kiểm tra rừng và đất lâm nghiệp ngày 6/12/2018 thì diện tích đất lâm nghiệp ông Hà Huy Thành đang sử dụng 17,11 ha, trên diện tích này có 5,9 ha sử dụng cho mục đích lâm nghiệp còn 9,41 ha đang sử dụng cho mục đích khác chiếm 30% tổng diện tích là chưa đúng quy định theo Quyết định 49/2016/QĐ-TTg ngày 1/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý rừng sản xuất.

Trong biên bản đề nghị ông Hà Huy Thành dừng tất cả các hoạt động triển khai xây dựng dự án khi chưa có các hồ sơ thủ tục theo quy định. Chỉ thực hiện trồng rừng trên đất chưa có rừng đúng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được giao mục đích sử dụng đất rừng sản xuất.

Từ sự việc trên cho thấy, sau khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND huyện trong thời gian ngắn chủ đầu tư đã thực hiện dự án và đưa vào hoạt động kinh doanh làm phá vỡ cấu trúc của rừng sản xuất khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa đánh giá tác động của môi trường.

Mặc dù, chính quyền địa phương đã phối hợp với một số đơn vị nhiều lần kiểm tra nhắc nhở và lập biên bản, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn để tái diễn tình trạng vi phạm này tái diễn, như là một sự thách thức, coi thường pháp luật và cơ quan chức năng. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn cần phải vào cuộc, xử lý mạnh mẽ hơn, để chấm dứt các vi phạm và không gây băn khoăn, hồ nghi trong dư luận.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Nhân đạo & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP