Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh: Thay đổi tư duy hành chính sang phục vụ

Thời gian qua, thu hút đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều tín hiệu tích cực. Chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều giải pháp có trọng tâm, trọng điểm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp (DN), trong đó, việc thay đổi tư duy hành chính sang phục vụ là vấn đề mang tính vững chắc, lâu dài.

Dấu ấn đầu tư

Năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án, trong đó 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD. Một số dự án lớn có thể kể đến như: Nhà máy May mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina (Citi Fox, Hoa Kỳ) tổng mức 3 triệu USD tại Cụm công nghiệp Phù Việt, huyện Thạch Hà; dự án đầu tư sản xuất và thương mại công nghệ Pin Lithium (VinES, Việt Nam và Gotion, Hoa Kỳ) tổng mức 275 triệu USD tại Khu kinh tế Vũng Áng. Tập đoàn Vingroup đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, khảo sát đầu tư dự án Khu đô thị Vinhomes Kỳ Anh; Tập đoàn Sun Group, Ecopark khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án đô thị sinh thái và dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí; Tập đoàn Quế Lâm nghiên cứu, hợp tác đầu tư, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ. 2022 cũng là năm Hà Tĩnh có số lượng DN thành lập mới cao nhất từ trước đến nay với 1.300 DN, nâng tổng số DN toàn tỉnh lên hơn 10.000 DN.

Có được dấu ấn thu hút đầu tư đó, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính để hỗ trợ nhà đầu tư, DN. Điều này được thể hiện qua các chỉ số đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm 2021, Hà Tĩnh có chỉ số PAR INDEX (cải cách hành chính) xếp thứ 8 cả nước và thứ 2 của Bắc Trung Bộ (sau Thừa Thiên Huế); chỉ số SIPAS (hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) xếp thứ 5 và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ; chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) xếp thứ 7 và chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) xếp thứ 27. Những chỉ số này do người dân, DN trong cả nước đánh giá khách quan, phản ánh được phần nào việc môi trường đầu tư tại Hà Tĩnh đã có sự cải thiện mạnh mẽ.

Công ty TNHH HAVINA Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là DN có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc sản xuất mặt hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: MẠNH HÙNG


Thị xã Hồng Lĩnh là một trong những địa phương "được lòng" các nhà đầu tư và DN khi năm 2021 có Bộ chỉ số DDCI (đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh) đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh. Trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh hiện có 2.476 DN, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, giải quyết việc làm cho khoảng 3.400 lao động. Mới đây, UBND thị xã Hồng Lĩnh vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Toàn Cầu về việc khảo sát dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Cổng Khánh 3. Theo đó, Cụm công nghiệp Cổng Khánh 3 xin quy hoạch hơn 75ha diện tích đất để xây dựng nhà máy chiết xuất các loại tinh dầu và nhà máy sản xuất bao bì. Nhận thấy Cụm công nghiệp Cổng Khánh 3 ra đời sẽ có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, UBND thị xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, phấn đấu hoàn thiện xong trong quý II-2023. Mới đây, UBND thị xã Hồng Lĩnh vừa có buổi làm việc với các tập đoàn, công ty về xúc tiến đầu tư những dự án trên địa bàn thu hút đầu tư các dự án Cụm Công nghiệp Nam Hồng, khảo sát ban đầu để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập và đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt. Việc thành lập các khu, cụm CN trên địa bàn thị xã sẽ có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu ngân sách và môi trường phát triển công nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động. Đồng chí Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Chúng tôi tập trung nâng cao năng lực của chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền từ phẩm chất chính trị đến trình độ năng lực để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án trên địa bàn. Cùng với đó, thị xã luôn tạo mọi điều kiện tối ưu đồng hành với DN giải quyết đồng bộ thủ tục hồ sơ; chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư”.

Nhà đầu tư là “khách hàng”

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Hà Tĩnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Điều DN quan tâm nhất khi tìm đến một địa điểm đầu tư đó là cơ sở hạ tầng và nguồn lực đất đai, nhưng hiện nay, hầu hết dự án đầu tư đang triển khai đều vướng mắc về thủ tục đất đai. Trong cuộc gặp mặt, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh với DN, doanh nhân diễn ra vào cuối năm 2022, đa số DN trên địa bàn đề nghị, các sở, ngành cần tập trung giải phóng mặt bằng để DN sớm triển khai các dự án và công trình đã và đang đầu tư, vì đây là nút thắt, điểm nghẽn quan trọng nhất để đáp ứng tiến độ, hiệu quả đầu tư của DN.

Một công cụ rất hữu hiệu nhằm đánh giá về năng lực điều hành, quản lý kinh tế và phục vụ DN của các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh, đó là Bộ chỉ số DDCI. Thông qua việc đo lường sự hài lòng của DN đối với các cơ quan nhà nước của tỉnh sẽ nhận thấy được những ưu, khuyết điểm của từng địa phương để có giải pháp khắc phục thích hợp. Đồng chí Trần Nguyễn Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: “Hà Tĩnh cần đẩy mạnh, triển khai DDCI để mang lại hiệu quả cao trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Đồng thời, cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền đến từng cán bộ, công chức các sở, ngành và địa phương về trách nhiệm công vụ của từng cá nhân, từng vị trí công tác; thay đổi tư duy của cán bộ, công chức từ “hành chính” sang “phục vụ”, xem DN, nhà đầu tư là “khách hàng”, từ đó sẽ nâng cao chất lượng, dịch vụ công hỗ trợ DN, nhà đầu tư trong giải quyết từng thủ tục hành chính tại các đơn vị hành chính”.

Để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh không chỉ cần sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, tỉnh Hà Tĩnh triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, trong đó tập trung rà soát hệ thống chính sách hỗ trợ DN, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tế và quy định pháp luật hiện hành; tạo lập môi trường thông thoáng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng những khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.

Tác giả: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn tin: qdnd.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP