Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Cơ sở tư nhân không hợp pháp tranh giành vùng nguyên liệu chè

Cánh đồng chè thuộc Xí nghiệp chè Tây Sơn xã Sơn Kim 2

Mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch trồng chè, không có vùng nguyên liệu, nhưng cơ sở chế biến chè tư nhân vẫn ngang nhiên hoạt động, tranh giành mua nguyên liệu của cơ sở sản xuất khác đã được quy hoạch, phân vùng nguyên liệu đầu tư và bao tiêu sản phẩm, khiến người dân bức xúc. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc kiểm tra và yêu cầu ngừng hoạt động của cơ sở sản xuất vi phạm nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thành lập từ năm 1959, sau 55 hình thành và phát triển, Nông trường Tây Sơn (xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) trải qua nhiều khó khăn thử thách, thăng trầm. Trong 10 năm nay thực sự đổi mới theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đã trở thành Xí nghiệp chè Tây Sơn và đạt được nhiều thành quả, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành chè cả nước.

Đến nay Xí nghiêp đã trồng được khoảng 330 ha chè nguyên liệu, giải quyết công ăn việc làm cho 800 trăm hộ dân. Sản lượng chè búp tươi sản xuất được hơn 2000 tấn/năm. Từ năm 2013 -2014 xí nghiệp đã trồng mới được 90ha chè giống mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt, từng bước thay thế các giống chè cũ có năng suất thấp; hàng năm Xí nghiệp đầu tư cho các hộ gia đình nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu theo quy hoạch của tỉnh. Việc mở rộng diện tích đồng nghĩa với việc tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho hàng trăm lao động.

Ông Nguyễn Đình Toàn (ở thôn Tiền Phong xã Sơn Kim 2) cho biết, gia đình ông có 3 khẩu chủ yếu là trồng chè bán chè búp tươi cho Xí nghiệp. Trồng được 1ha chè sẽ thu được khoảng 9 tấn chè búp tươi trong một năm, với mức thu nhập 70 triệu đồng/năm.

Thu nhập cao từ việc trồng chè đã thu hút người dân ở những vùng núi của huyện Hương Sơn, họ coi đây là sản phẩm chính để sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Sản phẩm chè mang thương hiệu Tây Sơn cũng từ đây được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và sử dụng.

Thành quả sắp đến ngày gặt hái, thương hiệu “Chè Tây Sơn” lại đối mặt với sự cạnh tranh là không lành mạnh của một cơ sở chè tư nhân trên địa bàn.

Theo phản ánh của người dân, tháng 7/2013, trong vùng quy hoạch cho Xí nghiệp chè Tây Sơn “bỗng dưng” có thêm một cơ sở chế biến chè của hộ anh Phạm Đăng Khoa (thôn Làng Chè xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn) gây nên tình trạng cạnh tranh mua bán thiếu lành mạnh gây tổn thất lớn cho Xí nghiệp chè Tây Sơn.

Ông Cao Kỷ Vỵ, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết, tháng 7/2013, cơ sở chế biến chè của ông Phạm Đăng Khoa bắt đầu khởi công cho đến tháng 4/2014 mới đi vào sản xuất. Từ lúc đi vào hoạt động, cơ sở chế biến này đã mua nguyên liệu của người dân trong vùng quy hoạch thuộc Xí nghiệp chè Tây Sơn, vì cơ sở chế biến này không nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh, huyện và xã.

Trước câu hỏi về việc cơ sở trên chưa có vùng nguyên liệu nhưng vẫn được phép hoạt động, thậm chí còn tranh mua nguyên liệu của người dân trong khu vực, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn thừa nhận, việc tranh mua bán nguyên liệu này có từ khoảng tháng 6/2014 đến nay. “ Hiện tại, chè đang đến thời vụ đốn cành nên việc cạnh tranh mới dừng lại, chúng tôi muốn giải quyết việc này sớm để người dân bớt phần lo lắng sang mùa sau. Theo văn bản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 711/CT – BNN – BVTV, ngày 01/3/2013 quy định về việc đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, đã chỉ rõ là “ Các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước. Chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp chế biến chè khi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu”. Nhưng vụ việc vượt quá thẩm quyền, đã được xã kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được” – ông Vỵ nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn bức xúc, cơ sở chế biến chè tư nhân, và có hiện tượng tranh mua tranh bán đã khiến người dân lo lắng trong khâu sản xuất. Chúng tôi đã có đơn đề nghị lên cấp trên nhưng cơ sở này vẫn âm thầm hoạt động” – ông Sơn cho hay.

Không tự tháo dỡ, sẽ cưỡng chế

Liên quan đến sự việc này, ngày 27/2/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi kiểm tra, xử lý xưởng chế biến chè tại thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn.

Tại văn bản này UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kết luận một số nội dung về việc cơ sở chế biến chè của ông Phạm Đăng Khoa như: Xưởng chế biến không nằm trong quy hoạch về mạng lưới bảo quản chế biến nông lâm thủy sản và ngành nghề nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015; vùng nguyên liệu ký hợp đồng với 50 hộ dân nhưng không được UBND xã xác nhận; vi phạm quy định về đất đai khi xây dựng cơ sở trên đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng …

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo huyện Hương Sơn và các ngành chức năng kiểm tra, rà soát vi phạm của cơ sở chế biến chè trên, yêu cầu cơ sở này tự tháo dỡ, nếu hộ tư nhân này không thực hiện, UBND huyện Hương Sơn, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ và thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các công trình trái phép.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành và thông báo số 68 của UBND tỉnh Hà Tĩnh; biên bản làm việc ngày 11/02/2014 giữa Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, cùng chính quyền địa phương và chủ hộ gia đình ông Phạm Đăng Khoa, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh đã có thông báo cụ thể về vi phạm của hộ kinh doanh này.

Thông báo nêu rõ: “Một là, việc hộ kinh doanh Phạm Đăng Khoa xây dựng nhà xưởng chế biến trên đất ở, đất vườn của ông Phạm Văn Giáp (bố đẻ của ông Khoa) khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sang đất kinh doanh là vi phạm sử dụng đất sai mục đích. Hai là, việc hộ gia đình tổ chức xây dựng cơ sở chế biến chè không nằm trong vùng quy hoạch mạng lưới bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 1744/QĐ – UBND ngày 28/06/2012 của UBND tỉnh. Ba là, hộ gia đình tiếp tục đầu tư cơ sở chế biến chè khi chưa có đầy đủ các hồ sơ thủ tục liên quan, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định về sản xuất chế biến sản phẩm chè công nghiệp (chỉ thị số 711/CT – BNN – BVTV ngày 01/03/2013 của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh sản xuất chè an toàn và chỉ thị 04/CT – UBND ngày 08/01/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất, tiêu thụ chè an toàn bền vững trên địa bàn”.

Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh yêu cầu hộ kinh doanh Phạm Đăng Khoa thực hiện nghiêm túc các nội dung tại thông báo số 68 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời, yêu cầu đại diện hộ kinh doanh đến Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh để được hướng dẫn về việc thực hiện điều chỉnh về ngành nghề kinh doanh, nếu không chịu hợp tác cơ quan sẽ ban hành Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Mặc dù đã bị cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh “tuýt còi” nhưng trên thực tế, cơ sở sản xuất chè nằm ngoài quy hoạch, không có vùng nguyên liệu vẫn âm thầm hoạt động, tranh giành mua nguyên liệu, làm phức tạp thêm tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương.

Từ thực tế trên, cho thấy rằng các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công nghiệp chế biến chè chưa phổ biến pháp luật và chính sách của nhà nước một cách rộng rãi và quán triệt cho các cấp cơ sở nhất là các vùng chuyên canh chè, người dân chưa hiểu, dẫn đến vi phạm, gây thiệt hại cho nhiều bên. Cụ thể là:

Thứ nhất, về pháp luật, mà trước hết là luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QHH11 ngày 29/6/2006 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất Nông sản. Trong đó có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Cơ sở chế biến chè – điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (QCVN 01 – 07: 2009/BNNPTNT). Quy chuẩn này áp dụng bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân đầu tư và sản xuất chè trên lãnh thổ Việt Nam; cho các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Việc đầu tư xây dựng xưởng chè điều kiện trước tiên là: (1) Nhà xưởng phải được xây dựng theo quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (2) Gần vùng nguyên liệu và đảm bảo có đủ nguyên liệu đủ cho xưởng hoạt động.

Thứ hai, về chính sách của Nhà nước đối với ngành chè được thể hiện rõ nhất tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/ 6/ 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, đã được thay thế bởi Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Người dân Hương Sơn chỉ mong muốn cơ quan Nhà nước tại Hà Tĩnh xử lý các vi phạm theo đúng pháp luật, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Báo Đời sống và Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Theo Doãn Đạt Đời sống & Tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP