Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Đám cưới phú nông và người đẹp, dân bỏ việc đồng áng kéo ra xem

Nhắc về phú nông Nguyễn Mậu Anh người dân Hà Tĩnh vẫn nhớ không ít giai thoại về sự giàu có của ông. Trong đó, có hai sự kiện lớn trong đời, ông đã chi số lượng lớn tiền bạc, lúa thóc khiến nhiều người kinh ngạc...

Trải thảm lụa đỏ rước vợ

Theo ông Nguyễn Mậu Cổn (SN 1925, trú ở xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh - em họ phú nông Nguyễn Mậu Anh), của cải gia đình phú nông này ngày càng nhiều.

Bởi vậy những sự kiện trọng đại ông Mậu Anh sẵn sàng chi tiền không tiếc tay.

Hai người con dâu của ông Nguyễn Mậu Anh tâm sự: "Sinh thời, cha chồng tôi được nhiều người yêu quý vì có đóng góp nhiều của cải cho chính quyền và cưu mang dân nghèo".

Ngoài 30 tuổi, ông Mậu Anh phải lòng gái con thầy dạy chữ Nho ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Tục lệ làng thời đó muốn lấy được vợ khác xã, huyện, nhà trai phải có rất nhiều tiền mới đáp ứng được điều kiện thách cưới của nhà gái.

Biết sự giàu có của phú nông Mậu Anh và để thử tấm chân tình của ông, nhà gái yêu cầu hai điều kiện. Đó là ông Mậu Anh phải làm một con đường từ nhà trai đến nhà gái và phải trải chiếu trên tuyến đường ngày rước dâu.

Sau khi nghe lời thách cưới của cha vợ tương lai, phú nông Mậu Anh vui vẻ nhận lời và xin phép họ cho thời gian 3 tháng để thực hiện lời thách cưới của nhà gái.

Đến ngày cưới của ông, người dân hai huyện Thạch Hà, Can Lộc bỏ việc đồng áng ra đường đứng xem người nhà ông Mậu Anh rước dâu trên con đường ông tự làm.

Bàn thờ của gia đình ông Mậu Anh, hiện đã có trên 120 năm sử dụng nhưng chưa hề bị hư hỏng.

Chiều cốc làm bằng Ngà voi được phết sơn, một trong những đồ dùng xa hoa của gia đình ông Mậu Anh còn lưu giữ đến nay.

Cả tuyến đường, ông Mậu Anh chỉ đạo trải thảm lụa đỏ mua từ làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc Hà Đông, Hà Nội) chứ không trải chiếu theo lời thách. Từng đoàn người bê lễ tráp đựng đầy trang sức bằng bạc trắng sang nhà gái xin dâu.

Tổ chức đám tang cha kéo dài nhiều ngày

Không chỉ cưới vợ linh đình, sự kiện tổ chức đám tang cho cha của phú nông này cũng được người đời nhắc đến.

Năm 1936, khi người cha Nguyễn Mậu Quỳnh mất, ông Mậu Anh liền cho người đóng quan tài bằng gỗ sưa được chạm khắc rồng phượng tỉ mỉ và xây ngôi mộ to nhất huyện.

Trong đám tang cha, ông cho mời cả dàn nhạc Ta, Tiêu, Miện (dàn nhạc đám ma thời trước) về thổi suốt đám tang khiến cho không khí không trầm uất như các đám tang khác.

Để tỏ lòng thương nhớ cha, ông cho quan tài cha đặt trong nhà nhiều ngày liền. Đồng thời ông xuất nhiều tiền bạc, mở kho thóc để nấu xôi, nấu cơm, mổ lợn, gà thết đãi người dân Thạch Hà trong thời gian gia đình ông để tang cha.

Việc tổ chức đám cha nổi tiếng cả tỉnh nên nhiều người nghèo khó, xin ăn kéo về nhà ông. Họ được người nhà phú ông căng bạt cho nghỉ ngơi, ăn ngon ngày hai bữa. Thời điểm đưa tang, có hàng nghìn người đến xem và đưa tiễn.

Đóng góp nhiều của cải cho chính quyền

Bà Trần Thị Thanh (75 tuổi), con dâu của ông Nguyễn Mậu Anh, chia sẻ, sinh thời ông Mậu Anh được người dân Hà Tĩnh không chỉ biết đến là người có khối tài sản đồ sộ mà còn là một người có tấm lòng hào sảng.

Bằng khen thi đua ái quốc do Uỷ ban kháng chiến hành chính Hà Tĩnh tặng ông Mậu Anh thời bấy giờ.

Thời điểm đó, Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân nên địa bàn Hà Tĩnh có rất ít trường dạy học.

Chứng kiến cảnh con cháu mình lớn lên không biết chữ và không muốn thế hệ sau bị ngu muội, năm 1938, ông bỏ tiền của kiến thiết ngôi trường tiểu học Vĩnh Lưu.

Ông mời thầy cô về dạy cho học sinh ở xã lân cận Thạch Lưu, địa điểm đó nay thuộc trường Trung học sở sở Vĩnh Lưu (xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà).

Lời cảm ơn của UBND huyện Thạch Hà năm 1946 dành tặng cho gia đình ông vì đã có đóng góp tiền của cho chính quyền.

Là người có nhiều đất, lắm tiền song ông không hề chèn ép người nghèo, ngược lại còn cưu mang họ.

Năm 1945 khi nạn đói diễn ra trầm trọng, ông Mậu Anh đứng ra thành lập hội Nghĩa dân kêu gọi những người giàu trong tỉnh quyên góp hàng trăm tấn lúa phát chẩn cho dân nghèo.

Hội của ông Mậu Anh cứu sống được rất nhiều dân nghèo, họ mang ơn nên thường gọi ông là ông Nghĩa Anh.

Ngoài ra, trong phong trào kháng Nhật cứu nước, ông còn đóng góp nhiều tiền bạc nuôi bộ đội. Đến năm 1945, khi nước nhà giành được độc lập, hàng trăm bộ đội kéo về nhà ông ăn mừng chiến thắng.

Giấy ghi nhận đóng góp của ông Mậu Anh năm 1945.

Khi năm 1947, người dân địa phương tin tưởng bầu ông làm Chủ tịch xã Thạch Lưu, thời điểm đó ông tiếp tục đóng góp lớn cho chính quyền.

Phú nông Mậu Anh đi tiên phong về việc chia nhiều ruộng đất của gia đình mình cho người dân canh tác, mỗi năm gia đình ông nộp trên 3 trăm tạ lúa cho chính quyền.

Với những đóng góp to lớn của ông, năm 1950, ông Mậu Anh được Ủy ban kháng chiến Hà Tĩnh trao bằng khen là chiến sỹ thi đua về việc bán và dâng nhiều lúa nhất cho chiến dịch khao quân trong tỉnh.

Tác giả: Đậu Tình

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP