Nghe câu chuyện về gia đình ông Lê Công Sâm (63 tuổi), bà Trần Thị Tài (60 tuổi) ngụ tại thôn Kim Thành, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, rất nhiều người ngỡ ngàng, bởi thật hiếm có giữa đời thường.
Bốn lần mang thai, bốn lần đau xót
Năm 1974, khi ông Sâm 22 tuổi còn bà Tài vừa tròn 19, hai người nên duyên vợ chồng. Ít lâu sau, gia đình nhỏ càng thêm hạnh phúc khi bà Tài có thai.
Vợ chồng ông Sâm, bà Tài đau xót khi nhắc đến những đứa con rời bỏ họ mà đi khi còn chưa kịp thành hình. |
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, mong mỏi làm mẹ của bà Tài đã tan biến khi bà đột ngột bị sẩy thai.
Sau lần ấy, bà Tài mang thai thêm 3 lần nữa nhưng đớn đau thay, cả 3 lần lượt bỏ vợ chồng bà mà đi khi còn chưa thành hình hài. Sau đó thì bà Tài không có khả năng sinh con nữa.
“Muốn có đứa con cho vui nhà vui cửa nhưng không được, đau xót lắm. Thương cho bản thân không được làm mẹ, tội nghiệp cho chồng luôn đau đáu muốn được làm cha”, bà Tài chia sẻ.
Cuộc sống của hai ông bà cứ thế trôi qua. Dù không ai nói ra, nhưng cứ mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ hàng xóm cười vui nô đùa, mọi người trong gia đình ông Sâm thoáng buồn. Hơn ai hết, trong thâm tâm bà Tài hiểu điều này nhất.
Và rồi, qua nhiều đêm trăn trở, bà tỉ tê với chồng về việc ông có thể cưới vợ hai để có con bồng cháu bế và sau này, có người phụng dưỡng khi về già.
Ông Sâm nhất quyết không đồng ý vì sợ người đời dị nghị, đồng thời, ông động viên bà bình tĩnh, biết đâu trời sẽ thương.
Hạnh phúc đến muộn
Mặc cho chồng phản đối, bà Tài vẫn ra sức thuyết phục.
Chia sẻ chồng mình với người phụ nữ khác là một thử thách quá khó khăn, đau đớn với phụ nữ. Thế nhưng, tình yêu vô bờ bến đã khiến bà Tài đã làm được chuyện mà ít người phụ nữ khác nghĩ đến.
Cuối cùng, chính tình yêu của bà đã khiến ông Sâm xuôi theo. Năm 2004, khi ấy ông Sâm 52 tuổi, chính bà Tài đã mua lễ đi dạm hỏi người phụ nữ khác cho chồng. Đó chính là chị Nguyễn Thị Hòa (năm ấy 31 tuổi, trú ở xã Xuân Lộc).
Dù biết sẽ làm lẽ nhưng cảm nhận được sự chân thành từ vợ chồng ông Sâm và bà Tài, chị Hòa vẫn vui vẻ nhận lời.
Những ngày đầu, điều ông Sâm lo lắng nhất chính là giữa vợ cả và vợ lẽ sẽ xảy ra mâu thuẫn. Gia đình ông cũng phải đối mặt với việc bàn ra tán vào khắp làng trên xóm dưới.
Thế nhưng, với tấm lòng rộng lượng, bao dung của bà Tài, tổ ấm của ba người luôn tràn đầy hạnh phúc.
Bốn năm sau, chị Hòa sinh hạ được bé trai kháu khỉnh trong sự vui mừng khôn xiết của cả nhà. Sau đó, chị sinh thêm một cậu con trai và một cô con gái nữa. Trong căn nhà nhỏ ở thôn Kim Thành luôn đầy ắp tiếng nói cười.
Bà Trần Thị Tài vui vẻ bên chồng cùng 3 con của chị Hòa. |
Chứng kiến hai người vợ và các con hòa thuận bên nhau, ông Sâm cười bảo: “Có lẽ tôi là người đàn ông may mắn nhất”.
Vì kinh tế không mấy khá giả, lại thêm các con ăn học tốn kém, hai tháng trước, chị Hòa vào miền Nam làm nghề giúp việc, kiếm tiền gửi về cho gia đình.
Lúc này, một mình bà Tài quán xuyến công việc gia đình và chăm sóc, nâng niu nuôi dưỡng 3 đứa trẻ.
“Nếu ngày trước mà tôi giữ chồng cho riêng mình thì bây giờ đâu có người gọi mình là mẹ” – bà Tài vui vẻ nói.
Văn Đức / theo VNN