Giáo dục

Hà Tĩnh: Cắt cử giáo viên đến nhà dạy nếu học sinh không có thiết bị trực tuyến

Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên tỉnh Hà Tĩnh quyết định tổ chức khai giảng năm học mới 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến và việc dạy học cũng được triển khai theo hình thức trực tuyến.

Hà Tĩnh sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh trong năm học mới

PHẠM ĐỨC


Ngày 31.8, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất phương án khai giảng năm học mới 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến và việc dạy học cũng sẽ được triển khai theo phương án này.

“Theo kế hoạch, vào sáng ngày 5.9, Hà Tĩnh sẽ tổ chức khai giảng năm học mới trực tiếp tại duy nhất 1 cơ sở giáo dục là Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP.Hà Tĩnh) và sẽ phát sóng truyền hình trực tiếp buổi lễ này. Chương trình sẽ kéo dài trong khoảng 45 phút với các nghi thức như chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đánh trống khai trường... Sau đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh cũng tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến”, ông Anh nói.

Theo ông Anh, sau lễ khai giảng, bắt đầu từ 6.9, các trường học trên địa bàn sẽ tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến. Riêng khối lớp 1 bậc tiểu học và bậc mầm non chưa tổ chức dạy học cho đến khi có thông báo mới.

Nói về phương án tổ chức dạy học trực tuyến, ông Anh cho hay việc học tập gián tiếp này sẽ được chia làm 3 nhóm.

Đối với các em có đầy đủ các phương tiện, thiết bị học trực tuyến thì giao cho các trường lập danh sách, xây dựng nội dung, môn học phù hợp để tổ chức dạy học ngay sau lễ khai giảng.

Đối với những học sinh gia đình không có trang thiết bị học trực tuyến nhưng người thân có điều kiện thì nhà trường và chính quyền địa phương sẽ vận động họ cho mượn hoặc mua tặng thiết bị cho các em.

Còn đối với các em có hoàn cảnh khó khăn thì các nhà trường sẽ tổ chức học theo các nhóm bạn và áp dụng mô hình “Đôi bạn cùng tiến”.

“Nếu em học sinh nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì chúng tôi yêu cầu các nhà trường cắt cử các giáo viên đến tận nhà để dạy học cho các em này. Sau khi các em trở lại trường, chúng tôi yêu cầu các trường học phải tổ chức khảo sát lại chất lượng học tập trực tuyến của học sinh trong từng lớp. Nếu chất lượng học tập của học sinh có sự phân hóa không đồng đều thì có phương án dạy bổ túc thêm cho những em yếu kém”, ông Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Anh, trong quá trình dạy học trực tuyến, Sở GD-ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường học phải thường xuyên dự giờ và “học cùng học sinh” để có những điều chỉnh, chỉ đạo sát sao. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT các địa phương cũng sẽ thanh tra thường xuyên việc dạy học trực tuyến này.

Đối với việc dạy học trên truyền hình, ông Anh nói rằng kênh dạy học này được đánh giá có ưu thế về diện phủ sóng rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng ổn định, cho phép xem lại chương trình và lưu trữ kho tư liệu kiến thức phong phú. Tuy nhiên, vì thời lượng phát sóng hạn chế nên việc dạy học trực tuyến bằng hình thức này sẽ ưu tiên cho các lớp đầu cấp và cuối cấp.

Tác giả: Phạm Đức

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP